Các nhân tố tác động tới phát triển du lịch bền vững: Nghiên cứu tại tỉnh Quảng Ninh

Du lịch đã và đang là ngành kinh tế có sự phát triển mạnh nhất trên thế giới với tiềm năng và những đóng góp to lớn trên nhiều phương diện. Du lịch tạo công ăn việc làm, tăng ngân sách, góp phần mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực… Bên cạnh đó, du lịch cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đối với môi trường, xã hội và cả nền kinh tế. 



Yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia, các nền kinh tế trên thế giới là nghiên cứu để có thể hướng đến sự phát triển du lịch bền vững, đạt hiệu quả trên cả ba mặt: kinh tế, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Chính vì vậy, phát triển du lịch bền vững là hướng đi đúng đắn của ngành du lịch Việt Nam cũng như của tất cả các nước trên thế giới. Nghiên cứu “Factors Affecting Sustainable Tourism Development: Survey in Quang Ninh province” của Bùi Thị Quyên, Nguyễn Thị Mai Hương và Phương Hữu Từng đăng trên tạp chí International Journal of Early Childhood Special Education Vol. 14, Iss. 1 (2022) nhằm hỗ trợ cho việc lập kế hoạch và phát triển du lịch bền vững mang lại chất lượng dịch vụ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm đến, đảm bảo phát triển đồng thời môi trường và xã hội tại Quảng Ninh. 

Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều biến chuyển kinh tế tích cực. Ngành nông nghiệp được coi là ngành kinh tế chính, có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới song vẫn chưa mang lại thu nhập cao cho người dân; còn ngành công nghiệp lại cần đến lượng vốn đầu tư khoa học kỹ thuật lớn, thời gian hoàn vốn lâu; trong khi đó ngành du lịch  được coi như là một ngành công nghiệp không khói lượng bụi, không cần đầu tư quá nhiều và thời gian thu lợi nhuận nhanh, đang dần trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Quảng Ninh – điểm đến hàng đầu Việt Nam, được đánh giá là một trong những vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch nổi bật và đặc sắc nhất cả nước. Nơi đây không chỉ có vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, Khu di tích danh thắng Yên Tử nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan mà còn có hơn 600 di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh khác. Chính nhờ những lợi thế này, trong những năm qua, ngành công nghiệp không khói của tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng. Hiện nay, Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã được Chính phủ quan tâm và xem đây là ngành kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, du lịch Quảng Ninh còn nhiều tiềm năng bỏ ngỏ; nhiều tài nguyên du lịch chưa được khai thác hợp lý, chưa phát huy lợi thế để đóng góp cho phát triển kinh tế những năm qua, chưa thực sự là nơi đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào du lịch; đặc biệt là du lịch ngoài biển đảo hay tại các vùng núi. Bên cạnh đó, mùa vụ và các yếu tố hạ tầng cũng là những yếu tố ngăn cản Quảng Ninh khai thác hết những tiềm năng sẵn có. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng phần nào làm ảnh hưởng đến thành quả du lịch Quảng Ninh. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Quảng Ninh hiện nay là làm thế nào để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của du lịch tỉnh để phát triển nhanh và bền vững. Tức là vừa khai thác môi trường tự nhiên và văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch, giúp phát triển kinh tế và phải quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn, đồng thời vừa duy trì các khoản đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường, tôn tạo bảo tồn các di sản, bảo vệ tài nguyên du lịch và góp phần nâng cao mức sống và lợi ích của cộng đồng địa phương và cần phải hài hòa, lan tỏa được lợi ích kinh tế các thành phần kinh tế tại địa phương.

Nghiên cứu này với đóng góp hỗ trợ cho việc lập kế hoạch và phát triển du lịch bền vững ở Quảng Ninh mang lại chất lượng dịch vụ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm đến, đảm bảo phát triển đồng thời môi trường và xã hội thông qua việc đi sâu nghiên cứu về phát triển du lịch tại Quảng Ninh dưới góc độ phát triển ngành dịch vụ một cách bền vững đạt hiệu quả kinh tế, đồng thời kiểm tra thực nghiệm các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững Quảng Ninh. Dựa trên kết quả điều tra khảo sát từ 250 nhà quản lý và chủ doanh nghiệp, thông qua phương pháp PLS-SEM, nghiên cứu đã chỉ ra có 6 yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch bền vững tại Quảng Ninh lần lượt là: Chất lượng dịch vụ du lịch, Tài nguyên và môi trường du lịch, Nguồn nhân lực du lịch, Tổ chức quản lý của chính quyền, Cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, Sự tham gia của cộng đồng. Dựa trên kết quả nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững, nghiên cứu chỉ ra định hướng cho các nhà quản lý địa phương tìm kiếm các giải pháp phát triển du lịch Quảng Ninh trên các khía cạnh: kinh tế, môi trường và xã hội.

Thông tin tác giả thuộc Trường Đại học Kinh tế

TS. Bùi Thị Quyên hiện là giảng viên Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu chuyên sâu của TS. Bùi Thị Quyên là năng lực cạnh tranh; văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh; chuyển đổi số. Hiện nay, TS. Bùi Thị Quyên đã tham gia đề tài khoa học cấp Thành phố và hiện đang tham gia Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp Quốc gia: “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”, đồng thời là tác giả của gần 15 bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. 

 

TS. Nguyễn Thị Mai Hương hiện là giảng viên Bộ môn Toán kinh tế và Khoa học dữ liệu, Khoa Kinh tế Phát triển, - Trường Đại học Kinh tế. Với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy trong hơn 13 năm, TS. Nguyễn Thị Mai Hương đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu và giảng dạy nhiều môn học trong lĩnh vực kinh tế. Hướng nghiên cứu chính của TS. Nguyễn Thị Mai Hương là đầu tư nước ngoài, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế phát triển.

 

Thông tin bài báo

Bui Thi Quyen, Nguyen Thi Mai Huong, Phuong Huu Tung (2022). Factors Affecting Sustainable Tourism Development: Survey in Quang Ninh province. International Journal of Early Childhood Special Education 14 (1). DOI: 10.9756/INT-JECSE/V14I1.365


Trường Đại học Kinh tế