Trang tin tức sự kiện
 
Bác Hồ nói về đạo đức cách mạng đối với đảng viên, đoàn viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Cách đây gần tròn nửa thế kỷ (1958), bác Hồ kính yêu đã viết bài về rèn luyện đạo đức cách mạng dành cho đảng viên, đoàn viên - hai đối tượng được đặt lên hàng đầu.


Chúng ta luôn ghi nhớ rằng, tư cách, phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi công dân không phân biệt bất cứ ai mà Bác thường xuyên căn dặn, nhắc nhở là cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.

Thật vậy, trong học tập, lao động, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của từng người ở xã hội ta vào thời kỳ cách mạng nào cũng thế, nếu sự bất liêm, bất chính, lãng phí, tham ô, lười biếng, vô trách nhiệm, thu vén cá nhân, ích kỷ vì lợi ta hại người… còn lẩn khuất đâu đó bằng sự dối trá với chính mình, với tập thể và cộng đồng thì đó là “kẻ thù nội xâm” nguy hiểm khôn lường.

Giới trẻ, trước hết là cán bộ, đoàn viên, lớp người với sứ mệnh kế tục sự nghiệp của cha anh càng phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào.

Bác dạy: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp vẻ vang nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”.

Hơn bao giờ hết, những người cộng sản trẻ tuổi phải sớm tự ý thức được tính lâu dài, gian khổ, nhằm cải tạo xã hội cũ vừa là sứ mệnh tự thân vừa là mục tiêu phấn đấu bằng chính nội lực của mình như Bác đã nói một cách hình ảnh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng, đi được xa. Người cách mạng có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Chỉ khi nào chúng ta đứng vững trên nền tảng đạo đức ấy, quán triệt sâu sắc điều chủ chốt ấy ở mọi nơi, mọi lúc chúng ta mới có thể tự nhân lên sức mạnh của mình để “gánh được nặng, đi được xa”.

Thực tế cho thấy như Bác dạy: “Số đông đảng viên, đoàn viên và cán bộ ta làm đúng như thế. Nhưng cũng có một số không làm đúng”.

Nguyên nhân dẫn đến việc không làm đúng chủ yếu là do “chủ nghĩa cá nhân” với nhiều biểu hiện khác nhau như:

Yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, muốn lựa chọn công tác theo ý thích cá nhân của mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao nhưng lại sợ trách nhiệm nặng… Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí cách mạng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút”.

Ngày nay, trong hoàn cảnh và điều kiện mới, Đảng và Nhà nước ta đang phát động và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đấu tranh không khoan nhượng chống nạn quan liêu, tham nhũng và những biểu hiện sa đọa, vi phạm nghiêm trọng đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng ta thấy những tiên lượng hết sức đúng đắn của Bác về sự nảy nở và phát triển của chủ nghĩa cá nhân làm băng hoại phẩm chất của biết bao con người do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, xa rời thậm chí đối lập với “điều chủ chốt nhất” của đạo đức cách mạng là suốt đời đấu tranh cho mục tiêu, lý tưởng mà bản thân đã từng gắn bó.

Điều này có ý nghĩa quyết định đến con đường phấn đấu của đông đảo cán bộ, đoàn viên vì sự nghiệp lớn mà họ đang ấp ủ, ước mơ. Từ đây, mỗi một chúng ta cần ý thức ngày một rõ hơn, sâu hơn quá trình tự tạo dựng cho mình cái nền tảng, cái điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng, ấy là “không một phút giây nào được xa rời lý tưởng phấn đấu” và không bao giờ buông lỏng cuộc đấu trang với chủ nghĩa cá nhân - “kẻ địch còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp hoặc thất bại, hoặc thắng lợi, để ngóc đầu dậy…” như Bác đã cảnh báo.

Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu…”.

Chúng ta đang có nhiều tấm gương đảng viên, đoàn viên và cán bộ được dân tin, dân yêu, được như vậy là do các đồng chí đã tự mình rèn luyện và thực hiện tốt lẽ sống mình vì mọi người, trong đó lời nói luôn đi đôi với việc làm, lấy việc mình làm để cổ vũ người khác.

Song đáng tiếc hiện nay trong tổ chức Đoàn vẫn còn có những “quan Đoàn” quan liêu, không nắm được những vấn đề cụ thể, những suy nghĩ, những khó khăn, những nguyện vọng chính đáng và cả những hành vi sai trái của một bộ phận thanh niên trong địa phương, đơn vị mình.

Thủ lĩnh thanh niên ngày nay chỉ là người truyền đạt nghị quyết thì chưa đủ. Tiêu chí hàng đầu của thủ lĩnh thanh niên, nhất là cấp cơ sở giờ đây phải là thuyết phục thanh niên bằng việc làm, bằng năng lực hoạt động thực tiễn.

Nếu chúng ta được “dân tin, dân phục, dân yêu” chúng ta sẽ có tất cả, làm được tất cả, bằng không sẽ là ngược lại… Giá trị đạo đức Hồ Chí Minh trở thành bất diệt bởi cái nền muôn đời bền vững ấy.


TB (theo TPO)