Trang cựu sinh viên
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thành công của ĐHQGHN góp phần tạo ra khí thế mới của giáo dục Việt Nam trên con đường đổi mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống tại lễ khai giảng của ĐHQGHN
Sáng 15/9/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Lễ khai giảng năm học 2014-2015 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã có bài phát biểu chứa đựng nhiều thông điệp về đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng gửi đến ĐHQGHN và toàn ngành Giáo dục.


Cùng dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi; cùng lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số ban ngành cơ quan trung ương và Thành phố Hà Nội. Cùng tham dự có đại sứ các nước: CH Ireland, Nhật Bản, CH Liên Bang Nga...     

Tại Lễ khai giảng, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc và tập thể các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ và học sinh, sinh viên, học viên ĐHQGHN báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước những hoạt động nổi bật của ĐHQGHN trong năm học vừa qua.


Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ trình bày diễn văn Khai giảng


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ

Nhờ quyết liệt đổi mới trong tổ chức và triển khai thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học theo tinh thần các Nghị quyết quan trọng của Trung ương, năm học 2013 – 2014, ĐHQGHN đã đạt được những kết quả quan trọng: hoàn thành giai đoạn 1 Đề án điều chỉnh, sắp xếp lại và phát triển tổ chức trong ĐHQGHN; hoàn thành Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lý trình độ cao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực theo chuẩn khu vực và quốc tế; đột phá, đổi mới trong nhiều hoạt động đào tạo như: triển khai quy hoạch ngành, chuyên ngành, đẩy mạnh kiểm định chất lượng đào tạo trong nước và quốc tế, tiên phong thí điểm đổi mới tuyển sinh theo phương pháp đánh giá năng lực người học…; tiếp tục phát huy truyền thống nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm KHCN tiếp cận được trình độ KHCN quốc tế và phục vụ thực tiễn; tái cơ cấu hoạt động KHCN, từ mô hình các nhà khoa học nghiên cứu độc lập ở các bộ môn, sang mô hình tập trung với các Phòng thí nghiệm và các Nhóm nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh hoạt động công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ cho các địa phương, doanh nghiệp...

Vị thế và uy tín của ĐHQGHN đã không ngừng được nâng cao. Năm 2014, ĐHQGHN có sự tiến bộ vượt bậc khi được Tổ chức xếp hạng đại học uy tín trên thế giới (Tổ chức QS) xếp vào nhóm 170 các đại học hàng đầu Châu Á, đứng đầu trong số các trường đại học của Việt Nam.

Giám đốc ĐHQGHN khẳng định, năm học 2014-2015 là năm học ĐHQGHN đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo đó, 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được xác định là:

  • Một là, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Đề án điều chỉnh, sắp xếp lại và phát triển tổ chức ở cấp đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.
  • Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện của các đơn vị; hoàn thiện và triển khai sâu rộng Đề án đổi mới tuyển sinh theo phương pháp đánh giá năng lực người học; tập trung thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo thị trường lao động để đảm bảo sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu xã hội, nâng cao khả năng có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp.
  • Ba là, tập trung đầu tư để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với các chương trình khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm theo định hướng sản phẩm quốc gia…
  • Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác phát triển, trong đó tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò của các nhà khoa học trong việc tham gia triển khai thực hiện các thoả thuận hợp tác với đối tác trong và ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, đối tác Nhật Bản để xây dựng các chương trình đào tạo, nghiên cứu và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư nhằm sớm khởi công dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Việt Nhật tại Hoà Lạc.
  • Năm là, chú trọng phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành và đội ngũ cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến.

Đồng thời, Giám đốc ĐHQGHN cũng đề xuất với Chính phủ cho phép thí điểm triển khai thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trình độ cao ở trong và ngoài nước đến làm việc; đãi ngộ, khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học của ĐHQGHN phát huy tài năng, cống hiến hết mình cho sự phát triển của ĐHQGHN.

Trong phát biểu tại Lễ khai giảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ niềm vui khi nhận thấy ĐHQGHN đã và đang tiếp tục đổi mới và phát triển tốt theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đổi mới và tiên phong của ĐHQGHN trong lĩnh vực đào tạo, từ việc chủ động quy hoạch, sắp xếp các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội; duy trì quy mô đào tạo chính quy một cách hợp lý, tăng quy mô đào tạo sau đại học theo tỷ lệ các trường đại học nghiên cứu… cho đến tiên phong kiểm định chất lượng nhiều chương trình đào tạo theo chuẩn chất lượng của mạng lưới các đại học ASEAN (AUN).

Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của ĐHQGHN trong chủ động xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến để đánh giá toàn diện năng lực người học; đồng thời đề nghị ĐHQGHN chủ động làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện phương án tuyển sinh này. 

Khẳng định sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ với những đóng góp của ĐHQGHN trong hoạt động KHCN, Thủ tướng nói: “Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát triển văn hóa và di sản văn hóa của dân tộc; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai. ĐHQGHN là một trong 3 đơn vị dẫn đầu cả nước về các công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế.”

Những nỗ lực vượt bậc trên đã giúp vị thế của ĐHQGHN nói riêng và của giáo dục ĐH Việt Nam nói chung ngày càng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Những thành công bước đầu của ĐHQGHN cùng với những nỗ lực của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đang tạo ra khí thế mới, sắc thái mới của giáo dục Việt Nam trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện theo tư tưởng của Đảng”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của giáo dục ĐH nước ta như: chất lượng đào tạo, NCKH còn thấp, hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ đất nước còn hạn chế; cơ cấu đào tạo, nghiên cứu chưa hoàn chỉnh; nội dung, phương pháp đào tạo, nghiên cứu còn có những mặt lạc hậu; quản trị đại học còn nhiều bất cập. Số lượng cán bộ khoa học đạt trình độ quốc tế còn thấp. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu…

Thủ tướng đề nghị, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế tri thức, giáo dục đại học, ĐHQGHN có trách nhiệm đóng góp tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, tạo đà bước vào kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 với mục tiêu chiến lược sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định là:

Một là: đổi mới quản trị đại học, chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng nền giáo dục đại học, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp, trong đó thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá.

Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất đáp ứng nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng cường hội nhập quốc tế thông qua hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, thu hút người nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Tập trung triển khai thành công và hiệu quả đề án đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học theo phương thức đánh giá toàn diện năng lực người học.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, đủ khả năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề quan trọng của các địa phương, của quốc gia. Hoạt động khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để phát triển đại học nghiên cứu, phát triển nguồn lực, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của đại học Việt Nam. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động của nhà trường với doanh nghiệp và đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh – đối ngoại.

Bốn là, triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đạt chuẩn quốc tế.

Năm là, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hệ thống học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên. ĐHQGHN cần có các giải pháp hợp lí để nâng cấp, cải tạo, phát triển cơ sở vật chất tại các quận nội thành Hà Nội, đảm bảo thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời cần chủ động thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai các dự án thành phần và tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.

Nhấn mạnh đến mục tiêu cao nhất của giáo dục Việt Nam là hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi tha thiết mong rằng trong năm học này ĐHQGHN cũng như tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp. ĐHQGHN vừa là trung tâm giáo dục vừa phải là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển suốt đời”.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng kêu gọi sự nỗ lực và đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân toàn Đảng, trong đó nhấn mạnh đến sự năng động, sáng tạo của ĐHQGHN, nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đưa nền giáo dục Việt Nam tiến lên tầm cao mới.

Cũng tại Lễ khai giảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà đã trao các quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải và bổ nhiệm lại GS.TS Nguyễn Hữu Đức giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHQGHN.

 - Vị thế của ĐHQGHN đã không ngừng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới (Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ Khai giảng của ĐHQGHN)

- Năm học 2014-2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (Toàn văn phát biểu của Giám đốc Phùng Xuân Nhạ tại lễ Khai giảng của ĐHQGHN)

- (Ảnh) Một số hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khai giảng tại ĐHQGHN 


Thanh Hà - Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media