Trang Nghiên cứu
 
Đề tài: Học thuyết kinh tế trọng thương và những gợi ý chính sách đối với Việt Nam (KT.08.09)



Mã số: KT.08.09

Thời gian thực hiện: 2008 - 2009

Chủ trì đề tài: TS. Phạm Thị Hồng Điệp

Đơn vị: Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Kết quả nghiệm thu: Tốt

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài:

Đề tài tập trung vào các mục tiêu cơ bản sau:

- Hệ thống hóa các luận điểm kinh tế và các chính sách của Học thuyết Trọng thương;

- Phân tích và đề xuất những gợi ý chính sách cho phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.

Kết quả nghiên cứu:

Chủ nghĩa Trọng thương là trường phái đầu tiên trong lịch sử tư tưởng kinh tế phản ánh những vấn đề kinh tế của thời kỳ chuyển biến từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản dưới con mắt của các nhà tư bản thương nhân Tây Âu.

Các tư tưởng trọng thương chỉ được biết đến chủ yếu dưới hình thức những lời khuyên thực tiễn về các chính sách kinh tế, gắn kết chặt chẽ với lợi ích chủ quan của các tác giả - những người thuộc tầng lớp thương nhân. Đề tài nghiên cứu đã khái quát bối cảnh lịch sử ra đời và tồn tại của Học thuyết Trọng thương; Phân tích các giai đoạn phát triển và những lý luận kinh tế cơ bản của Chủ nghĩa Trọng thương; Đồng thời đề tài hệ thống hóa các chính sách kinh tế do Học thuyết Trọng thương đề xuất trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII cho một số nước Tây Âu. Đó là chính sách chung đối với toàn bộ nền kinh tế, chính sách thương mại, chính sách công nghiệp, chính sách nông nghiệp, chính sách điều tiết kinh tế của nhà nước; trong đó chiếm vị trí trung tâm và đặc sắc nhất là chính sách ngoại thương, đúng như tên gọi Trọng thương của trường phái này.

Dừng lại ở chủ nghĩa kinh nghiệm nhưng giá trị cốt lõi của các chính sách kinh tế mà các nhà Trọng thương vạch ra vẫn có thể tìm thấy trong các chính sách kinh tế đương đại. Nhiều chính sách kinh tế của các nhà nước ngày nay vẫn kế thừa những tư tưởng trọng thương, thậm chí những tư tưởng bảo hộ của các nhà trọng thương. Trên cơ sở các Chính sách Trọng thương đã được hệ thống hóa, đề tài rút ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam như: gợi ý về giải quyết vấn đề tự do hóa thương mại hay bảo hộ mậu dịch, về chiến lược phát triển kinh tế sản xuất thay thế hàng nhập khẩu và sản xuất hướng về xuất khẩu cũng như về vai trò của nhà nước điều tiết kinh tế và thúc đẩy phát triển ngoại thương. Trong bối cảnh đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, những gợi ý này vẫn còn nhiều ý nghĩa và khả năng vận dụng vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.

Kết quả ứng dụng của đề tài:

Đề tài được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và học tập môn Lịch sử học thuyết kinh tế trong các trường đại học và cao đẳng khối ngành kinh tế.

Xem chi tiết tóm tắt đề tài tại đây.




Các tin khác

<12>