Trang tin tức sự kiện
 
Những lời dạy của Bác Hồ về đạo đức

Thực hiện Chỉ thị 06 - CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Hướng dẫn số 11 - HD/TTVH của Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương, Kế hoạch số 165/KH-MTTW của Ban Thường trực Uỷ Ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và yêu cầu của đông đảo bạn đọc, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu: “Những lời dạy của Bác Hồ về đạo đức” trong chuyên mục này:


* Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm  là đủ - Quan niệm: Thanh cao tự thủ không đủ. Tất cả  chúng ta phụ trách trước nhân dân trong anh em phải có phê bình và tự phê bình... phải mở cửa khuyến khích  lãnh đạo phê bình và tự phê bình.

(Lời phát biểu trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, 11-1950.
Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

* Tất cả chúng ta phải thi hành phê bình và tự phê bình một cách liên tục và thực thà... Có thế ta mới tiến bộ... Nhưng nhận lỗi chưa đủ, phải kiên quyết sửa lỗi.

(Lời phát biểu trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, 11-1950.
Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

* Tự phê bình và phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm. Có lỗi mà không vạch ra không khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc. Làm phiền công việc thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi khuyết điểm. Cho nên phải dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp nhau sửa chữa, và kiên quyết sửa chữa để cùng nhau tiến bộ. Vạch khuyết điểm để sửa chữa, nhưng cũng phải nêu ưu điểm để phát huy. Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước.

(Bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II,
1950. - T. 6, tr. 109-110)

* Cải tạo thế giới là việc to, phải trường kỳ gian khổ.

Kháng chiến để cải tạo nước nhà cũng phải trường kỳ và gian khổ. Muốn cải tạo mình, cũng phải trường kỳ và gian khổ, chứ không phải là dễ đâu.

Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được.

Ai cũng thấy siêng năng, trong sạch là tốt. Điều đó không ai chối cãi được. Thế mà vì sao vẫn không làm hay không làm được? Chẳng những không làm được mà còn làm trái lại? Đó là vì cái tâm mình không chính.

Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được. Kẻ địch trong người không thể dùng lựu đạn mà ném vào được; nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm.

... Có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình.

Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lăn xuống hố.

Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang.

Quyết tâm là làm được.

Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được.

Cán bộ có quyết tâm thì cải tạo được mình, được nước nhà, được xã hội.

(Bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 2,
3-1953. T. 7, tr. 59-60, 62-63)

* Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân.

Chủ trương của Đảng ta là: trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm, tức là bất kỳ ở hoàn cảnh nào, mọi đảng viên và cán bộ cũng phải thật thà và triệt để chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, phải làm đúng chế độ gửi báo cáo và xin chỉ thị.

(Phải làm theo kỷ luật của Đảng, 8 - 1954. T. 7, tr, 335)

... Cần phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức, nhận rõ điều gì là phải, thì cố gắng làm, điều gì là trái, thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

(Người cán bộ cách mạng, 3-1955. T. 7, tr. 482)

Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải.

Nhưng vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Họ không biết rằng: có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm.

Nhưng hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin,  không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì.

Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát  triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng,  vàng càng luyện càng trong.

Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức  cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây  dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người.

(Đạo đức cách mạng, 12-1958. T.9,
tr.282, 284, 290, 291, 293)