Trang Nghiên cứu
 
THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI THẾ HỆ MỚI VÀO VIỆT NAM- THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, đã trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, FDI thế hệ mới (hay còn được gọi là đầu tư có chọn lọc) đã và đang trở thành hoạt động mang tính tất yếu khách quan, góp phần quan trọng vào việc bổ sung nguồn lực, trình độ phát triển và công nghệ còn hạn chế của Việt Nam.


Keywords: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI, FDI thế hệ mới, đầu tư có chọn lọc.

Khái quát về FDI của Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư và có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Về vốn và dự án đầu tư FDI, tính lũy kế đến ngày 20/11/2020, cả nước có 32.915 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 382,9 tỷ USD (chiếm khoảng 24% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2018), vốn thực hiện lũy kế đạt 229,1 tỷ USD (bằng 59,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực), đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.

Hình 1: Tình hình thu hút vốn FDI qua các năm

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về đối tác đầu tư, Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia có tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, tiếp đến là Đài Loan, British VirginIsland, Hong Kong và Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu mặc dù là hai thị trường xuất khẩu chủ lực, đem lại thặng dư xuất khẩu lớn cho Việt Nam nhưng dòng vốn FDI từ các thị trường này vào Việt Nam còn khá hạn chế.

 
Hình 2: Top 10 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ (VGP)

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất, với 7.305 dự án, tổng vốn đăng ký 93,97 tỷ USD, chiếm 59,8% số dự án và 49% vốn đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư vào kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với 348 dự án, tổng vốn đăng ký 47,99 tỷ USD, chiếm 2,8% số dự án và 25% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất, phân phối điện, nước, khí, điều hòa...

 
Hình 3: Lĩnh vực đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2019 và 2020

FDI đã góp phần tăng năng lực sản xuất của một số ngành, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm... Đồng thời, FDI cũng có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác trên thế giới. Bên cạnh đó, chính sách mở cửa cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu.

Với sự hiện diện của những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, điển hình là các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Honda, Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, Microsoft, LG, Foxconn... đầu tư những dự án trị giá hàng tỷ đô la Mỹ (USD) cho thấy Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Về FDI thế hệ mới

FDI thế hệ mới (hay còn được gọi là FDI có chất lượng cao hoặc FDI có chọn lọc) là kênh chuyển giao công nghệ hữu hiệu nhất vì doanh nghiệp FDI chất lượng cao sẽ tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kiến thức và bí quyết, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước chủ nhà (doanh nghiệp trong nước phải tích cực đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường), cho phép họ tiếp cận thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI chất lượng cao sẽ hoạt động một cách có trách nhiệm với xã hội và môi trường ở quốc gia họ đặt cơ sở thực hiện dự án.

Theo Trung tâm Tăng trưởng quốc tế (IGC) có trụ sở chính ở London (Anh), FDI chất lượng cao có một số đặc điểm như góp phần tạo ra việc làm "tử tế" và giá trị gia tăng, tăng cường nền tảng kỹ năng cho các thành phần kinh tế nước chủ nhà.

Đối tượng thu hút FDI thế hệ mới hướng tới tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia sẽ giúp một nước có cơ hội tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty này đã tích lũy và phát triển qua nhiều năm và bằng những khoản chi phí lớn.

Trong bối cảnh thế giới tiến vào kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác…

Thực trạng thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam

Những năm gần đây, thông qua FDI thế hệ mới, Việt Nam đã thu hút và tích lũy được nhiều công nghệ hiện đại, nổi bật ở các lĩnh vực điện tử, hóa chất, khai thác dầu khí, viễn thông. Một số ngành sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu trong nước như dệt may, đóng giày… cũng đạt được những công nghệ thuộc loại trung bình tiên tiến ở khu vực. Đây là môi trường thuận lợi, tạo cơ hội phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, đánh giá chung thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế:

Thứ nhất, Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu nâng cao đáng kể trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp FDI. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình so với thế giới (80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, trong khi mục tiêu là 35- 40%.

