Trang tin tức sự kiện
 
Xếp hạng đại học: Xu thế toàn cầu

Xếp hạng đại học là xu thế toàn cầu. Mỗi bảng xếp hạng sử dụng một bộ chỉ số khác nhau, phản ánh được một số thông tin nhất định về hoạt động và mức độ ảnh hưởng của trường đại học. Tham gia xếp hạng là để các kết quả đã đạt được của trường đại học được đánh giá và phản ánh phù hợp với các tiêu chí chung, có tính hội nhập cao. Cần nhận thức đúng kết quả xếp hạng và kết hợp thông tin xếp hạng với công tác kế hoạch để định hướng phát triển hiệu quả.


Năm 2011, ĐHQGHN đã được định vị trên một số bảng xếp hạng đại học thế giới. Để giúp làm rõ hơn về xếp hạng đại học, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết:

Mặc dù còn có những đánh giá khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau, nhưng “sống chung với xếp hạng” là một thực tế phổ biến đối với các trường đại học trên thế giới. Các trường đại học có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng đều là các trường đại học có uy tín, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển tri thức của nhân loại và đặc biệt đóng vai trò nòng cột trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ cao và tạo ra các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức của quốc gia đó. Tương tự như những câu lạc bộ bóng đá đứng đầu trong bảng xếp hạng các giải vô địch, các trường đại học có thứ hạng càng cao trong bảng xếp hạng càng có khả năng thu hút được nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn cán bộ khoa học giỏi và những sinh viên có đầu vào chất lượng cao. Những yếu tố này, về phần mình lại tiếp tục gia tăng giá trị, giúp phát triển thương hiệu của các trường đó nhanh chóng hơn.

Tham gia xếp hạng là để các kết quả đã đạt được của trường đại học được đánh giá và phản ánh phù hợp với các tiêu chí chung, có tính hội nhập cao. Tham gia xếp hạng còn thể hiện sự tự tin và vững vàng hội nhập, là trách nhiệm của trường đại học đối với cộng đồng, là hình thức công khai một cách khách quan các điều kiện đảm bảo chất lượng. Các kết quả xếp hạng cần được nhận thức đúng, phù hợp với mức độ và lĩnh vực quan tâm của bảng xếp hạng đó. Nếu kết hợp được thông tin xếp hạng với công tác kế hoạch có thể xây dựng chiến lược phát triển của các trường đại học một cách hiệu quả.

- GS có thể cho biết vai trò của xếp hạng đối với xu thế tiếp cận chiến lược phát triển của các trường đại học trên thế giới hiện nay như thế nào?

Các trường đại học trên thế giới có thể được tổ chức theo một số mô hình khác nhau, mức độ ưu tiên đầu tư, điểm xuất phát, truyền thống và đặc trưng văn hoá khác nhau, nhưng tựu chung lại đều thực hiện 3 chức năng cơ bản: Truyền thụ kiến thức (đào tạo), Sáng tạo (NCKH) và Chuyển giao tri thức (phục vụ thực tiễn và đóng góp cho cộng đồng). Do đó, chất lượng của các trường đại học đều có thể được đánh giá cùng chung một bộ chỉ số mang tính chuẩn hóa và quốc tế hóa. Mô hình tổ chức, mức độ tự chủ, phương thức đầu tư có thể khác nhau tuỳ thuộc truyền thống, văn hóa và điều kiện của mỗi nước, nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng được các trường đại học có uy tín với các bộ chỉ số tốt nhất.

Thông tin xếp hạng hỗ trợ việc định vị các trường đại học trong hệ thống đại học toàn cầu, từ đó các trường đại học chủ động xây dựng chiến lược phát triển của mình. Bảng xếp hạng ARWU của đại học Giao thông Thượng Hải, Trung quốc là một ví dụ điển hình. Ban đầu ARWU được xây dựng chỉ nhằm thực hiện việc định vị các trường đại học của Trung Quốc trong hệ thống các trường đại học đẳng cấp quốc tế, làm cơ sở để xác định chính sách cải cách giáo dục đại học quốc gia. Trên cơ sở tiếp cận như vậy, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các đề án đầu tư xây dựng một số trường đại học sớm đạt trình độ hàng đầu thế giới và họ đã thành công với Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh… Hiện nay, bảng xếp hạng này đã thu hút được sự chú ý rất lớn cả trong nước lẫn quốc tế.

Nhằm hướng dẫn các trường đại học của nước mình xây dựng được chiến lược tiến kịp các quốc gia phát triển ở Châu Âu, các nhà khoa học Bồ Đào Nha và một số nước khác cũng đang triển khai việc xếp hạng đại học trong phạm vi quốc gia.

Thế nên có thể nói: ngoài việc đánh giá để hỗ trợ nâng cao chất lượng, thông tin xếp hạng đại học còn xác định vị thế và uy tín của các trường đại học, đồng thời là nguồn thông tin tốt giúp các trường đại học điều chỉnh chiến lược để tiếp tục nâng cao chất lượng và vị thế của mình. Tham gia xếp hạng đại học là tham gia hội nhập một cách bình đẳng, đúng hướng theo thước đo chung của hệ thống đại học toàn cầu; thể hiện trách nhiệm và sự tự tin cao trước các phản biện và đánh giá của cộng đồng rộng lớn hơn, chuẩn mực hơn, khách quan hơn, định lượng hơn, với sản phẩm đầu ra cụ thể và rõ ràng nhất.

- Các bảng xếp hạng thế giới được xây dựng dựa trên những tiêu chí cơ bản nào, thưa GS?

Các hệ thống xếp hạng đại học với sự quan tâm khác nhau của các bên liên quan đều đã xây dựng phương pháp đánh giá riêng dựa trên 3 tiêu chí: Chất lượng đào tạo, Chất lượng các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tri thức và Mức độ quốc tế hoá, nhưng với các chỉ số và trọng số khác nhau. Xác định các tiêu chí như vậy là rất đúng và trúng, nhưng hiện nay các bảng xếp hạng vẫn còn nhiều bất cập do hạn chế về khả năng định lượng hóa và thu nhận thông tin. Do vậy, việc xếp hạng đều đang dựa vào một số chỉ số cơ bản và khả thi, mức độ ảnh hưởng của nhiều chỉ số chưa đo đếm được, đặc biệt, vai trò của các đại học trong từng quốc gia chưa được phản ánh hết.

- Xin GS giới thiệu bộ chỉ số cơ bản đó?

Chúng tôi vừa làm một khảo sát với khoảng 10 bảng xếp hạng đại học khác nhau. Trên cơ sở trọng số của các chỉ số thường xuyên xuất hiện trong từng bảng xếp hạng, trọng số trung bình của các chỉ số được đánh giá và thấy rằng có 7 chỉ số thường sử dụng và có trọng số cao nhất trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới. Đó là: ý kiến đánh giá của các học giả; ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng; số lượng công trình khoa học và chỉ số trích dẫn; tỉ lệ sinh viên/cán bộ khoa học; tài nguyên học liệu; tỉ lệ sinh viên quốc tế và sinh viên đi trao đổi; tỉ lệ giảng viên quốc tế và giảng viên đi trao đổi.

Trong 7 chỉ số được lựa chọn, đáng chú ý là 4 chỉ số gồm “đánh giá của các học giả”, “số lượng và chất lượng hoạt động NCKH”, “tỉ lệ sinh viên/giảng viên”, và “đánh giá của nhà tuyển dụng” được nhiều tổ chức xếp hạng lựa chọn và trọng số trung bình cao nhất. Các chỉ số “tỷ lệ sinh viên nước ngoài” và “tỷ lệ giảng viên nước ngoài” cũng là những chỉ số quan trọng đánh giá mức độ quốc tế hóa của trường đại học. “Tài nguyên học liệu” là một thông số được quan tâm, nhất là trong ký nguyên số hóa.

- Trên cơ sở các chỉ số cơ bản ấy, GS thấy bảng xếp hạng nào đang phù hợp với các trường đại học nước ta hiện nay?

Hướng tới mục tiêu trở thành các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của thế giới, bảng xếp hạng ARWU của đại học Giao thông Thượng Hải phải là sự lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, các trường đại học chúng ta có thể tham khảo bộ tiêu chí của bảng xếp hạng QS Asia University Rankings. Bảng xếp hạng này của tổ chức QS Quacquarelli Symonds được tách ra từ THE-QS và bắt đầu triển khai từ 2009 với 6 trong 7 tiêu chí nêu trên (trừ tiêu chí về tài nguyên học liệu). Đây là một sáng kiến hữu ích và đang được quan tâm nhiều ở Châu Á nhằm mục đính tạo sự thúc đẩy, phấn đấu hướng đến những mục tiêu mang tính khả thi ở châu lục trước khi vươn ra tầm thế giới. Theo kết quả xếp hạng này, năm 2011 ĐHQGHN có 4 lĩnh vực nằm trong nhóm 200 các trường đại học hàng đầu Châu Á.

- Gần đây Webometrics cũng là một bảng xếp hạng được xã hội quan tâm với việc xuất hiện các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong nhóm 100 trường đại học khu vực đông Nam Á. Xin GS cho biết đôi nét về bảng xếp hạng này?

Đối với bảng xếp hạng này, thậm chí ĐHQGHN chúng ta còn nằm trong nhóm 30 trường đại học hàng đầu của khu vực đông Nam Á. Bảng xếp hạng Webometrics xếp hạng hoạt động học thuật của trường đại học chỉ thông qua trang web của trường. Lần đầu tiên bảng xếp hạng của Webeometrics được công bố năm 2004 tại Tây Ban Nha. Mặc dù chỉ quan tâm đến các chỉ số đặc trưng cho khả năng xuất bản và công bố các kết quả đào tạo và nghiên cứu trên web, nhưng bảng xếp hạng này cũng có sự tương quan cao với các bảng xếp hạng khác. Hơn thế nữa, trong lần xếp hạng gần đây, ngoài các thư tịch khoa học mà các trường công bố trên website của mình, webometrics đã bắt đầu sử dụng cả dữ liệu của SCImago về các thư tịch khoa học mà các nhà khoa học của trường đó đã công bố trên hệ thống tạp chí Scopus, tức là đã sử dụng một phần thông tin như xếp hạng QS.

Trong thời gian vừa qua, ĐHQGHN chủ trương phát triển nội dung số để từng bước xây dựng mạng chuyên gia (phục vụ hoạt động của các đơn vị, cán bộ và sinh viên) và mạng xã hội (cho tri thức nói chung), phản ánh đúng kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và các hoạt động của ĐHQGHN và các đơn vị trong không gian số; tăng cường năng lực, trách nhiệm công khai thông tin của ĐHQGHN và các đơn vị đối với xã hội. Các tiêu chí đánh giá, công cụ tìm kiếm và phương thức đánh giá của bảng xếp hạng Webometrics đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc hướng tới việc phát triển đại học số hóa đúng chuẩn quốc tế.

- Xu thế phát triển của xếp hạng đại học trong những năm tới, thưa GS?

Ngoài các hạn chế như đã nêu, các bảng xếp hạng hiện nay còn có một hạn chế chung rất cơ bản nữa là xếp hạng theo vị trí (ranking). Theo cách xếp hạng hiện nay, vị trí của các trường đại học này rất phụ thuộc vào các trường đại học khác nên cũng dễ đi chệch mục tiêu. Ngoài ra, cách xếp hạng hiện nay còn bỏ qua thế mạnh của các lĩnh vực khoa học, đơn giản hóa quá mức điểm mạnh của trường, tầm ảnh hưởng của trường trong xã hội chưa được ghi nhận… Chính vì vậy mà hiện nay nhiều nhóm chuyên gia đang hướng tới việc xây dựng các bảng xếp hạng theo mức (rating), bằng cách đánh giá thêm nhiều chỉ số và xếp hạng mức như các mức từ 1 sao đến 5 sao của hệ thống xếp hạng khách sạn (QS-star). Xếp hạng theo mức không phụ thuộc vào hoạt động của các trường đại học khác và có tính thích ứng cao hơn, dung nạp được các thành phần mà xếp hạng theo vị trí khó có thể dung nạp được. Như vậy, các trường các trường đại học sẽ cạnh tranh và phát triển một cách hài hòa hơn, cùng nhau phát triển đến mức nào, chứ không còn chỉ hơn kém nhau vài thứ bậc.

- GS có quan tâm đặc biệt nào đối với xu thế xếp hạng mới này?

Vừa qua, bộ tiêu chí của các bảng xếp hạng đại học hiện hành đã hỗ trợ chúng ta trong việc định vị và xây dựng bộ chỉ tiêu cơ bản cho công tác kế hoạch. Trong kế hoạch phát triển của mình, ĐHQGHN chúng ta đã xác định nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển các ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, từng bước xây dựng các bộ môn, khoa, các lĩnh vực và trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc tế. Tôi nhận thấy rằng các nội dung, bộ tiêu chí, đặc biệt là định mức của các tiêu chí trong cách xếp hạng mới theo mức (sao) có thể áp dụng để xây dựng bộ tiêu chí xác định bộ môn, khoa đạt chuẩn quốc tế của ĐHQGHN. Nếu chúng ta tiếp cận được theo cách ấy, định hướng của chúng ta sẽ đúng hơn, trúng hơn và khách quan hơn.

- Nhân bàn về xếp hạng đại học, GS có thể cung cấp thêm một số thông tin về chiến lược xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế trên thế giới ?

Kinh nghiệm Trung Quốc đã nói ở trên. Các quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng các sáng kiến khác nhau để tham gia vào cuộc đua đến các đại học hàng đầu thế giới. Từ năm 2002, Nhật bản đã khởi động Chương trình xây dựng các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc cho thế kỷ 21 trong các trường đại học. Đến năm 2008, chương trình này được phát triển thành sáng kiến xây dựng các Trung tâm nghiên cứu quốc tế hàng đầu thế giới. Hàn quốc thúc đẩy kế hoạch xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế thông qua việc thực hiện chương trình BK21 “Brain Korea 21” từ năm 1999 và từ năm 2008 triển khai Chương trình xây dựng các đại học tiêu chuẩn thế giới (WCUs). Singapore đã tập trung đầu tư xây dựng đại học Quốc gia Singapore và đại học Công nghệ Nanyang. Malaysia thực hiện Chương trình tăng tốc hướng đến việc có được một trường đại học nằm trong nhóm 100 các trường hàng đầu của thế giới.

