Trang tin tức sự kiện
 
Kỳ II: AEC 2015 không chỉ là câu chuyện “được gì, mất gì”

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Đó là ý kiến nhận định của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn trong cuộc trao đổi với Seatimes trước thềm thành lập tổ chức kinh tế khu vực Đông Nam Á - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối 2015.


Có nhiều ý kiến cho rằng, AEC dường như là "nhiệm vụ" của những nhà lãnh đạo, với sự đồng thuận lớn từ các nhà lãnh đạo, trong khi các doanh nghiệp (DN) là khối sản xuất và chịu tác động trực tiếp từ chủ trương hội nhập kinh tế thì lại chưa ngồi được với nhau sâu.

Anh muốn nói vấn đề thông tin, truyền thông cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN và sự tham gia của DN cũng như sự tham gia của mọi người dân.

Như tôi đã khẳng định ngay từ đầu, việc để người ta có thể tận dụng các cơ hội hội nhập khu vực và vượt qua các thách thức do hội nhập kinh tế mang lại, đây là công việc của toàn xã hội, bao gồm chính phủ, DN, người dân và các tổ chức khác. Tất cả đều phải tham gia vào quá trình này thì chúng ta mới vượt qua được những thách thức ấy.

Hiện tôi đang triển khai một nghiên cứu liên quan tới điều kiện thực tiễn của Việt Nam, sắp tới sẽ thực hiện khảo sát tại ba miền. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi, tôi có thể trích dẫn một số số liệu của các nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu điều tra khảo sát của Viện nghiên cứu Singapore - ISEAS, điều tra về nhận thức và sự quan tâm của doanh nghiệp tại các nước ASEAN với AEC. Điều tra cho thấy, đối với Việt Nam, các DN có hiểu biết và nhận thức rất hạn chế về Cộng đồng Kinh tế ASEAN: 76% DN không hiểu biết về AEC, 94% DN không biết về AEC Scorecard (Biểu đánh giá lộ trình thực hiện AEC), 63% DN cho rằng AEC có ảnh hưởng rất ít tới kinh doanh của họ, và đa phần cho biết không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham AEC vào năm 2015. Nếu số liệu điều tra này đúng, chúng ta có thể thấy độ hiểu biết của các DN VN đối với AEC là rất ít.

Một khảo sát khác của Diễn đàn mạng lưới ASEAN cho thấy, tính tới tháng 12/2013, với 5 DN được hỏi, có 1 DN có hiểu biết về các cơ hội, thách thức đến từ AEC, như vậy tương đương 20%, còn lại 80% DN là không hiểu. Nhưng điều đáng lưu tâm là, 20% DN trên là DN lớn, có tiềm lực mạnh, có hiểu biết về thị trường hơn các DN khác. Còn lại 80% các DN kia là DN vừa và nhỏ, họ đang phải gồng mình lên để chống chọi với các khó khăn hiện tại, còn không có điều kiện, phương tiện để tiếp cận các thông tin khác nhau.

Như vậy, nhận thức về AEC của các DN Việt Nam là rất thấp?

Họ không hiểu về các cơ hội và thách thức do AEC mang lại. Và chính bởi họ không hiểu được các cơ hội và thách thức, họ rơi vào bị động và không thể có những chuẩn bị để vượt qua được những thách thức cũng như nắm bắt, vận dụng hiệu quả các cơ hội.

Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, vấn đề đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về AEC đóng vai trò rất quan trọng. Tuyên truyền này nên được thực hiện tại nhiều cấp độ khác nhau. Trong các nước trong khu vực tôi có điều kiện khảo sát, có hai nước Thái Lan và Singapore làm rất tốt về vấn đề này. Đặc biệt, Thái Lan đi tới tận các doanh nghiệp để tham vấn về những thách thức, những khó khăn họ gặp phải, qua đó điều chỉnh chính sách. Đó là những kinh nghiệm mình nên học tập.

