Trang tin tức sự kiện
 
Giảng viên ĐH Kinh tế - ĐHQGHN khảo sát thực tế tại Bắc Âu

Nhóm nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm tại trường Đại học Oslo - Na Uy
Từ ngày 17/6 đến 23/6/2018, nhóm nghiên cứu đề tài“Phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và định hướng giả ipháp” (mã số KX.04.14/16-20) do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (chủ nhiệm đề tài) - Phó Giám đốc ĐHQGHN làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát nước ngoài tại Đan Mạch và Na Uy để tìm hiều về mô hình phát triển cũng như kinh nghiệm phân bổ các nguồn lực cho phát triển kinh tế của hai quốc gia Bắc Âu này.


Đây là đề tài thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KX.04/16-20 do Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan chủ quản và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là cơ quan chủ trì. Đi cùng với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn còn có TS. Nguyễn Cẩm Nhung, TS. Nguyễn Vũ Hà và ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai đều là giảng viên của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN

 

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (thứ hai từ trái qua) thảo luận cùng nhóm nghiên cứu trước buổi làm việc với đối tác

Trong khuôn khổ hoạt động này, đoàn công tác đã gặp gỡ và thảo luận với đại điện đến từ trường Đại học Nam Đan Mạch (University of Southern Denmark - SDU), Quỹ đổi mới sáng tạo Đan Mạch (Innovation Fund Denmark), Trường quốc tế Hellerup (International School of Hellrup) và Viện nghiên cứu về tác động của Khoa học thuộc Trường Đại học Oslo (Oslo Institute for Research on the Impact of Science – The University of Oslo).

Hoạt động phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm đối với đại diện các cơ quan trên đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu rất nhiều ý tưởng và tư liệu quý báu về kinh nghiệm của Đan Mạch trong việc thu hút và huy động nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế, cách thức huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh và cơ chế phân bổ nguồn vốn nhà nước cho các dự án đổi mới sáng tạo cũng như kinh nghiệm của Nauy trong việc khai thác và phân bổ nguồn tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả.

 

Nhóm nghiên cứu làm việc với đại diện Trường ĐH Nam Đan Mạch

Vào ngày 18/6/2018, tại trường Đại học Nam Đan Mạch nằm ở thành phố cảng Esbjerg, đoàn khảo sát đã gặp gỡ và thảo luận với GS. Niels Vestergaard, Trưởng Khoa Xã hội học, Kinh tế học Môi trường và Kinh doanh, bà Judith Parus – Giảng viên của Khoa, TS. Urs Steiner Brandt, TS. Dewan Ahsan và TS. Yingkui Yang thuộc nhóm nghiên cứu về Quản trị và Kinh tế học Tài nguyên môi trường (Management and Economics of Resources and the Environment – MERE). Cuộc gặp gỡ đã giúp ngóm nghiên cứu thu thập được nhiều thông tin về mô hình phát triển kinh tế của Đan Mạch nói chung – một nền kinh tế phát triển với hệ thống phúc lợi quốc gia lớn, xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập, cũng như kinh nghiệm cụ thể của SDU trong việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuộc thảo luận bàn tròn với các chuyên gia từ nhóm nghiên cứu MERE cũng giúp đoàn khảo sát hiểu được về cách Chính phủ Đan Mạch huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh và bao trùm, kinh nghiệm trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên và phát triển năng lượng tái tạo, mà cụ thể là năng lượng gió. Do nghèo tài nguyên và thiếu nguyên liệu, người Đan Mạch đã sử dụng nguyên liệu một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, cũng như chú trọng đầu tư phát triển năng lượng gió và xuất khẩu tua-bin gió. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã cùng nhau bàn luận về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường trong bối cảnh mới cũng như khả năng và điều kiện ứng dụng những kinh nghiệm của Đan Mạch vào Việt Nam.

