Các yếu tố thúc đẩy hành vi tiết kiệm năng lượng ở giới trẻ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết về bảo tồn năng lượng, việc hiểu rõ các yếu tố thúc đẩy hành vi tiết kiệm năng lượng trở nên cực kỳ quan trọng. Nghiên cứu “Determinants of energy-saving behavior among the youth: Does migration play a moderating role?” của nhóm tác giả Tuan Nguyen Anh, Hang Nguyen Thu, Linh Nguyen Thi Thuy, Chi Tran Phuong và Nguyen To The công bố trên tạp chí Energy & Environment (2023) điều tra các yếu tố quyết định hành vi tiết kiệm năng lượng ở thanh thiếu niên, đặc biệt xem xét tác động của tình trạng di cư. 



Sử dụng Lý thuyết Hành vi Kế hoạch (TPB) làm khung lý thuyết, trong đó hành vi con người bị chi phối bởi ba yếu tố chính: thái độ đối với hành vi, chuẩn mực chủ quan và kiểm soát hành vi có chủ đích. Những yếu tố này ảnh hưởng đến ý định của cá nhân trong việc thực hiện hành vi, từ đó dẫn đến hành vi thực tế. Nghiên cứu mở rộng mô hình này bằng cách bổ sung thêm yếu tố kiến thức về môi trường và kiểm tra vai trò điều tiết của tình trạng di cư. Dữ liệu phỏng vấn 1303 người trong độ tuổi từ 18 đến 29 và được phân tích bằng phương pháp Mô hình SEM để kiểm tra các giả thuyết về mối quan hệ giữa các yếu tố này.

Nghiên cứu chỉ ra rằng kiến thức về môi trường có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ và kiểm soát hành vi có chủ đích trong việc tiết kiệm năng lương của giới trẻ. Cụ thể, những người có kiến thức về môi trường tốt hơn có thái độ tích cực hơn và cảm thấy họ có khả năng kiểm soát hành vi tiết kiệm năng lượng tốt hơn. Chuẩn mực chủ quan như áp lực xã hội từ gia đình, bạn bè và cộng đồng, cũng ảnh hưởng đáng kể đến ý định tiết kiệm năng lượng thông qua tác động của chúng lên thái độ và kiểm soát hành vi có chủ đích.

Một phát hiện quan trọng khác là tác động của người di cư được xác nhận là có vai trò điều tiết trong chuỗi tác động từ kiến thức tiết kiệm năng lượng sang hành vi tiết kiệm năng lượng, mặc dù không đồng nhất. Phát hiện này giúp thu hẹp khoảng cách lớn liên quan đến vấn đề di cư trong chuỗi nghiên cứu hành vi ủng hộ môi trường. Người di cư có tác động mạnh hơn của kiến thức về môi trường lên thái độ so với người bản địa, nhưng tác động của chuẩn mực chủ quan lên ý định lại yếu hơn. Điều này cho thấy rằng những người di cư do có sự thay đổi môi trường sống và cộng đồng, có thể nhạy cảm hơn với kiến thức mới về môi trường, trong khi chuẩn mực chủ quan có thể ít ảnh hưởng hơn.

Nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng ở người trẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các yếu tố đặc thù liên quan đến tình trạng di cư trong thiết kế chính sách. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách nên phát triển các chương trình giáo dục sáng tạo và các chiến dịch truyền thông thân thiện với giới trẻ để nâng cao kiến thức về môi trường. Việc tận dụng các cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng để định hình chuẩn mực chủ quan và thúc đẩy hành vi tiết kiệm năng lượng cũng rất quan trọng. Cuối cùng, các biện pháp can thiệp nên được tùy chỉnh để phù hợp với các động lực và bối cảnh xã hội đặc thù của người di cư và người bản địa.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Tuan Nguyen-Anh, Hang Nguyen-Thu, Linh Nguyen-Thi-Thuy, Chi Tran-Phuong and Nguyen To-The (2023). Determinants of energy-saving behavior among the youth: Does migration play a moderating role? Energy & Environment 1–22. https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0958305X231192364


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN