Bước vào lớp học tranh biện giữa đội SIFE và câu lạc bộ Tiếng Anh (BeONE), tôi thực sự ấn tượng với không khí cởi mở và sôi nổi nơi đây. Không còn khoảng cách giữa hai câu lạc bộ, không còn khoảng cách giữa giảng viên và học viên, chỉ còn những chủ đề tranh luận thú vị.
Mỗi người học tranh biện với những mục đích khác nhau, bạn thì muốn có cách nhìn nhận vấn đề khách quan và đưa ra quyết định một cách nhanh chóng, bạn thì muốn khắc phục tính nhút nhát và tự tin hơn khi tranh luận với mọi người, còn với tôi, đơn giản chỉ là sự tò mò: tranh biện là gì?
Trước đây tôi vẫn luôn cho rằng tranh biện là đưa ra ý kiến và cố gắng bảo vệ ý kiến của mình. Nhưng hai buổi học đầu tiên này đã khiến tôi nhận ra rằng, hình như tranh biện không chỉ có vậy. Không chỉ là những khái niệm khô khan, khó hiểu, tranh biện chính là một trận đấu thể thao, có trọng tài, có người chơi, có khán giả, có kết quả và để trở thành đội thắng trận là cả một quá trình lao động tích cực của trí tuệ.
Tranh biện là cả một nghệ thuật và người tranh biện chính là những nghệ sĩ. Chị Vũ Thị Minh Hạnh - giảng viên của lớp học đã cho tôi thấy một điều quan trọng trong tranh biện không phải là khả năng mà là thái độ của người nói. Tranh biện là sự giao lưu của tâm hồn và tri thức. Việc lắng nghe quan trọng không kém gì đưa ra ý kiến luận bàn. Và khi biết rằng mọi ý kiến đều có thể bị phản biện, việc đưa ra một tuyên bố là việc vô cùng khó khăn và chúng ta phải chịu trách nhiệm thật cao với những gì chúng ta nói.
Nếu trước đây, khi thảo luận hay thuyết trình một vấn đề gì đó, tôi thường cố gắng đưa vào đó thật nhiều những cụm từ bác học, thuật ngữ chuyên môn thì lớp học tranh biện nói với tôi rằng: tôi thật ngớ ngẩn. Điều đó chỉ khiến vấn đề thêm rắc rối và rời xa trọng tâm.
Tôi tìm thấy sự thú vị khi lắng nghe ý kiến người khác và tìm ra những điểm thiếu logic trong lập luận của họ. Với tranh biện, mọi người chỉ là những đứa trẻ, và tôi thấy được rằng: trước đây tôi chẳng biết cái gì cả. Có thể nói đây là một cú sốc lớn với tôi và có lẽ không chỉ mình tôi. Nhưng nhận ra một điều gì đó có lẽ chưa bao giờ là quá muộn. “Khi ta thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi theo”, tôi tin vào điều đó.
Buổi học đầu tiên kiến thức nhận được có thể chưa nhiều, sự tiến bộ có lẽ chưa thể nhận ra nhưng sự kỳ diệu của tranh biện đã thực sự thu hút và để lại ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất dành cho chị Vũ Thị Mỹ Hạnh - người sáng lập và quản lý dự án "Youth to Debate in Vietnam" - cô giáo trẻ trung, xinh đẹp và vô cùng nhiệt tình của lớp. Sau khi hoàn thành khóa học tranh biện do tổ chức IDEA tổ chức tại Thái Lan, chị đã đưa tranh biện về phổ biến cho thanh niên Việt Nam thông qua các nhóm nhỏ. Hiện nay, chị đang giảng dạy tranh biện tại Trường Đại học FPT và tình nguyện hướng dẫn về tranh biện cho các nhóm sinh viên của các trường đại học.
Một lời cảm ơn nữa gửi đến đội SIFE và câu lạc bộ BeONE đã tổ chức nên lớp học thú vị, bổ ích này. Các bạn cũng mang đến cho các thành viên trong lớp những phút giây vui vẻ, những kỷ niệm thật khó quên. Tôi đang rất háo hức cho buổi học tranh biện tiếp theo của mình!