Các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng trong công việc và mối liên hệ mật thiết giữa sự hài lòng trong công việc với sự gắn bó tổ chức: Từ góc độ giáo dục đại học

Với tiêu đề “Antecedents of Job Satisfaction and Its Progressive Intertwinement with Organizational Commitment: From a Higher Education Perspective”, bài báo của PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, TS. Nguyễn Anh Tuấn (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và các cộng sự công bố trên tạp chí The International Journal of Interdisciplinary Educational Studies Vol. 17, Iss. 2 (2023) tập trung điều tra các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng trong công việc và mối liên hệ mật thiết giữa sự hài lòng trong công việc và gắn bó với tổ chức trong các cơ sở giáo dục đại học từ sự kết hợp của hai góc độ lý thuyết, đặc điểm cá nhân và đặc điểm môi trường.



Những năm gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức. Mặc dù mỗi quốc gia sẽ xây dựng chiến lược với những điều chỉnh riêng biệt phù hợp với đặc điểm và điều kiện của quốc gia đó, điểm cốt lõi chung của các chiến lược này là tập trung đẩy mạnh giáo dục và đào tạo. Giáo dục bậc đại học theo đó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chức năng các trường đại học hiện đảm nhận là sáng tạo, chuyển giao tri thức, bảo tồn và phát triển văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực cao cho xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục bậc đại học cần phải bảo đảm một đội ngũ nhân sự chất lượng cao có khả năng tạo ra và chuyển giao tri thức. Tuy vậy, những cơ sở này lại đứng trước rất nhiều các vấn đề về nhân sự, nổi bật là hiện tượng nghỉ việc ồ ạt của các giảng viên và chuyên viên. Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng điều này có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố, như áp lực phải cải thiện năng lực làm việc của sinh viên, đường lối quản lý nhân sự chưa hiệu quả, hay áp lực phải liên tục cải tiến công cụ, phương thức học tập để đối phó với các biến động trong đời sống. Các yếu tố này được tin là đã làm giảm sự hài lòng của giảng viên và chuyên viên với nơi làm việc của mình và theo đó cũng làm yếu đi sự gắn bó của họ với tổ chức đó. 

Những điểm được đề cập ở trên khiến cho việc nghiên cứu sự hài lòng trong công việc và mối liên hệ của nó tới sự gắn bó với tổ chức của nhân sự trong các cơ sở giáo dục bậc đại học trở nên cấp thiết. Con người là tài sản quý giá nhất của mọi tổ chức. Việc hiểu được điều gì có thể làm tăng sự hài lòng của họ khi làm việc và thắt chặt sự gắn bó của họ với tổ chức là vô cùng quan trọng để các cơ sở giáo dục bậc đại học giữ được người tài và bảo đảm chất lượng đào tạo. Do đó, nghiên cứu này tập trung điều tra các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng trong công việc và mối liên hệ mật thiết giữa sự hài lòng trong công việc và gắn bó với tổ chức trong các cơ sở giáo dục đại học từ sự kết hợp của hai góc độ lý thuyết, đặc điểm cá nhân và đặc điểm môi trường.

Nghiên cứu ứng dụng mô hình cấu trúc tuyến tính (PLS-SEM) phân tích dữ liệu thu được từ 488 giảng viên tới từ sáu trường đại học lớn tại Việt Nam thông qua bảng hỏi. Kết quả chỉ ra rằng sự yêu mến tự thân đối với tổ chức, mức độ trách nhiệm đối với công việc, mức độ hấp dẫn của việc làm, lương, thưởng, và các đặc điểm riêng của nơi làm việc có ảnh hưởng tích cực với sự hài lòng của nhân sự trong các cơ sở giáo dục đại học. Ngược lại, áp lực công việc làm giảm sự hài lòng của đối tượng nhân sự này. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối quan hệ hai chiều giữa sự hài lòng trong công việc và sự gắn bó với tổ chức trong các cơ sở giáo dục đại học. Đáng chú ý, ảnh hưởng từ sự gắn bó với tổ chức tới sự hài lòng trong công việc mạnh hơn ảnh hưởng từ chiều ngược lại. Những phát hiện này đã làm phong phú thêm lý thuyết liên quan tới sự hài lòng trong công việc và sự gắn bó với tổ chức, làm rõ thêm bản chất mối liên hệ giữa hai yếu tố này.

Kết quả nghiên cứu mang lại nhiều giá trị thực tiễn. Những phát hiện của nghiên cứu đặc biệt hữu ích cho các chuyên gia quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong việc xây dựng đường lối, chính sách phù hợp với bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học. Nghiên cứu gợi ý các nhà quản lý cần để tâm đồng thời tới đặc điểm riêng của từng nhân sự cũng như các đặc điểm chung của môi trường làm việc khi hoạch định đường lối, chính sách. Như vậy, các nhà quản lý có thể cải thiện sự hài lòng của nhân sự với công việc cũng như sự gắn bó của họ với tổ chức, góp phần làm giảm tỷ lệ nghỉ việc tại các cơ sở này. Một số giải pháp mà nghiên cứu đề xuất bao gồm: (1) Cải thiện hệ thống lương, thưởng cho nhân sự làm việc trong các cơ sở giáo dục bậc đại học, chú trọng hơn tới các hạng mục phi tài chính; (2) Cải thiện mức độ thu hút của việc giảng dạy bậc đại học thông qua tái cấu trúc hệ thống hình ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng; (3) Xây dựng và ứng dụng các biện pháp quản lý nguồn nhân lực mang tính cá nhân hóa; và (4) Giảm áp lực công việc cho nhân sự.

>>> Chi tiết về bài báo:

Pham Thi Hong, Diep, Tuan Nguyen Anh, Hang Nguyen Thu, Nguyet Vu Bich, Chi Tran Phuong, and Tan Nguyen Nhat. 2023. "Antecedents of Job Satisfaction and Its Progressive Intertwinement with Organizational Commitment: From a Higher Education Perspective." The International Journal of Interdisciplinary Educational Studies 17 (2): 63-82. doi:10.18848/2327-011X/CGP/v17i02/63-82.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN