Tại sao người dân Việt Nam dễ bị lừa đảo đầu tư theo mô hình Ponzi trên các sàn giao dịch tiền mã hóa? Kết quả thực nghiệm từ mô hình PLS-SEM

Hơn 10 năm qua, tại Việt Nam đã có rất nhiều cá nhân bị lôi kéo tham gia vào các sàn giao dịch tiền mã hóa. Có thể kể đến vụ lừa đảo đầu tư tiền ảo iFan và Pincoin năm 2017 hay các sàn hoạt động không chính thống như Wefinex, Raidenbo, Bitono… mang bản chất hoạt động như kế hoạch lừa đảo Ponzi vào thập niên 1900. Do đó, nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Tuấn An, Tô Thị Nguyệt Hà và Lê Tạ Hồng Thanh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) với tiêu đề “Why are Vietnamese people susceptible to cryptocurrency Ponzi schemes? Findings from using the PLS-SEM approach”, công bố trên tạp chí Journal of Financial Crime (2023) đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng bị lừa đảo đầu tư theo mô hình Ponzi trên các sàn giao dịch tiền mã hóa của các cá nhân Việt Nam.



Dựa trên các lý thuyết truyền thống về tài chính và tài chính hành vi, lý thuyết về sự cả tin và lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB), nghiên cứu của nhóm tác giả đã phát triển bảng khảo sát nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng bị lừa đảo đầu tư theo mô hình Ponzi trên thị trường tiền mã hóa tại Việt Nam. Tiếp đó, sử dụng mô hình PLS-SEM, nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố về sự cả tin là nguyên nhân lớn nhất khiến nhà đầu tư Việt Nam trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Bên cạnh đó, các yếu tố về khẩu vị rủi ro và kiến thức về mô hình Ponzi cũng đóng vai trò quan trọng dẫn tới việc trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này. 

Toàn văn bài báo được công bố trên tạp chí Journal of Financial Crime (2023)

Nghiên cứu đưa ra hai đóng góp quan trọng như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu đã có những đóng góp về mặt học thuật khi tiếp cận một chủ đề khá mới tại Việt Nam và từ đó xây dựng cơ sở lý luận ban đầu về các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng bị lừa đảo đầu tư.

Thứ hai, nghiên cứu giúp các cơ quan chức năng và cá nhân hiểu rõ hơn về các kế hoạch Ponzi và cảnh giác với các cơ hội đầu tư ngay cả khi chúng được giới thiệu bởi người thân hoặc bạn bè. Đối với các cá nhân, cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức về tiền điện tử, hình thành tư duy đầu tư nhất quán và cảnh giác với những lời mời chào cơ hội đầu tư. Về phía các cơ quan chức năng, cần thiết phải áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ lừa đảo, đồng thời tăng cường phổ biến các kiến thức về tài chính tới người dân.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Nguyen, N.T., Nguyen, A.T., To, H.T.N. and Le, T.T.H. (2023), “Why are Vietnamese people susceptible to cryptocurrency Ponzi schemes? Findings from using the PLS-SEM approach”, Journal of Financial Crimehttps://doi.org/10.1108/JFC-12-2022-0299

>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ 

TS. Nguyễn Thị Nhung: Chủ nhiệm Bộ môn Đầu tư Tài chính, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế. Cô tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Bordeaux (Pháp). 

Hướng nghiên cứu chính của TS. Nguyễn Thị Nhung bao gồm: thị trường chứng khóan, quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng và ngân hàng thương mại, tài chính cho phát triển bền vững.

Nguyễn Tuấn An: Sinh viên lớp QH2020E TCNH CLC2, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế. Tuấn An là Chủ nhiệm của Cộng đồng Sinh viên Kinh tế Nghiên cứu khoa học (RCES) nhiệm kỳ 2021-2022. Các thành tích học tập mà Tuấn An đã đạt được gồm: 2 bài báo quốc tế (Scopus: Q2); Giải Nhì Nghiên cứu khoa học, Khoa Tài chính  – Ngân hàng năm học 2021-2022, 2022-2023; Giải Nhì Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học “Financial Studies and Markets Contest”. 

Tuấn An đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực phân tích và đầu tư tài chính, tài chính hành vi.

Tô Thị Nguyệt Hà: Sinh viên lớp QH2020E TCNH CLC2, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế. Một số thành tích học tập tiêu biểu của Nguyệt Hà: Top 5 Sinh viên Tài chính UEB 2021; Giải Nhì Nghiên cứu khoa học, Khoa Tài chính Ngân hàng năm học 2021-2022, 2022-2023; Giải Nhất Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học “Financial Studies and Markets Contest 2022”; 2 bài báo quốc tế (Scopus: Q2); 2 lần đạt học bổng Khuyến khích học tập loại Giỏi. Ngoài ra, Nguyệt Hà còn là sinh viên tham gia tích cực trong các hoạt động ngoại khóa, được kết nạp Đảng thuộc Chi bộ khoa Tài chính –  Ngân hàng năm học 2023.

Nguyệt Hà đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực đầu tư tài chính, tài chính hành vi và tài chính cá nhân

Lê Tạ Hồng Thanh: Sinh viên lớp QH2020E TCNH CLC2, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, Hồng Thanh đã đạt một thành tích như: 2 bài báo quốc tế (Scopus: Q2); Giải Nhì Nghiên cứu Khoa học, Khoa Tài chính – Ngân hàng năm học 2021-2022, 2022-2023; 2 lần đạt học bổng Khuyến khích học tập loại Giỏi. 

Hồng Thanh đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực đầu tư tài chính, tài chính hành vi và tài chính cá nhân.
 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN