1. Tên luận án: Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam - Tiếp cận từ góc độ người tiêu dùng
2. Tác giả: NCS. Nguyễn Phương Mai
3. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
4. Mã số: 62 34 05 01
5. Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Hoàng Văn Hải
6. Tên đơn vị đào tạo SĐH: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
7. Mục tiêu và đối tượng nghiên cứu của luận án.
7.1. Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN) theo tiếp cận từ góc độ người tiêu dùng trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể sau:
§Đánh giá được mức độ nhận thức của người tiêu dùng về TNXHDN trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam;
§Đề xuất một số giải pháp nhằm tích hợp các nội dung của chiến lược TNXHDN vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng.
7.2. Đối tượng nghiên cứu: nhận thức của người tiêu dùng về các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và mối liên hệ giữa nhận thức với thái độ và ý định hành vi của họ đối với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam
8. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính dùng để khám phá, điều chỉnh và bổ sung các biến quan sát và đo lường khái niệm nghiên cứu, xây dựng mô hình nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua phương pháp điều tra xã hội học và sử dụng phần mềm SPSS 20.0 và AMOS 20.0 để thực hiện các phân tích EFA, CFA, SEM và ANOVA để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu, từ đó trả lời các câu hỏi nghiên cứu đặt ra.
9. Kết quả chính và kết luận
- Luận án làm rõ bức tranh tổng hợp về vấn đề TNXHDN trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Dựa trên các nguồn thông tin thứ cấp, tác giả đã phân tích những vấn đề nổi bật về TNXHDN trong ngành này, cũng như vai trò của người tiêu dùng như một lực lượng thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình
- Luận án xác định được mức độ nhận thức của người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm ở khu vực miền Bắc về TNXHDN. Với phạm vi nghiên cứu là 11 thành phố của các tỉnh miền Bắc Việt Nam, kết quả phân tích từ dữ liệu khảo sát đã cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chú ý hơn đến vấn đề TNXHDN.
- Luận án kiểm chứng được mối liên hệ giữa nhận thức của người tiêu dùng về TNXHDN với thái độ và ý định hành vi của họ. Kết quả phân tích trong nghiên cứu này cho thấy nhận thức về trách nhiệm cộng đồng và trách nhiệm lao động có mối liên hệ mạnh nhất với thái độ của người tiêu dùng. Sau đó, thái độ lại có ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định hành vi của người tiêu dùng. Từ nhận thức về TNXHDN, thái độ của người tiêu dùng sẽ dần thay đổi và sau đó là ý định hành vi của họ đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến.
- Luận án đã kiểm chứng ảnh hưởng của các yếu tố nhân khẩu học đến ý định hành vi của người tiêu dùng. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, ngoài yếu tố thu nhập, các yếu tố như giới tính, độ tuổi hay trình độ học vấn không tạo ra sự khác biệt về ý định hành vi giữa các nhóm người tiêu dùng khác nhau.
- Luận án đưa ra một số đề xuất với chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm thúc đẩy sự thực thi TNXHDN trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Đối với chính phủ, các giải pháp về chính sách được chú ý hơn cả. Đối với doanh nghiệp, các giải pháp đề xuất liên quan đến truyền thông về TNXHDN, công tác quản trị công ty và cải tiến quá trình sản xuất. Đối với người tiêu dùng, đề xuất chủ yếu liên quan đến việc nâng cao nhận thức về TNXHDN.