Trang tin tức sự kiện
 
Sách: Phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam

Kết quả nghiên cứu trình bày trong cuốn sách chuyên khảo này có thể được sử dụng tham khảo cho việc giảng dạy và học tập trong các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh ở bậc đại học và sau đại học, trực tiếp phục vụ các môn học Khởi nghiệp, Lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp. Các giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ Hội Phụ nữ và các tổ chức xã hội có thể tham khảo tài liệu này trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và thực hành về khởi nghiệp và phát triển phụ nữ.


Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, TS. Phan Chí Anh

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm xuất bản: 2013
Nơi xuất bản: Hà Nội
ISBN: 978-604-934-471-8
Khổ sách: 16cm x 24cm
Số trang: 202, bìa mềm
Giá: 79.000đ

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Đại học Sydney - Australia và Đại học Battambang - Campuchia đã cùng phối hợp thực hiện dự án “Xây dựng kỹ năng kinh doanh khởi nghiệp phụ nữ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong các nước ASEAN”. Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 7/2011 và kết thúc vào tháng 6/2013 tại Việt Nam và Campuchia. Đây là một phần nằm trong Chương trình Liên kết Khu vực công Châu Á do Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) tài trợ. Dự án nhằm tăng cường khả năng và kỹ năng kinh doanh của phụ nữ địa phương để khởi nghiệp và xây dựng doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công, tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ, góp phần giảm bất bình đẳng giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Các hoạt động chính của dự án là đào tạo và nghiên cứu vấn đề khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam và Campuchia. Kết quả của dự án đã xây dựng được học liệu đào tạo khởi nghiệp, đào tạo được 100 giảng viên và tuyên truyền viên về khởi nghiệp cho phụ nữ. Kết quả của dự án triển khai tại Việt Nam được phản ánh tóm tắt trong nội dung cuốn sách này.

Cuốn sách Phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam được bố cục thành bốn phần chính. Nội dung thứ nhất được trình bày trong Chương 1 giới thiệu tổng quan về vai trò của phụ nữ khởi nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới và Việt Nam trong những năm gần đây. Nội dung thứ hai được trình bày trong các Chương 2 và 3 giới thiệu về Chương trình đào tạo khởi nghiệp cho phụ nữ theo kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Việt Nam và kinh nghiệm từ các nước Australia và Ấn Độ. Nội dung thứ ba bao gồm các Chương 4,5,6,7,8 là các trường hợp điển hình về những phụ nữ khởi nghiệp thnafh công tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm rút ra từ những thành công và chưa thành công trong quá trình khởi nghiệp. Nội dung cuối được trình bày trong Chương 9 là nghiên cứu khám phá về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc của nữ doanh nhân Hà Nội.