Tâm lý từ lâu đã được biết đến là một yếu tố quan trọng trong tài chính hành vi và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Sử dụng dữ liệu từ tháng 10/2003 đến tháng 8/2022, nghiên cứu của nhóm tác giả Lương Trâm Anh, Lê Hồng Thái, Lê Trung Thành và Nguyễn Hải Nam (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) kiểm tra tác động của tâm lý nhà đầu tư đối với lợi nhuận chứng khoán tương lai ở các quốc gia G7 trong các điều kiện khác nhau của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư. Toàn văn nghiên cứu “Investor sentiment, stock returns, and the dependence between their quantiles: Evidence from G7 countries” được công bố trên tạp chí Applied Economics Letters (2023).
Tâm lý nhà đầu tư từ lâu đã được xem là một nhân tố quan trọng trong tài chính hành vi và có thể ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của thị trường chứng khoán. Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều chỉ ra rằng tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận cổ phiếu trong tương lai. Có hai kênh lý giải tác động tiêu cực này: (i) các cú sốc về cầu của tâm lý vẫn tồn tại do sự khác biệt về đặc điểm riêng của các công ty niêm yết và xu hướng đầu cơ của nhà đầu tư, và (ii) các hạn chế về chênh lệch giá khiến các cổ phiếu khó định giá. Gần đây, một số nghiên cứu đề cập tới bốn kênh truyền dẫn, trong đó có hai kênh tác động trực tiếp (bao gồm hiệu ứng giữ tiếp và hiệu ứng áp lực về giá) và hai kênh tác động gián tiếp (hiệu ứng Friedman và hiệu ứng tạo không gian). Sự tương tác giữa các hiệu ứng này dẫn đến tác động của tâm lý sẽ thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường tăng/giảm hoặc tâm lý lạc quan/bi quan, do đó việc tồn tại tác động không đối xứng của tâm lý đối với lợi nhuận cổ phiếu là hoàn toàn khả thi.
Sử dụng dữ liệu về doanh thu thị trường (market turnover) để đại diện cho tâm lý nhà đầu tư và tỷ suất sinh lời của thị trường chứng khoán từ các quốc gia G7 (Mỹ, Đức, Ý, Anh, Nhật Bản, Canada và Pháp) trong khoảng thời gian từ tháng 10/2003 đến tháng 8/2022, nghiên cứu của nhóm tác giả xem xét ảnh hưởng của tâm lý nhà đầu tư lên lợi nhuận cổ phiếu trong các điều kiện khác nhau của thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Thay vì sử dụng mô hình hồi quy OLS truyền thống hoặc hồi quy phân vị thường dùng trong các nghiên cứu trước đây, nhóm tác giả sử dụng phương pháp hồi quy tân tiến quantile-on-quantile (QQ) phát triển bởi Sim và Zhou (2015). Phương pháp này cho phép nhóm tác giả phân biệt tác động của tâm lý lên lợi nhuận cổ phiếu ở các kết hợp phân vị cao/thấp của lợi nhuận cổ phiếu cũng như tâm lý nhà đầu tư. Kết quả từ mô hình hồi quy QQ khẳng định mối quan hệ ngược chiều giữa tâm lý nhà đầu tư và lợi nhuận cổ phiếu ở tất cả các quốc gia G7. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, mối quan hệ này thay đổi đáng kể ở các phân vị khác nhau.
Đối với Canada, tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng tích cực đến các nhóm phân vị trên (upper quantiles) của lợi nhuận cổ phiếu, đặc biệt ở các nhóm phân vị tâm lý thấp hơn. Điều này ngụ ý ảnh hưởng tích cực của tâm lý trong các tình huống thị trường tăng giá và khi các nhà đầu tư bi quan. Tuy nhiên, tác động trở nên tiêu cực khi thị trường trở nên giảm giá. Không giống như Canada, tác động tiêu cực thể hiện rõ nét nhất ở Mỹ và Anh khi tâm lý ở các phân vị cực thấp và lợi nhuận cổ phiếu ở mức trung bình. Đối với Pháp, các phân vị thấp hơn của tâm lý ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận cổ phiếu ở các phân vị cao hơn khi thị trường tăng giá. Đối với Đức và Ý, một mối quan hệ tích cực được quan sát thấy ở các nhóm phân vị cao hơn của lợi nhuận cổ phiếu và hầu hết các nhóm phân vị của tâm lý nhà đầu tư ngoại trừ trung vị. Cuối cùng, đối với Nhật Bản, tác động của tâm lý là tiêu cực trong điều kiện thị trường tăng giá.
Các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa to lớn đối với cả các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách. Đầu tiên, các tác động đa dạng của tâm lý bi quan/lạc quan đối với lợi nhuận dự kiến của cổ phiếu cần được các nhà phân tích và đầu tư cổ phiếu xem xét cẩn thận. Thứ hai, các nhà đầu tư có thể xác định giá trị ngưỡng (threshold) của tâm lý khi đánh giá thời điểm đầu tư để tránh các vấn đề liên quan đến đầu tư dưới mức (underinvestment) hoặc đầu tư quá mức (overinvestment). Thứ ba, kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về lý thuyết triển vọng (prospect theory) từ hiệu ứng lợi nhuận cổ phiếu bất đối xứng của tâm lý nhà đầu tư. Thứ tư, các nhà hoạch định chính sách hoặc cơ quan quản lý muốn ổn định thị trường chứng khoán và giảm bớt sự biến động của lợi nhuận cổ phiếu nên nhận thức được giá trị ngưỡng của tâm lý thị trường nói chung và đối với một ngành cụ thể, sau đó là khả năng bùng nổ phi lý tạo ra bởi tâm lý của các nhà đầu tư phi lý trí.
>>> THÔNG TIN BÀI BÁO
Anh Tram Luong, Thai Hong Le, Trung Thanh Le & Hai Nam Nguyen (2023). Investor sentiment, stock returns, and the dependence between their quantiles: Evidence from G7 countries. Applied Economics Letters. https://doi.org/10.1080/13504851.2023.2204211
>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
| ThS. Lương Trâm Anh hiện là giảng viên Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính kế toán tại Đại học Salford (Vương quốc Anh). |
| TS. Lê Hồng Thái hiện phụ trách trách nhiệm Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính công, Khoa Tài chính – Ngân hàng. TS. Lê Hồng Thái được đào tạo bài bản tại nước ngoài, là Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế - Thống kê tại Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh). Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. |
| PGS.TS. Lê Trung Thành hiện là Hiệu trưởng, Thành viên Hội đồng Trường, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, kiêm Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, kiêm Trưởng phòng Đào tạo. Ông có nhiều năm là chuyên gia tư vấn quốc tế cho SECO (Thụy Sĩ), USAid (Hoa Kỳ); tham gia nhiều dự án lớn với World Bank, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước; giảng dạy cho nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. |
| TS. Nguyễn Hải Nam hiện là giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng. TS. Nguyễn Hải Nam tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Kinh tế tại Đại học Southampton (Vương quốc Anh). |