Với hướng nghiên cứu chính liên quan tới kinh tế giáo dục, tài chính giáo dục và bất bình đẳng, TS. Trương Thu Hà đã có nhiều công bố quốc tế giá trị. Một trong những công trình mới nhất của cô liên quan đến lĩnh vực kinh tế giáo dục có tiêu đề “Educational expansion and the economic value of education in Vietnam: An instrument-free analysis,” đăng trên International Journal of Educational Research Open - tạp chí thuộc nhóm Q1 (top 25%) theo phân loại của Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học Scimago.
Đây là bài báo đăng tạp chí quốc tế đầu tiên của cô được công bố ở tạp chí xếp hạng Q1. Xin chúc mừng những nỗ lực của TS. Trương Thu Hà.
TS. Trương Thu Hà là giảng viên Bộ môn Chính sách công - Khoa Kinh tế Phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Cô nhận bằng Tiến sĩ từ Viện Nghiên cứu Hợp tác Quốc tế - Đại học Kobe, Nhật Bản. Cô từng tham gia các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục đại học cũng như thực hiện nhiều đề tài liên quan đến tài chính và quản trị giáo dục.
Cùng với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về chính sách công tại Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, TS. Trương Thu Hà đã có đưa ra cách tiếp cận mới về mối quan hệ giữa mở rộng giáo dục đại học và giá trị kinh tế của giáo dục tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tác động của chính sách mở rộng giáo dục đại học tới thị trường lao động. Tác giả đã đưa ra câu hỏi nghiên cứu: Cùng với việc cánh cửa vào đại học trở nên dễ dàng hơn, liệu tỷ lệ lao động có bằng đại học tăng lên có dẫn đến việc thị trưòng lao động dành cho lao động trí thức bị bão hòa hay không? Tỷ suất sinh lợi của giáo dục đại học đã thay đổi như thế nào trong hơn 10 năm qua kể từ khi bước vào đại học còn là cánh cửa hẹp dành cho một số học sinh xuất sắc cho đến gần đây khi nhiều trường đại học mới được thành lập và các trường lớn đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh dẫn đến việc bước vào đại học trở nên dễ dàng hơn rất nhiều?
Để giải quyết vấn đề trên, thay vì sử dụng biến công cụ truyền thống cho chính sách, nghiên cứu mã hóa số năm đi học của mỗi cá nhân trong nhóm tuổi tương ứng thành một điểm tỷ lệ. Đồng thời nghiên cứu cũng sử dụng một biến tương đối là tỷ lệ người có bằng đại học theo nhóm tuổi. Điều này cho phép quan sát sự thay đổi tương đối của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với chính sách mỏ rộng giáo dục đại học. Nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách mở rộng giáo dục đại học không làm thay đổi tuyệt đối nhưng lại làm thay đổi tương đối mức tiền lương trên thị trường lao động. Nói cách khác, thị trường lao động Việt Nam đang vận hành theo hướng là trình độ học vấn tuyệt đối của mỗi cá nhân không còn là yếu tố quyết định, mà điều quan trọng là so sánh tương đối giữa bằng cấp của cá nhân với những người cùng trình độ khác.