Trang Nghiên cứu
 
Sách chuyên khảo: Chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia: Những tiếp cận thực tiễn từ Trung Quốc

Đây là cuốn sách chuyên khảo được phát triển từ chuỗi các nghiên cứu độc lập của tác giả về mạng sản xuất quốc tế, chuỗi giá trị toàn cầu và các tập đoàn xuyên quốc gia. Cuốn sách phù hợp với sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, doanh nhân, các nhà quản lý và nghiên cứu viên.


Tác giả: TS. Nguyễn Việt Khôi

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm xuất bản: 2014

Nơi xuất bản: Hà Nội

Khổ sách: A5
Số trang: 300 trang bìa mềm
Sách do Quỹ ARC tài trợ.

Theo dõi sự thay đổi của các mô hình sản xuất toàn cầu, tìm hiểu phương thức hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu tại các quốc gia, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển là chủ đề tác giả theo đuổi trong suốt nhiều năm qua. Chuỗi giá trị toàn cầu có chủ đề rộng không chỉ bởi nội hàm mà còn bởi ngoại diên phức tạp liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như hệ thống việc làm, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, chiến lược đầu tư, quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng, quá trình thâm nhập thị trường, hoạt động mua bán và sáp nhập,…

Ngày nay, khái niệm chuỗi giá trị trở nên phổ biến đối với giới lãnh đạo, doanh nhân, tư vấn, nghiên cứu và ngay cả trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, việc hiểu rõ bản chất của chuỗi giá trị và mối quan hệ của nó với chiến lược đầu tư của các tập đoàn sản xuất quốc tế là một vấn đề không đơn giản. Chính vì lý do này, tác giả xin trân trọng giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia: Những tiếp cận thực tiễn từ Trung Quốc” nhằm giúp người đọc hiểu rõ về chuỗi giá trị và chuỗi giá trị toàn cầu, hiểu hơn về vai trò của công ty xuyên quốc gia trong sở hữu, điều hành các chuỗi giá trị toàn cầu. Và đặc biệt, vấn đề này sẽ được đặt trong bối cảnh một quốc gia mà chính họ là thành tố không thể thiếu trong các chuỗi giá trị toàn cầu bởi chính quy mô thị trường, khả năng sản xuất và sự trỗi dậy của các công ty xuyên quốc gia quốc tịch Trung Quốc.

Đây là cuốn sách chuyên khảo được phát triển từ chuỗi các nghiên cứu độc lập của tác giả về mạng sản xuất quốc tế, chuỗi giá trị toàn cầu và các tập đoàn xuyên quốc gia. Cuốn sách phù hợp với sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, doanh nhân, các nhà quản lý và nghiên cứu viên.

Cuốn sách này tập trung vào các nội dung chính:

Phần I: Chuỗi giá trị toàn cầu trong chiến lược đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia

Phần này trình bày những lý luận về chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm các khái niệm khác nhau về chuỗi giá trị và các điều kiện để hình thành chuỗi giá trị. Đồng thời, phần này sẽ điểm lại 4 lý thuyết xương sống trong chiến lược đầu tư trực tiếp của tập đoàn xuyên quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chuỗi giá trị toàn cầu gồm: chiến lược tìm kiếm nguồn lực, chiến lược tìm kiếm thị trường, chiến lược tìm kiếm hiệu quả và chiến lược tìm kiếm tài sản chiến lược.

Phần II: Cách tiếp cận chuỗi giá trị và mối quan hệ của chuỗi với chiến lược đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia

Phần này đưa ra những lý thuyết liên quan tới chuỗi giá trị để từ đó phân tích mối quan hệ chiến lược đầu tư trực tiếp của tập đoàn xuyên quốc gia với sự phát triển chuỗi giá trị toàn cầu ở nước nhận đầu tư. Nội dung phần này sẽ cho độc giả thấy được vai trò của mỗi chiến lược đầu tư trực tiếp sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mỗi khâu, mỗi hoạt động trong chuỗi giá trị tại nước nhận đầu tư. Từ những lập luận đó, tác giả nhận định nước nhận đầu tư cần có những đối sách thích hợp để nắm bắt và tận dụng hiệu quả chiến lược đầu tư trực tiếp từ tập đoàn xuyên quốc gia. Bằng cách đó, nước nhận đầu tư sẽ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu hay thậm chí xây dựng những chuỗi giá trị toàn cầu do chính họ quản lý.

Phần III: Trung Quốc tận dụng đặc quyền để thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia

Nội dung phần III là bức tranh mô tả các đặc quyền của Trung Quốc đang sở hữu cũng như những đặc quyền mà chính họ muốn tạo ra để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư theo ý muốn chủ quan của họ. Việc phân tích khả năng tận dụng đặc quyền này sẽ giúp Việt Nam có những đối sánh tốt hơn trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng hơn từ các tập đoàn xuyên quốc gia, đặc biệt là lựa chọn các nguồn vốn đầu tư vào những khâu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phần IV: Trung Quốc nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và những mặt trái cần cải thiện

Nội dung phần IV bàn về ảnh hưởng từ các chiến lược đầu tư của công ty xuyên quôc gia tới sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Trung Quốc. Kết quả cho thấy những điều chỉnh trong chiến lược đầu tư của tập đoàn xuyên quốc gia đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp Trung Quốc tham gia, nâng cấp và sở hữu những khâu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trung Quốc ngày nay trở thành một mắt xích không thể thiếu được trong chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực mà tập đoàn xuyên quốc gia đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu ở Trung Quốc thì chính họ cũng đem lại không ít các tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia này. Điều này cũng được tác giả làm rõ trong nội dung của phần IV này.

Phần V: Lời giải cho việc gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam

Những bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc trong việc tham gia hiệu qủa vào chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy Việt Nam có thể tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia nếu Chính phủ Việt Nam có những định hướng đúng đắn cho các doanh nghiệp để họ tham gia vào những chuỗi giá trị toàn cầu có lợi cho nền kinh tế. Việt Nam sẽ có thể tham gia những chuỗi giá trị toàn cầu chất lượng khi chúng ta có chiến lược khuyến khích thu hút những chuỗi giá trị toàn cầu có chất lượng vào Việt Nam. Và những chính sách của chúng ta nếu được thực hiện tốt, thực hiện đồng bộ thì chúng sẽ tạo ra chất bôi trơn cho các khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu tại Việt Nam được vận hành hiệu quả hơn. Một lần nữa, chúng ta có thể tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt lên thử thách, tham gia vào những khâu tạo ra giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị toàn cầu với chính trí tuệ và sức mạnh của người Việt Nam.


UEB_net