Trang Nghiên cứu
 
Đối với Thầy có thể là điều rất bình thường nhưng với mình điều đó quá lớn lao…

Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tự hào là cái nôi đào tạo rất nhiều lớp nghiên cứu sinh, học viên cao học xuất sắc của 2 ngành Kinh tế Chính trị và Quản lý Kinh tế. Rất nhiều người trong số đó đã trở thành những tấm gương sáng, thành công ở nhiều vị trí quan trọng khác nhau tại các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các lực lượng vũ trang quân đội và công an…


Trong bài viết này chúng tôi xin được giới thiệu bài phỏng vấn của đại diện Tổ truyền thông Trường Đại học Kinh tế đối với cựu học viên cao học, cựu nghiên cứu sinh Ngành Kinh tế Chính trị - TS. Nguyễn Thị Hải Hà, sinh năm 1981, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng. Ngoài tham gia công tác quản lý chị còn là giảng viên kiêm chức của Khoa Lý luận Cơ sở, giảng dạy học phần Kinh tế chính trị.

 
                                  TS. Nguyễn Thị Hải Hà cùng các thày cô ngày bảo vệ luận án tiến sĩ

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Chào chị Hà, chắc chị còn nhớ động lực gì đã khiến chị quyết định làm nghiên cứu sinh?

TS. Nguyễn Thị Hải Hà: Có 02 lý do để mình làm nghiên cứu sinh (NCS):

Thứ nhất là mình luôn mong muốn được học hỏi để nâng cao trình độ cho bản thân.

Thứ hai là để đáp ứng yêu cầu công việc: Đối tượng học viên tại trường mình công tác ngày càng có trình độ cao hơn, đòi hỏi được cung cấp kiến thức chuyên môn và thực tiễn cao hơn. Bên cạnh đó, theo những tiêu chí về Trường Chính trị chuẩn thì cũng yêu cầu những điều kiện về văn bằng chứng chỉ nhất định đối với cán bộ quản lý và giảng viên chính.

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Chị có thể chia sẻ lý do chị chọn Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Kinh tế là nơi đồng hành cùng chị trong quãng thời gian làm NCS được không?

TS. Nguyễn Thị Hải Hà: Thực tế, theo ngành dọc, mình công tác tại Trường Chính trị, thì việc mình làm NCS tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mình cũng có lý do riêng theo học tại Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Thứ nhất, mình đã học thạc sĩ tại đây, dù là thời gian cách đã rất xa (từ năm 2002), khi đó Trường Đại học Kinh tế chưa thành lập nên với tình cảm và sự gắn bó, mình vẫn muốn làm tiếp NCS tại nơi này.

Thứ hai, các thầy cô trong Khoa Kinh tế Chính trị để lại cho mình những ấn tượng đặc biệt về kiến thức truyền đạt cũng như tình cảm chân thành, trách nhiệm mà các thầy cô đã dành cho các học viên khi mình còn học thạc sĩ.

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Quá trình nộp hồ sơ và học tại Khoa, câu chuyện nào thú vị đáng nhớ với chị nhất?

TS. Nguyễn Thị Hải Hà:

Có hai điều mình ấn tượng riêng, một là khi nộp hồ sơ và hai là khi học.

Trong cùng thời gian tháng 4/2016, mình cũng có một quyết định lớn liên quan tới công việc của mình và việc thứ hai là làm NCS. Đã có lúc mình nghĩ phải chọn 1 trong 2. Có thể nói mình quyết định làm NCS muộn trong thời điểm đó, do đó ảnh hưởng lớn tới việc hoàn tất hồ sơ. Khi nộp hồ sơ đầu vào, trong đó có điều kiện là phải có bài báo được đăng trên tạp chí ISSN và xây dựng đề cương. Ngày cuối nộp hồ sơ, báo chưa được in, mình chỉ có trong tay bản xác nhận báo sẽ được đăng tại thời điểm đó. Theo quy định, hồ sơ của mình không đủ. Mình đã xuống gặp các thầy cô trong khoa và thầy giáo hướng dẫn thạc sĩ của mình nhờ Thầy giúp. Thầy đã dẫn mình lên lại phòng Đào tạo, giống như một sự bảo lãnh vậy. Về đề cương, khi đã xác định quyết định làm NCS, mình đã phải làm trong thời gian rất gấp gáp. Mình xong đề cương lúc hơn 2h sáng để gửi cho Thầy xem giúp, hơn 4h sáng thầy gửi lại. Mình không nói là mình thức đợi mail thầy, mình không nói là cần gấp, nhưng Thầy hiểu. Đây là điều đầu tiên sau nhiều năm bước chân trở lại Trường, mình không bao giờ quên, đối với Thầy có thể đó là điều rất bình thường nhưng với mình đó là điều quá lớn lao.

