Sử dụng dữ liệu từ thị trường Mỹ và Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, nghiên cứu “Dynamic spillovers between oil price, stock market, and investor sentiment: Evidence from the United States and Vietnam” của Lê Hồng Thái và Lương Trâm Anh đăng trên Resources Policy Vol. 78 (2022) đã xem xét tác động lan tỏa giữa các cú sốc của giá dầu, lợi nhuận của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư.
Từ lâu, diễn biến giá dầu thô đã gây ra các ảnh hưởng khá mạnh đến sự vận động của thị trường chứng khoán. Điều này diễn ra do giá dầu có mức ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Về nguồn cung, giá dầu ảnh hưởng không chỉ đến chi phí đầu vào của khá nhiều ngành nghề kinh doanh mà còn cả chi phí vận tải các loại hàng hóa để đưa đến tay người tiêu dùng. Về nguồn cầu, giá dầu thay đổi sẽ dẫn đến sự điều chỉnh của giá cả hàng hóa nông nghiệp, giá điện và giá xăng. Đây đều là các loại hàng hóa tiêu dùng thường ngày của người dân trong nền kinh tế. Mặc dù đã có những bằng chứng thực nghiệm về tác động của giá dầu đối với lợi nhuận của cổ phiếu và ngược lại, ảnh hưởng của giá dầu đến tâm lý nhà đầu tư lại ít được quan tâm hơn. Trong quá trình “tài chính hóa” các thị trường hàng hóa bao gồm thị trường năng lượng, các nhà đầu cơ đã coi dầu thô như một tài sản tài chính cho danh mục đầu tư của họ và do đó, giá dầu có thể có liên quan đến sự chú ý và tâm lý của các nhà đầu tư.
Sử dụng dữ liệu từ thị trường Mỹ và Việt Nam giai đoạn 2010-2020, nghiên cứu xem xét tác động lan tỏa giữa các cú sốc của giá dầu, lợi nhuận của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư. Kết quả cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau vừa phải giữa biến động giá dầu, lợi nhuận thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư. Hơn nữa, mối quan hệ này thay đổi theo thời gian và bị chi phối bởi các sự kiện và diễn biến theo các mốc thời gian cụ thể. Nhìn chung, giá dầu và tâm lý nhà đầu tư là các nhân tố truyền dẫn, gây nên các cú sốc trong lợi nhuận chứng khoán ở Mỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư là tác nhân chính dẫn đến các cú sốc, trong khi giá dầu và lợi nhuận cổ phiếu là các tác nhân nhận các cú sốc này.
Như vậy, kết quả nghiên cứu đã khẳng định giá dầu là một trong những yếu tố quyết định đến hoạt động của thị trường tài chính ở các nước phát triển. Một hàm ý của điều này là các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển cần phải theo dõi chặt chẽ những thay đổi bất thường của giá dầu ở các nước này. Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi như ở Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư có xu hướng là yếu tố then chốt nhất. Do đó, việc ổn định tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư nên là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, bởi vì mối quan hệ giữa giá dầu, lợi nhuận thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư thay đổi theo thời gian và hoàn toàn bị chi phối bởi các diễn biến, sự kiện cụ thể theo thời gian, các nhà hoạch định chính sách nên có một hệ thống giám sát trong cả ba lĩnh vực trên để có những phản ứng kịp thời khi cần thiết. Khi mà sự thay đổi của một trong ba yếu tố kể trên đều có khả năng ảnh hưởng đến các nhân tố còn lại, điều này dễ dàng tạo nên rủi ro lan tỏa cho toàn bộ hệ thống tài chính.
Thông tin tác giả
| TS. Lê Hồng Thái phụ trách trách nhiệm Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính công, Khoa Tài chính - Ngân hàng. Anh nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp và Thống kê tính toán, Đại học Bournemouth - Anh năm 2021; Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính, ĐH Bournemouth - Anh năm 2017; Cử nhân Tài chính, Đại học Sheffield Hallam năm 2015. Hướng nghiên cứu chính gồm: Kinh tế vĩ mô; mô hình chuyển dịch dinh dưỡng; phương pháp phân cụm; kinh tế lượng không gian; phân tích dữ liệu chuỗi thời gian. |
| ThS. Lương Trâm Anh hiện là Trợ giảng Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng. Cô là Nghiên cứu sinh ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính kế toán – Đại học Salford, Anh năm 2016; Thạc sĩ Quản lý - Đại học Salford, Anh; Cử nhân Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2014. |
Thông tin bài báo
Thai Hong Le, Anh Tram Luong (2022). Dynamic spillovers between oil price, stock market, and investor sentiment: Evidence from the United States and Vietnam. Resources Policy 78, 102931. https://doi.org/10.1016/j.resourpol.2022.102931