 

Buổi thảo luận với nhóm nghiên cứu MERE

Cùng ngày, đoàn khảo sát cũng có chuyến thăm cảng biển Esbjerg – cảng biển lớn nhất ở khu vực Biển Bắc, cũng là cảng biển lớn nhất của châu Âu về điện gió ngoài khơi, cảng xuất lớn nhất của Đan Mạch về mặt hàng dầu mỏ và khí ga, cũng là trung tâm phía Bắc về vận chuyển hàng hoá, kết nối Đan Mạch với các quốc gia châu Âu khác. Tại đây, nhóm nghiên cứu có cơ hội tìm hiểu về cơ chế quản lý/quy hoạch của nhà nước và chính quyền địa phương với hoạt động và đất đai tại cảng, việc cho thuê đất, hoạt động vận chuyển hàng hoá, quy trình xếp hàng và xuất khẩu tua-bin gió ngoài khơi, xuất khẩu hàng hoá, đầu tư nước ngoài …

Một trong những trụ cột quan trọng nữa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đan Mạch là yếu tố đổi mới sáng tạo. Nhằm tìm hiểu về cách phân bổ các nguồn lực nhà nước để hỗ trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đoàn khảo sát đã có buổi làm việc với Quỹ đổi mới sáng tạo Đan Mạch tại thủ đô Copenhagen vào ngày 20/6/2018. Tiếp đoàn có TS. Tore Duvold - Phó Giám đốc điều hành Quỹ và các chuyên gia của Quỹ. Trong buổi làm việc, TS. Duvold đã giới thiệu về hoạt động của Quỹ, cách huy động và sử dụng nguồn tài chính nhà nước cũng như những hỗ trợ phi tài chính nhằm trợ giúp các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu, đặc biệt là quy trình, tiêu chí đánh giá tính khả thi và hiệu quả của các dự án trước khi rót vốn đầu tư. Đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu với Việt Nam.

 

TS. Tore Duvold (thứ 3 từ trái qua) cùng nhóm nghiên cứu

Cùng ngày tại Copenhagen, nhóm nghiên cứu cũng đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc với ông Mustafa Gezen – Hiệu phó trường quốc tế Hellerup về mô hình đào tạo liên cấp với 75% hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đan Mạch. Tại đây, nhóm nghiên cứu có cơ hội tham quan trường học và giới thiệu về cách thức tổ chức trường, phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp đánh giá của Nhà nước về hiệu quả hoạt động của trường.

 

Ông Mustafa Gezen (trái) giới thiệu mô hình hoạt động của trường quốc tế Hellerup

Vào ngày 21/6/2018, nhóm nghiên cứu đã làm việc với đại diện của trường Đại học Oslo nằm ở thủ đô Oslo của Na Uy. Quốc gia Bắc Âu này sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm dầu mỏ, thuỷ năng, đánh cá, lâm nghiệp, và khoáng chất. Na Uy là một trong những quốc gia có mức sống cao nhất thế giới một phần bởi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên so với quy mô dân số và thu nhập, và các nguồn tài nguyên thiên của quốc gia này được quản lý và phân bổ rất tốt. Trong buổi làm việc với GS. Magnus Gulbrandsen đến từ Viện nghiên cứu về tác động của Khoa học thuộc Trường Đại học Oslo, nhóm nghiên cứu tập trung vào đặt các câu hỏi liên quan đến cơ chế và công cụ phân bổ nguồn tài nguyên dầu khí của Na Uy, chính sách quản lý quỹ dầu khí của Na Uy, chính sách phân bổ nguồn thu của nhà nước từ tài nguyên dầu khí cho các hoạt động đầu tư nước ngoài, chính sách phát triển bền vững của Na Uy thông qua việc đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo khác. Những kinh nghiệm này là rất cần thiết cho Việt Nam vì mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên.

 

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (trái) trao quà lưu niệm cảm ơn GS. Magnus Gulbrandsen

Chuyến khảo sát đã cho nhóm nghiên cứu rất nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm của Đan Mạch và Na Uy trong việc phân bổ các nguồn lực một cách có hiệu quả, gồm cả những nguồn lực truyền thống (ví dụ như tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực), các nguồn lực mới (ví dụ, khoa học công nghệ mới, các loại năng lượng mới) cho phát triển kinh tế bền vững. Những tư liệu này sẽ giúp nhóm nghiên cứu có nhiều ý tưởng mới và có thể hoàn thành đề tài KX.04.14/16-20 với kết quả tốt nhất, đưa ra những khuyến nghị hữu ích và khả thi cho các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam.

Cũng nhân chuyến công tác này, nhóm nghiên cứu cũng đã thảo luận với đại diện trường Đại học Nam Đan Mạch và trường Đại học Oslo về khả năng hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo trong tương lai với Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và trường Đại học Kinh tế nói riêng.

Thanh Mai