Về quá trình học tại Khoa, tất cả các thầy cô giáo của Khoa đều để lại trong lòng học viên của lớp mình và cá nhân mình những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp. Lớp mình thường học vào các ngày nghỉ cuối tuần, có một đợt học vào đợt hơi mưa bão. Mình từ xa tới, đi lại cũng mất thời gian nhiều hơn và mệt hơn anh chị em ở Hà Nội tới lớp học. Vừa mệt vừa lạnh, đứng ở cửa Khoa chờ thì Thầy giáo tới, máy tính để trong balo khoác ở vai, quần áo ướt do mưa, Thầy cười động viên. Lúc trước đó mình đã nghĩ biết đâu nghỉ học và mình đi về mất công. Hóa ra mình đã nghĩ sai…

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Chị đã xây dựng lộ trình cho mình thế nào để có thể cân đối thời gian làm việc, thời gian cho gia đình và thời gian cho việc học?

TS. Nguyễn Thị Hải Hà:

Ở cơ quan công tác và kể cả mọi người trong gia đình mình cũng vậy, luôn nhận định mình là người làm việc có kế hoạch. Nói chung, mình nghĩ làm việc gì cũng cần có kế hoạch hợp lý, cần phải cân nhắc tính toán xem việc sắp xếp thời gian như thế đã ổn chưa, việc gì cần làm trước việc gì nên làm sau. Cuối mỗi ngày, cuối mỗi tuần nên dành một vài phút để điểm lại công việc cần làm cho ngày maituần tới…

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Đâu là thời điểm chị cảm thấy khó khăn nhất trong quá trình học và làm NCS và chị đã làm thế nào để vượt qua thời điểm đó?

TS. Nguyễn Thị Hải Hà:

Trong suốt quá trình học và làm NCS thì mọi việc cơ bản là dễ chịu. Tuy nhiên, thời điểm khủng hoảng nhất của mình không giống như người khác (khó tìm số liệu, khó tìm cách viết hoặc thầy cô hướng dẫn…) mà thời điểm khủng hoảng của mình liên quan tới sức khỏe của mình thôi. Lúc đó mình rất ốm và đã nghĩ là sẽ trì hoãn việc làm NCS một thời gian lâu lâu, chưa tới mức định bỏ cuộc thôi. Thường thì học viên sẽ là người “giục” các thầy cô xem giúp đề cương, các chương, các tài liệu, chỉnh sửa… và cơ bản mình cũng là học viên theo sát tiến độ đã đề ra, cho tới khi phải chữa bệnh kéo dài. Khi đó mình “bị” Thầy hướng dẫn gọi điện hỏi xem viết tới đâu rồi, mình mới phải “khai”thật là đang bị ốm phải nằm viện, thầy khuyên nghỉ ngơi một thời gian. Và đúng 1 tháng sau Thầy gọi điện. Nếu không có cuộc gọi điện đó của Thầy, chắc mình còn trì hoãn lâu nữa.

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Nếu để gửi lời cảm ơn tới một người, thì chị muốn gửi lời cảm ơn tới ai đã đồng hành và hỗ trợ chị hoàn thành mục tiêu của bản thân?

TS. Nguyễn Thị Hải Hà:

Đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản than chị còn biết ơn rất nhiều người đã giúp đỡ mình.

Người mà chị luôn trân trọng, biết ơn và muốn nói lời cảm ơn chính là Thầy giáo hướng dẫn của chị - PGS.TS. Phạm Văn Dũng. Chị cũng đã phát biểu trong buổi lễ bảo vệ luận án: “Em sẽ không có được ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ của Thầy”. Thầy đã giảng dạy và hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của chị, cũng là người dạy chị nhiều điều trong cuộc sống, trong công việc, khiến chị luôn nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn trong suốt hai năm rưỡi làm NCS để đạt được mục tiêu của mình - là NCS đầu tiên của toàn khóa bảo vệ luận án và cũng hoàn thành chương trình sớm so với thời hạn yêu cầu.

 

“Em mãi ghi nhớ và biết ơn Thầy kính yêu - PGS. TS. Phạm Văn Dũng”

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Trân trọng cảm ơn chị đã nhắc đến những câu chuyện, những chia sẻ đầy cảm xúc ạ. Xin chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe, thành công hơn nữa trong cuộc sống và trong công việc.

TS. Nguyễn Thị Hải Hà: Cảm ơn các thầy cô giáo trong Khoa và cảm ơn em đã cho chị cơ hội được chia sẻ một vài cảm xúc của cá nhân mình! Kính chúc các thầy cô và chúc em luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!


ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh