Trang Nghiên cứu
 
Kịch bản tỷ giá 2009

Kịch bản của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ giá USD/VND sẽ tăng dần và đạt mức cao nhất khoảng 18.000- 18.200 đồng ở cuối quí 2 rồi giảm dần về mức 17.600-17.800 đồng vào cuối năm.


Sợi dây thun tỷ giá

“Đây sẽ là câu chuyện chính của năm 2009 chứ không phải vấn đề lãi suất”, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn cho biết.
Năm 2008 chứng kiến sự biến động mạnh của tỷ giá USD/VND.
Tỷ giá đợt đầu năm liên tục giảm, đạt mức thấp nhất khoảng 15.960 đồng trong tháng 3, rồi tăng vọt tới mức hơn 19.000 đồng ở thời điểm cuối tháng 6 và trở lại bình ổn trước khi biến động nhẹ vào giai đoạn hiện nay.
Nhìn lại những cột mốc chính ở trên để thấy rằng tình hình tỷ giá trong năm 2008 diễn biến rất phức tạp.
Dù chính sách can thiệp đã đi đúng hướng song, theo các chuyên gia, các chính sách can thiệp tỷ giá thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả là do dòng tiền ngoại hối vào và ra không khớp nhau khi các nhà đầu tư nước ngoài dồn vốn để đầu tư vào đầu năm và rút vốn ồ ạt tại thời điểm tháng 5, tháng 6 và quí 4/2008.
Kịch bản 2009
Một nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa hoàn tất bản báo cáo về dự báo tỷ giá năm 2009.
Dựa trên những dữ liệu đầu vào, nhóm tác giả đã chỉ ra rằng: tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm tới sẽ chậm lại đáng kể, và sẽ có những nước tăng trưởng âm (theo IMF, EIU, Standard Chartered Bank), giá hàng hóa tiếp tục giảm.
Cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới tính kém thanh khoản trên thị trường tài chính, nhu cầu về trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đẩy nhu cầu USD. Dự kiến, USD và JPY tiếp tục lên giá so với các đồng tiền khác đến hết quí 2-2009.
Kịch bản được dự báo là xuất khẩu chịu ảnh hưởng do sự suy giảm nền kinh tế toàn cầu và việc giảm giá của các mặt hàng khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm lớn trong khi như cầu nhập khẩu (dù đã giảm) vẫn cao do yêu cầu về tăng trưởng.
Giá trị giải ngân FDI trong năm 2009 dự kiến ở mức 10 tỉ USD, vẫn bằng năm 2008. Năm 2007, giải ngân ODA chỉ đạt khoảng 1,5 tỉ USD so với dự kiến 2,5 tỉ năm 2008.
Tiếp tục theo xu hướng thời khủng hoảng, đầu tư gián tiếp sẽ rút vốn ròng khỏi thị trường trong năm 2009 khoảng 1,5 tỉ USD (số dư vốn FII tại Việt Nam hiện tại là khoảng 8,2 tỉ đô la, nguồn: Merill Lynch, 2007-2008).
Đầu năm 2008 dòng kiều hối được đánh giá rất khả quan khi dự kiến lượng tiền chuyển về nước trong năm đạt khoảng 8 tỉ đô la. Tuy nhiên, dòng vốn này cuối cùng chỉ đạt từ 6-7 tỉ trong năm và dự báo chỉ đạt từ 4-5 tỉ USD vào 2009.
Và theo kịch bản như trên, các chuyên gia dự báo tiền đồng sẽ mất giá khoảng 3,5-5% so với đô la trong năm 2009.
Kinh tế thế giới dự kiến sẽ suy thoái đến mức thấp nhất trong quí 2-2009 và dần phục hồi từ quí 3. Đồng USD, JPY sẽ tiếp tục lên giá so với các ngoại tệ khác đến hết quí 2.
Do vậy, tỷ giá đô la/tiền đồng tương ứng sẽ tăng dần lên và đạt mức cao nhất khoảng 18.000- 18.200 đồng ở cuối quí 2 và sau đó giảm dần về mức 17.600-17.800 đồng vào cuối năm. Thị trường ngoại hối của Việt Nam trong năm 2009, vì thế, được xác định sẽ căng thẳng.
“Tuy nhiên, xét theo nhiều giả thiết thì khả năng can thiệp, bình ổn thị trường ngoại hối có thể thực hiện khi thâm hụt cán cân thanh toán và nợ ngắn hạn nước ngoài còn thấp rất nhiều so với dự trữ ngoại hối của Việt Nam, trong khi khác với Indonesia, Việt Nam không chịu ràng buộc bởi các cam kết với IMF trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối”, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn của BIDV, cho biết.
“Vấn đề quan trọng nhất là cần xác định chính xác các dòng ngoại tệ, qua đó là cung cầu ngoại tệ thực tế trên thị trường để có biện pháp can thiệp phù hợp”, ông Mạnh nói.


Theo Hồng Phúc TBKTSG