Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ xe buýt của sinh viên tại Hà Nội

Hệ thống giao thông công cộng, bao gồm cả xe buýt, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Do đó, nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Thị Ngọc Quỳnh, Vũ Đức Thanh và Nguyễn Bích Diệp đến từ Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế đã xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ xe buýt của sinh viên tại Hà Nội, từ đó chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng chính bao gồm: khả năng tiếp cận, nhận thức, an toàn và tiện nghi. Nghiên cứu có tiêu đề “Factors affecting students’ decision to use bus services in Hanoi”, được công bố trên Quest Journals - Journal of Research in Business and Management Vol. 11, Iss. 1 (2023).



Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đầu tư hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Trong đó, hệ thống xe buýt có vai trò trọng yếu trong vận chuyển hành khách và kết nối các loại hình giao thông. Tuy nhiên, ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, xe buýt công cộng không phải ưu tiên hàng đầu.

Tại Việt Nam, tính đến năm 2020, có gần 4,5 triệu ô tô và hơn 60 triệu xe máy, tập trung ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, lượng xe máy chiếm 86% tổng phương tiện trên đường. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để phát triển một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, dễ tiếp cận và hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân cũng như sự hiểu biết đúng đắn về nhu cầu của người dân trong lựa chọn phương tiện vận chuyển. Một số nghiên cứu đã tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bao gồm các yếu tố về khả năng tiếp cận, an toàn, thoải mái và sạch sẽ, chất lượng cung cấp dịch vụ và nhận thức của người dùng. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) là khác nhau giữa các quốc gia do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, văn hóa và chuẩn mực.

Nghiên cứu của nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 250 sinh viên đại học tại Hà Nội thông qua sử dụng bảng hỏi. Mô hình cấu trúc tuyến tính được áp dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng xe buýt, gồm: thống kê mô tả, phân tích độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và phân tích đường dẫn. Kết quả phân tích cho thấy có 3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ xe buýt của sinh viên tại Hà Nội, đó là: khả năng tiếp cận, nhận thức, an toàn và tiện nghi. Trong đó, an toàn và tiện nghi có tác động mạnh nhất, tiếp đến là nhận thức và khả năng tiếp cận. 

Chi tiết bài báo xem tại: https://www.questjournals.org/jrbm/papers/vol11-issue1/11011824.pdf

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

ThS. Lê Thị Ngọc Quỳnh: Trợ giảng bộ môn Toán kinh tế và Khoa học dữ liệu thuộc Khoa Kinh tế Phát triển – Trường Đại học Kinh tế, hiện đang theo học chương trình Nghiên cứu sinh chuyên ngành Phương trình vi phân và Tích phân tại Viện Toán học. Hướng nghiên cứu chính: Phương trình vi phân và tích phân.

PGS.TS. Vũ Đức Thanh: Giảng viên cao cấp bộ môn Kinh tế học thuộc Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế; Tiến sĩ Kinh tế Chính trị XHCN. Hướng nghiên cứu chính: Kinh tế học, kinh tế chính trị.
TS. Nguyễn Bích Diệp: Tiến sĩ Kinh tế ứng dụng của Đại học Basel (Thụy Sĩ); Thạc sĩ Kinh tế của Đại học Trento (Italia) và bằng cử nhân Kinh tế Quốc tế của Đại học Ngoại thương. Trước khi trở thành giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, bà đã có kinh nghiệm làm trợ lý giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Basel và là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Hướng nghiên cứu chính: Kinh tế gia đình, giáo dục, y tế.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN