Trang Nghiên cứu
 
Các biến động của kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới và khuyến nghị chính sách

Cục diện kinh tế thế giới hiện nay đang làm thay đổi nền tảng của kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng và toàn diện thì các sự kiện, diễn biến của nền kinh tế thế giới có ảnh hưởng càng rõ nét đến động thái chính sách của các nước. Do đó, Webinar quốc tế với chủ đề “Các biến động của kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới” do Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 24/8/2021 đã trở thành diễn đàn để các nhà nghiên cứu kinh tế, nhà quản lý kinh tế, các học giả, các giảng viên, học viên, sinh viên trong nước và quốc tế cùng trao đổi kinh nghiệm, quan điểm, đưa ra các giải pháp thiết thực trong vấn đề khắc phục khó khăn và nắm bắt các cơ hội trong hoạt động kinh tế quốc tế từ những khó khăn trong bối cảnh mới.


Với chủ đề “Các FTA của Nhật Bản và tác động của chúng trong quá khứ, hiện tại và tương lai”, GS. Craig Parsons đã đưa ra các nhận định về tác động của các FTA Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản có 21 FTA có hiệu lực cả song phương và đa phương với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo diễn giả, các FTA này nhìn chung có rất ít ảnh hưởng bởi các mức thuế quan trung bình tại Nhật Bản tương đối thấp. Bên cạnh đó, Nhật Bản miễn cưỡng tự do hóa các sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ cao của quốc gia vì lý do chính trị. Các hiệp định đối tác kinh tế của Nhật Bản thường có lợi nhiều hơn cho đối tác của họ. Trong các FTA Nhật Bản đã ký kết, mặc dù hiệp định toàn diện nhất là CPTPP, nhưng FTA với Việt Nam năm 2009 là FTA có cam kết sâu nhất cho đến thời điểm hiện tại. Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng sau khi ký kết CPTPP, Nhật Bản chỉ thu được lợi ích dưới 1%. Trong khi đó, đối với hợp tác cùng Việt Nam, chi phí thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã giảm 10% sau khi hiệp định đối tác kinh tế (EPA) giữa hai nước được ký kết. GS. Parsons còn đưa ra các kết quả tác động của FTA khác đối với Nhật Bản như với Australia, EU, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Mexico,… Ngoài ra, ông đã giới thiệu các mô hình và phương pháp nghiên cứu được sử dụng để đo lường tác động của các FTA. Theo ông, dù các FTA có ít ảnh hưởng nhưng Nhật Bản vẫn tham gia ký kết nhiều FTA vì nhiều lợi ích khác nhau, ngoài việc hưởng lợi từ hàng hóa rẻ hơn. Sự đa dạng hàng hóa trong thị trường và hoạt động thương mại quốc tế chính là một lợi ích quan trọng đối với Nhật Bản. Do đó, ông khẳng định khó khăn đi cùng với thách thức, nhưng cũng nảy sinh nhiều cơ hội. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tham gia FTA là một con đường để giúp các quốc gia đón nhận các cơ hội mới.

Tiếp đó, với chủ đề “Hoạt động đầu tư của Bulgaria: Các cơ hội trong những khó khăn từ 2021 trở đi”, ông Daniel Dobrev đã đưa ra những phân tích sâu về các thế mạnh của Bulgari trong thu hút đầu tư nước ngoài, các cơ hội và các lĩnh vực mà Bulgari nên tập trung đầu tư tại thời điểm này. Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam, các lĩnh vực tiềm năng để Bulgari đầu tư là nông nghiệp, công nghệ thông tin và dịch vụ. Với định hình mới của doanh nghiệp trên toàn thế giới sau đại dịch COVID-19, các ưu tiên sẽ đặt vào các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin cả trực tuyến và ngoại tuyến. Các sản phẩm bao gồm sự kết hợp giữa các phần mềm và phần cứng, Internet vạn vật và các thiết bị đa chức năng. Dịch vụ bao gồm các ứng dụng, nền tảng và trang web. Theo ông Dobrev, các yếu tố này ở Việt Nam đều đang phát triển tốt cùng với nguồn nhân lực triển vọng. Tuy nhiên, yếu tố còn thiếu là nguồn vốn dồi dào đủ để các doanh nghiệp tự tin khi hiện thực hóa các dự án liên quan đến lĩnh vực này. Ông Dobrev đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng và tiềm năng phát triển của các ngành dịch vụ. Đây là lĩnh vực mà các nhà đầu tư nên quan tâm trong thời điểm này. Ông cũng đưa ra những gợi ý cho Việt Nam để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới như nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, khuyến khích vai trò của Nhà nước và đặc biệt là thúc đẩy hợp tác công tư (PPP).

Tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp, Thạc sĩ Lương Hữu Lâm đã bàn về một chủ đề rất thực tế và cập nhật là Cách các nhà bán lẻ thời trang có thể vượt qua khủng hoảng COVID-19 tại Việt Nam: Trường hợp của Tập đoàn Giovanni. Ông đã phân tích các chiến lược Giovanni đã thực hiện tại thị trường Việt Nam để vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19 và biến khó khăn thành cơ hội để duy trì và phát triển. Với ngành thời trang nói chung và ngành thời trang xa xỉ nói riêng, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trung tâm được phân bổ trên toàn cầu với sự tham gia của rất nhiều đối tác khác nhau tại các quốc gia vào từng mắt xích của chuỗi. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp rất dễ bị đứt gãy khi có tác động của đại dịch. Doanh nghiệp phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu, nguồn cung ứng máy móc thiết bị, việc ngừng trệ sản xuất và sự giảm cầu từ người tiêu dùng cũng như việc buộc phải đóng cửa các cửa hàng. Để khắc phục các vấn đề này, theo phân tích của ông Lâm, bên cạnh nhng giải pháp ngắn hạn như các chiến dịch giảm giá sản phẩm, Giovanni đã thực hiện các chiến lược trung và dài hạn. Với ngắn hạn, doanh nghiệp sử dụng chiến lược hành động nhanh và linh hoạt. Trong đầu năm 2020, khi nguồn cung khẩu trang nội địa và toàn cầu thiếu hụt trầm trọng, Giovani đã nhanh chóng chuyển dây chuyền sản xuất từ áo sơ mi sang dây chuyền sản xuất khẩu trang vải. Điều này giúp Giovani ký kết được nhiều hợp đồng để duy trì doanh thu, đồng thời chiến lược còn giúp doanh nghiệp tạo thêm niềm tin với người tiêu dùng khi thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR). Đây là một biện pháp marketing rất hiệu quả trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, Giovani đã số hóa hệ thống bán lẻ hàng hóa thời trang cao cấp trong thời gian tình hình dịch bệnh kéo dài, đẩy mạnh thương mại điện tử để đón nhận các cơ hội mới từ đại dịch. Với giải pháp trung hạn và dài hạn, Giovani đã xây dựng các phương án dự phòng để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp trên toàn cầu khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Cụ thể, công ty đã chủ động trong sản xuất bằng các cơ sở sẵn có và lên kế hoạch xây dựng thêm nhà máy mới vào năm 2022 để tăng mức chủ động và giảm sự phụ thuộc.

Trong khuôn khổ buổi webinar, một số khuyến nghị đã được rút ra cho chính phủ và doanh nghiệp nói chung và tại Việt Nam nói riêng để vượt qua khủng hoảng và tận dụng cơ hội phát triển.

Đối với các quốc gia, việc tham gia FTA là một con đường để giúp các quốc gia đón nhận các cơ hội mới và là lợi thế trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt các quốc gia cần nhìn nhận những lợi ích của FTA một cách toàn diện. FTA giúp phát triển thương mại dưới nhiều góc độ khác nhau như giảm chi phí thương mại (từ chi phí thuế quan và chi phí cho hàng rào phi thuế quan), gia tăng sự đa dạng hóa mặt hàng trong thương mại, thúc đẩy đầu tư và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, các quốc gia như Việt Nam cần đẩy mạnh việc tham gia FTA và có các chính sách để tận dụng cơ hội đến từ FTA, đồng thời kiên trì con đường tự do hóa thương mại. Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước nên được nâng cao trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân để tăng hiệu quả đầu tư. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Việt Nam cần có các chính sách phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đón các dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Bên cạnh đó, cần có các ưu đãi phù hợp để thu hút FDI vào các lĩnh vực có triển vọng trong tương lai như nông nghiệp hay các ngành liên quan đến số hóa.

Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần hành động nhanh, áp dụng công nghệ số và luôn có phương án dự phòng để chủ động trong mọi tình huống. Để khắc phục các khó khăn và tận dụng các cơ hội trong bối cảnh nhiều biến động, doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong các chiến lược kinh doanh và chiến thuật hoạt động. Doanh nghiệp nên đưa ra các biện pháp và chiến lược áp dụng đa dạng từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Bên cạnh đó, trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp cần đầu tư một cách thận trọng và tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin. Ngoài những tiềm năng trong nguồn nhân lực, doanh nghiệp cũng cần huy động và chuẩn bị nguồn vốn dồi dào ổn định để đảm bảo các dự án đầu tư được thực hiện thành công.

__________________________

Diễn giả chính:

 

Giáo sư Craig Parsons là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama (YNU) từ năm 2001. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là thương mại thực nghiệm và tổ chức công nghiệp thực nghiệm. Ông là thành viên tích cực của Hiệp hội Kinh tế Đông Á và là Tổng Biên tập của Tạp chí Kinh tế Châu Á.

 

Ông Daniel Dobrev là nhà ngoại giao người Bulgaria, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế quốc tế. Ông đã được bổ nhiệm làm Ủy viên Thương mại tại Ý, Áo, Croatia, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Hiện ông đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên Thương mại tại Đại sứ quán Bulgaria tại Hà Nội và có quan hệ hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp Việt Nam. Ông từng là giám đốc quỹ đầu tư của Mỹ tại châu Âu và làm việc tại Viện Dự án Nghiên cứu Phát triển ở Bulgaria.

 

Thạc sĩ Lương Hữu Lâm: hiện là giảng viên bộ môn Kinh tế Quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế. Ông có 3 bằng thạc sĩ: Quản trị Kinh doanh (MBA), Khoa học về Quản lý (MSc.), Nghiên cứu Khoa học (MRes) và hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne. Ông đã có nhiều năm học tập và làm việc tại châu Âu, từng giữ vị trí Giám đốc thương hiệu và Phó Tổng giám đốc tại Tập đoàn Giovanni.

 

Phạm Thị Phượng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, ĐHKT