Thứ hai, trình độ công nghệ, chuyển giao công nghệ, mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn yếu, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI nhiều năm liền cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Đến năm 2017, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp tư nhân trong nước là khách hàng cung cấp hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nhìn từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết với các công ty trong nước cũng rất yếu. Theo thống kê thì chỉ 26,6% giá trị đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam, còn lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ chính nước của doanh nghiệp và có xu hướng ít sử dụng nhà cung cấp ở nước sở tại.

Thứ ba, các công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là các công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra. Điều này sẽ hạn chế việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp nội như kỳ vọng và cam kết. Thực tiễn của ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam là minh chứng rõ nhất. Sau nhiều năm phát triển, hiện nay, công nghệ sản xuất ô tô không có nhiều cải thiện, vẫn chỉ dừng lại ở nhập khẩu linh kiện và lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hoá chỉ 15-40%, chi phí sản xuất cao hơn khoảng 20% so với các nước khác trong khu vực ASEAN, đồng thời ngành Công nghiệp phụ trợ chỉ dừng lại ở sản xuất vài linh kiện đơn giản như ắc quy, lốp xe. Sau hơn 30 năm thu hút FDI, kết quả như vậy là hết sức hạn chế.

Thứ tư, mặc dù khu vực FDI luôn dẫn dầu v tốc độ tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu, nhưng Việt Nam vẫn còn ở nấc thang khá thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu; sự liên kết giữa khu vực ĐTNN và khu vực trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hoá trong một số ngành công nghiệp thấp; giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm xuất khẩu không cao. Một số dự án ĐTNN chưa đảm bảo tính bn vững, vẫn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên hoặc chưa chú ý đầy đủ tới yếu tố an ninh quốc phòng.

Thứ năm, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) vào ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, các công ty, tập đoàn lớn không sẵn sàng thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam mà phần lớn sẽ tự cải biến công nghệ cho phù hợp với điều kiện sử dụng của địa phương.

Thứ sáu, hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến ĐTNN thời gian qua đã có những điu chỉnh kịp thời và phù hợp với biến động của tình hình trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhiu chính sách còn mang tính thụ động nhằm ứng phó với những nhân tố tác động đã hoặc đang xuất hiện, mà thiếu tính chủ động, ổn định trong dài hạn. Các quy định của pháp luật liên quan đến ĐTNN còn có hiện tượng chồng chéo, phân tán. Việc thiếu hệ thống các tiêu chí, điu kiện làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển theo địa bàn, lĩnh vực là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả dòng vốn ĐTNN.

Kinh nghiệm thu hút FDI thế hệ mới của một số nước

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã quy định các tiêu chí, điu kiện để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia trong từng giai đoạn. Ngoài ra, nhiu quốc gia cũng đề ra tiêu chí v quốc phòng an ninh trong quá trình thu hút FDI như mở rộng một số lĩnh vực đầu tư của nhà ĐTNN cần phải thẩm tra và được phép của Chính phủ.

Malaysia sử dụng tiêu chí tỷ lệ vốn đầu tư cho mỗi lao động làm điu kiện cấp phép cho dự án ĐTNN. Các chính sách ưu đãi đầu tư được xem xét dựa trên các tiêu chí v giá trị gia tăng, công nghệ, tính liên kết, tác động lan tỏa nhằm thu hút được các dự án chất lượng cao. Ngoài ra, Malaysia còn áp dụng các tiêu chí v nâng cao kỹ năng cho người lao động, bảo vệ môi trường, nghiên cứu và phát triển để làm căn cứ xem xét ưu đãi trong một số lĩnh vực.

Thái Lan là quốc gia được đánh giá sử dụng chính sách thu hút đầu tư thông qua hệ thống ưu đãi khá hiệu quả. Các tiêu chí để được hưởng ưu đãi theo quy định của Thái Lan tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Singapore đưa ra nhiu chính sách ưu đãi để tập trung thu hút ĐTNN vào doanh nghiệp khởi nghiệp, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải biển. Trong những năm gần đây, Singapore đã áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào ngành điện tử, bán dẫn, hóa dầu và công nghiệp chế biến; đồng thời, tăng cường các mối liên kết và các tác động lan tỏa.

Australia quy định các giao dịch thương mại của doanh nghiệp khi ảnh hưởng đến an ninh quốc gia phải được Chính phủ chấp thuận, cho phép.

Hàn Quốc quy định v việc sàng lọc ĐTNN khi các công ty nước ngoài sở hữu các công nghệ cốt lõi của quốc gia, có giá trị kinh tế và công nghệ cao tại thị trường Hàn Quốc và thị trường nước ngoài.

Nhật Bản đã mở rộng danh sách các lĩnh vực phải được sàng lọc thẩm tra vì lý do an ninh quốc phòng bao gồm: sản xuất mạch tích hợp, máy tính, thiết bị liên lạc không dây và điện thoại di động; phần mm phát triển; dịch vụ viễn thông và xử lý thông tin.

Các chính sách liên quan đến thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam

Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 khẳng định, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2018 - 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng. Trong đó, điểm nhấn là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho sản phẩm của Việt Nam, sang phát triển sản phẩm phù hợp (môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, để tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI. Thu hút FDI thế hệ mới sẽ tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động sử dụng công nghệ cao, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành trong cả nước. Các ngành trọng điểm ưu tiên thu hút FDI tại Dự thảo là công nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ (sản xuất kim loại, khoáng sản, hóa chất, nhựa phẩm cấp cao và linh kiện công nghệ cao), thiết bị công nghiệp, logistics, sản phẩm nông nghiệp mới giá trị cao, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo…

Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50- NQ/TW đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng báo cáo v tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Định hướng thu hút FDI thế hệ mới vào Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng của cuộc CMCN 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh càng đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong thu hút FDI thế hệ mới (đặc biệt cần quan tâm đến chất lượng của dòng vốn này hơn là số lượng). Thu hút FDI thế hệ mới đòi hỏi phải có các tiêu chí như: Nhà đầu tư phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ mới khi đầu tư vào Việt Nam; có các cam kết về chuyển giao công nghệ hoặc đào tạo kỹ năng cho kỹ sư, lao động người Việt (với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư); có tính liên kết và tác động lan tỏa đối với các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp khác; đảm bảo suất đầu tư; lao động; môi trường; an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, thu hút FDI có chọn lọc cần theo quy hoạch chung của các ngành, với trọng tâm là bền vững, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, có giá trị gia tăng cao nhằm đạt được các mục tiêu phát triển. Cụ thể:

Thứ nhất, ưu tiên thu hút FDI vào những ngành công nghiệp thân thiện môi trường, công nghệ cao và sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, tiếp tục tận dụng lợi thế so sánh nhưng cần hướng tới tạo dựng lợi thế cạnh tranh dựa vào đào tạo nhân lực.

Thứ hai, hướng vào thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và nâng cấp chuỗi giá trị của ngành và sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, đóng góp thiết thực vào tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Việt Nam vẫn còn chậm thực hiện các chính sách hiện hành được thiết kế để hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước tham gia vào các chuỗi cung ứng FDI.

Thứ ba, định hướng thu hút các tập đoàn xuyên và đa quốc gia quy mô lớn, có năng lực công nghệ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đào tạo nhân lực hướng tới CMCN 4.0. Thu hút đầu tư từ những tập đoàn này, Việt Nam sẽ học hỏi được kinh nghiệm của các doanh nghiệp FDI tiên tiến, sẽ có sự kích thích và lan tỏa cho các doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo tham gia vào cuộc cách mạng này.