- Thế còn ở Việt Nam chúng ta, thưa GS?

Nghị quyết đại hội đảng lần VII đã khẳng định "Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững". Năm 1993, tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương đảng Khóa VII đã chủ trương “xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”. Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương IV (Khoá VII) và Nghị quyết Trung ương II (Khoá VIII), Thường vụ Bộ Chính trị BCH Trung ương đảng tại Thông báo số 315-TB/TW ngày 29/8/2000 đã nêu rõ: “Chủ trương xây dựng hai đại học Quốc gia thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển giáo dục đại học của khu vực và thế giới…”. Gần đây, Nghị định số 07/2006/Nđ-CP của Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu nước ta phải xây dựng một số trường đại học đẳng cấp quốc tế và quy hoạch: “Việt Nam phải có một trường đại học được xếp hạng trong số 200 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2020”. Đó là các chủ trương đúng đắn, có tầm chiến lược của đảng và Nhà nước ta.

- Để trở thành đại học thuộc nhóm 200 đại học hàng đầu Châu Á, ĐHQGHN triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào?

ĐHQGHN đang tập trung thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển đến năm 2020, trong đó có đề xuất đề án phát triển ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế với một số mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm như:

- Nâng cao sức cạnh tranh và uy tín của ĐHQGHN thông qua việc xây dựng và phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành có nhiều công trình khoa học quốc tế và số lần trích dẫn cao. Phấn đấu đạt tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 65% (80% đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế), tỉ lệ cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư chiếm 30%, giảng dạy được bằng tiếng Anh chiếm 30%. Tỉ lệ giảng viên quốc tế đạt trên 5%.

- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, trong đó có 15% sinh viên tốt nghiệp ra trường (25% sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế) có năng lực chuyên môn và kỹ năng đạt chuẩn quốc tế, có thể làm việc hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bất cứ cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất nào ở trên thế giới. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên đạt 12, tỉ lệ quy mô đào tạo sau đại học/tổng qui mô đào tạo chính quy là 30%, tỉ lệ quy mô đào tạo tiến sĩ/quy mô sau đại học là 15%, sinh viên quốc tế chiếm 1,5% tổng quy mô đào tạo.

- Nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, có các sản phẩm KH-CN đạt trình độ quốc tế, tiêu biểu của quốc gia bao gồm các công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, tạp chí chuyên ngành trung ương có uy tín, sách chuyên khảo có giá trị, những kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn; có khả năng công bố trên 250 công trình khoa học/năm trong hệ thống tạp chí quốc tế, phát triển được ít nhất 1 tạp chí của ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế.

- Củng cố và phát huy thế mạnh của đại học có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, vận hành có hiệu quả cơ chế liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện, thúc đẩy sự sáng tạo, năng động của các đơn vị nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực, sự đa dạng và thế mạnh từng đơn vị, của hệ thống tổ chức đào tạo, NCKH, phục vụ của ĐHQGHN để nâng cao chất lượng mọi hoạt động; gia tăng các giá trị và tạo nên các sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao; nâng cao vị thế, thương hiệu của từng đơn vị và cả ĐHQGHN. Xây dựng và phát triển 16 ngành, 23 chuyên ngành, 30 nhóm nghiên cứu và 16 khoa thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn và các lĩnh vực liên ngành ở ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế về chất lượng đào tạo, nghiên cứu KHCN, môi trường học thuật và điều kiện làm việc, đội ngũ cán bộ, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài thông qua các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đỉnh cao, đáp ứng cao yêu cầu công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế thành công của đất nước.

- Cơ sở nội thành được khai thác, sử dụng phù hợp, góp phần tạo ra nguồn tài chính cho sự phát triển bền vững của ĐHQGHN. Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc được xây dựng và bắt đầu được vận hành từng phần có hiệu quả góp phần đưa vị thế và tầm vóc của ĐHQGHN ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực.

ĐHQGHN chúng ta có truyền thống, đã đạt được những thành tựu cơ bản, chúng ta có sứ mệnh và tiềm năng. Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự nỗ lực của cán bộ và sinh viên, cộng thêm sự đầu tư tập trung, chúng ta sẽ thành công.

- Xin cảm ơn GS!

Hồng Ngọt (Bản tin ĐHQGHN, số 246 năm 2011)