Biến đổi khí hậu đã và đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, được các quốc gia quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu. Tại Việt Nam, phòng chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường luôn là chủ đề nổi cộm, được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Đặc biệt những năm gần đây, tình trạng khô hạn và thiếu nước tưới kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cà phê ở khu vực Tây Nguyên, Việt Nam. Nhằm tìm kiếm giải pháp cho thực trạng trên, TS. Nguyễn Đình Tiến - Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Tài nguyên và Bất động sản, Khoa Kinh tế Phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng các cộng sự đã thực hiện các nghiên cứu liên quan đến chủ đề sử dụng hiệu quả nước tưới trong điều kiện hạn hán kéo dài. Đặc biệt, trong đó có 2 nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, bao gồm: “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới của cà phê Robusta (Coffea míaphora) tại tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam” và “Hiệu quả kỹ thuật sử dụng nước tưới sản xuất cà phê Robusta trên lưu vực sông Đồng Nai (Việt Nam): Nghiên cứu điển hình của tỉnh Lâm Đồng”.
Bài báo “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới của cà phê Robusta (Coffea míaphora) tại tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam" (2021) được công bố trên Sustainability - tạp chí quốc tế, đa ngành, học thuật, được bình duyệt và truy cập mở về tính bền vững về môi trường, văn hóa, kinh tế và xã hội của con người. Nó cung cấp một diễn đàn nâng cao cho các nghiên cứu liên quan đến tính bền vững và phát triển bền vững, được xuất bản trực tuyến hàng tháng bởi Nhà xuất bản MDPI.
Nội dung bài nghiên cứu đi vào phân tích hiệu quả sử dụng nước tưới cho cà phê Robusta trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tác giả sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas nhằm xác định sự thay đổi năng suất cà phê đối với việc áp dụng nước tưới và các yếu tố sản xuất khác, với dữ liệu được thu thập từ 194 nông dân, đồng thời hiệu quả kỹ thuật (TE) và hiệu quả sử dụng nước tưới (IWUE) được phân tích bằng cách sử dụng mô hình phân tích bao dữ liệu (DEA). Mối tương quan của các yếu tố khác nhau với IWUE được xác định bằng cách sử dụng mô hình hồi quy Tobit. Kết quả từ mô hình Cobb-Douglas cho thấy khối lượng nước tưới, lượng vốn lưu động, lao động và quy mô sản xuất ảnh hưởng đáng kể đến năng suất cà phê. Người dân bản địa sử dụng nước tưới có hiệu quả hơn so với nông dân di cư từ địa phương khác đến. Kết quả Tobit chỉ ra rằng kinh nghiệm của người nông dân, trình độ học vấn, khoảng cách từ trang trại đến nguồn nước, an ninh tiếp cận nguồn nước, tiếp cận tín dụng ảnh hưởng đáng kể đến IWUE. Những phát hiện mới tiếp tục cho thấy rằng việc giảm thiểu tình trạng thiếu nước trong các trang trại cà phê đòi hỏi sự hỗ trợ chính sách tiểu vùng và quốc gia như tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ tín dụng và khuyến nông, đào tạo, quản lý đất đai cấp hộ gia đình để cải thiện tình hình nông nghiệp thông qua việc áp dụng các công nghệ thích hợp và kiến thức truyền thống.
Tại Kỷ yếu Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và Bền vững (EDESUS 2019) có tên “Global Changes and Sustainable Development in Asian Emerging Market Economies”, nghiên cứu “Hiệu quả kỹ thuật sử dụng nước tưới của sản xuất cà phê vối ở lưu vực sông Đồng Nai (Việt Nam): Nghiên cứu điển hình về tỉnh Lâm Đồng” của TS. Nguyễn Đình Tiến và cộng sự đã phân tích hiệu quả sử dụng nước tưới cho cà phê Robusta ở tỉnh Lâm Đồng thông qua sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas. Hiệu quả kỹ thuật (TE) và hiệu quả sử dụng nước tưới (IWUE) được phân tích bằng mô hình phân tích bao dữ liệu (DEA). Kết quả của Cobb-Douglas cho thấy khối lượng nước tưới và lượng vốn lưu động, lao động và quy mô sản xuất ảnh hưởng đáng kể đến năng suất cà phê. Nghiên cứu khuyến nghị rằng việc ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thiếu nước ở các trang trại trồng cà phê không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính sách quốc gia (tiếp cận tín dụng và dịch vụ khuyến nông, đào tạo, quản lý đất đai) mà còn cần cải thiện nỗ lực của hộ gia đình trong các hoạt động canh tác cần thiết.
Hai bài nghiên cứu trên đã nêu lên được ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, hạn hán đến các trang trại trồng cà phê ở tỉnh Lâm Đồng, Tây Nguyên, Việt Nam. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp nhằm đối phó với hạn hán và cải thiện nguồn nước tưới tiêu, giúp cuộc sống của hộ nông dân trồng cà phê được ổn định phát triển kinh tế.
Về TS. Nguyễn Đình Tiến: TS. Nguyễn Đình Tiến tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế Nông nghiệp tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) năm 2001, ; tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp năm 2009 tại Đại học Quốc gia Philippines, Los Banos; tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Philippines, Los Banos năm 2017. Hướng nghiên cứu chính của ông gồm: Lượng giá kinh tế môi trường, chi trả dịch vụ môi trường rừng, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phân tích thị trường và giá cả, tăng trưởng xanh. TS. Nguyễn Đình Tiến hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Tài nguyên và Bất động sản, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN Tính đến nay, TS. Nguyễn Đình Tiến là tác giả, đồng tác giả của 3 giáo trình, sách chuyên khảo; 12 bài nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI (SCIE); 1 bài đăng trên hệ thống tạp chí, kỷ yếu quốc tế thuộc danh mục Scopus cùng 15 bài đăng trên các tạp chí quốc tế khác. |