Thứ tư, tạo liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia mạng sản xuất của doanh nghiệp FDI. Sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng cho phép chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển năng lực công nghiệp trong nước. Chiến lược thu hút FDI cần hướng tới lợi ích chung của quốc gia, khuyến khích các địa phương hợp tác và cạnh tranh thu hút FDI thông qua hình thành các cụm ngành không giới hạn bởi địa giới hành chính nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần đưa ra nhiu chính sách ưu đãi để tập trung thu hút ĐTNN vào doanh nghiệp khởi nghiệp, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải biển, logistics, điện tử, bán dẫn, hóa dầu và công nghiệp chế biến…; Áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào ngành công nghệ cao được quy định tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg, ngày 30/12/2020 của Thủ tướng chính phủ về “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển” và các ngành phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Một số kiến nghị

(1) Chính phủ sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí quy định về định mức, tiêu chuẩn quốc gia cho mỗi loại dự án trong thu hút FDI. Bộ tiêu chí này sẽ làm rõ các tiêu chuẩn khí thải, nước thải, chất thải rắn, môi trường, cháy nổ một cách công khai minh bạch với doanh nghiệp, chủ đầu tư và người dân, sẽ là căn cứ pháp lý để nâng cao hiệu quả QLNN đối với FDI;

(2) Xây dựng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới trong bối cảnh CMCN 4.0, đặt trọng tâm khuyến khích thu hút dự án công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ;

(3) Làm tốt công tác quy hoạch (quy hoạch cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và địa phương) và nâng cao chất lượng quy hoạch để tái cấu trúc đầu tư FDI;

(4) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực;

(5) Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu), ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút FDI;

(6) Sửa đổi công tác phân cấp đầu tư;

(7) Hoàn thiện các quy định kiểm soát môi trường.

Kết luận

Vấn đề thu hút vốn FDI với trọng tâm FDI thế hệ mới trong những năm tới có ý nghĩa rất to lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh việc phát huy nội lực, thu hút FDI cũng là một nguồn lực quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với xu thế dịch chuyển đầu tư toàn cầu đang gia tăng, nhất là từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU sẽ là cơ hội rất tốt để Việt Nam tận dụng thu hút đầu tư thế hệ mới. Trong bối cảnh đó, nhà nước ta phải hoàn thiện việc tổ chức và chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, đáp ứng nhu cầu sử dụng có hiệu qủa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo đúng chủ trương quan trọng của Đảng và nhà nước ta là xem nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng; kết hợp nội lực và ngoại lực thành sức mạnh tổng hợp trong xây dựng đất nước.

Trên cơ sở rà soát, nghiên cứu thực tiễn trong những năm qua, quan điểm, định hướng thu hút ĐTNN của Việt Nam là lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, tác động lan tỏa và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; đồng thời phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với cam kết quốc tế, bám vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế. Thu hút đầu tư thế hệ mới phải lựa chọn các dự án có công nghệ tốt, có tác động lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp Việt. Mặt khác, cần xác định các tiêu chí thu hút FDI thế hệ mới như: Công nghệ; Chuyển giao công nghệ; Tính liên kết và tác động lan tỏa; Lao động; Môi trường; Suất đầu tư; An ninh quốc phòng... Điểm nhấn chính của “Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” là phải chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư "phù hợp cho sản phẩm" của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo “Các khuyến nghị về chiến lược FDI thế hệ mới 2020-2030 của Việt Nam”

3. Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam thời gian qua, 02/12/2020

4. Tạp chí Tài chính, Thu hút FDI hướng đến chất lượng (http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thu-hut-fdi-huong-den-chat-luong-313929 .html)

5. Tạp chí Tài chính, Xu hướng thu hút FDI thế hệ mới và câu chuyện trên thế giới (http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/xu-huong-thu-hut-fdi-the-he-moi-va-cau-chuyen-tren-the-gioi-312821.html)

6. Tạp chí Tài chính, Cần sớm có chiến lược về thu hút FDI (http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/can-som-co-chien-luoc-ve-thu-hut-fdi-312657.html)

7. Thông tấn xã Việt Nam, Thay đổi chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, (https://bnews.vn/thay-doi-chien-luoc-thu-hut-fdi-the-he-moi-/90447.html)

Tạ Anh Tú - Học viên cao học lớp QH 2019E QLKT1