Điều này có nghĩa các đơn vị quản lý Việt Nam đang có nhiều hạn chế trong việc theo dõi và trợ giúp khối DN phải không, thưa ông?

Ở Việt Nam, không phải các cơ quan chưa thực hiện công tác tuyên truyền. Theo tôi được biết, Bộ Công Thương, Ủy ban Hội nhập Quốc gia về Kinh tế Quốc tế cũng có những thông tin về AEC. Các thông tin cũng rất nhiều. Nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp, tôi nghĩ, xét từ một góc độ nào đấy cũng chưa cao.

Như vậy, theo tôi, điều ấy có nghĩa là hoạt động tuyên truyền từ các bộ, ngành và sự hưởng ứng từ các doanh nghiệp chưa gặp nhau. Vấn đề của Việt Nam nằm chính ở chỗ đấy! Có thể nói rằng rằng, các DN chưa thực sự chủ động để nắm bắt được các thông tin trên sân chơi hội nhập. Lý do vì sao thì mình cần phải nghiên cứu thêm mới có thể đưa ra.

Được biết, gần đây Philippines đang đẩy mạnh tuyên truyền trên khắp cả nước, đầu tư về tài chính, nhân lực và thời gian, bám sát DN chuẩn bị cho hội nhập. Theo nghiên cứu của ông, Việt Nam đã có những chương trình như thế hay chưa?

Về các chương trình cụ thể dành riêng cho DN thì tôi thực sự chưa hiểu biết nhiều lắm. Tôi mới chỉ biết được các thông tin liên quan đến Ủy ban Hội nhập Quốc gia về Kinh tế Quốc tế, với những tài liệu, thông tin để tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao năng lực, gọi mời các chuyên gia tới tham vấn…

Điều này về lâu dài sẽ khiến các DN Việt Nam bỏ lỡ các cơ hội thương mại và đầu tư?

Thật ra, tôi nhìn vấn đề hội nhập của ASEAN theo góc độ rộng hơn. Nếu chỉ nhìn hội nhập kinh tế ASEAN như những việc lợi gì, mất gì trong lĩnh vực thương mại, đầu tư thì sẽ không thấy hết được các nguồn lợi.

Bởi vì, tỷ lệ thương mại nội khối của ASEAN rất thấp, chỉ khoảng trên 20%.

Lợi thế so sánh giữa các nước trong khu vực gần giống nhau, trong khi lợi thế cạnh tranh là lợi thế bổ sung. Với lợi thế bổ sung, ví dụ tôi mạnh về lao động, anh mạnh về công nghệ, phối kết hợp với nhau sẽ tạo ra một thế rất mạnh. Nhưng nếu tôi mạnh về lao động, anh cũng mạnh về lao động, tôi mạnh về lao động cấp thấp, anh cũng mạnh về lao động cấp thấp, thì chúng ta phối hợp với nhau sẽ rất khó, sẽ cạnh tranh nhau.

Như vậy thách thức với các DN VN là phải làm sao thay thế cấu trúc của lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh của Việt Nam hiện tại đang dựa trên cơ sở tài nguyên, lao động rẻ kỹ năng thấp. Mà mình lại giống họ! Kỹ năng thấp hơn họ! Vậy thì mình phải thay đổi cấu trúc ấy! Không thể so sánh trên lợi thế tĩnh như thế mà cần phải dựa trên lợi thế so sánh động, thì mình mới cải thiện được.

Thứ hai, mình phải nhận biết được các cơ hội từ AEC, từ đó mới đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp, các mục tiêu phù hợp, các thị trường phù hợp, các thị phần phù hợp, các loại hàng hóa chủ lực phù hợp.

Thứ ba, mình cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua câu chuyện liên quan tới nhân lực, câu chuyện liên quan tới công nghệ và nâng cao khả năng về quản trị.v.vv..

Nhưng việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế đòi hỏi nhiều hơn nỗ lực của các DN...

Tôi vẫn nói rằng câu chuyện đó không phải là câu chuyện lớn nhất. Câu chuyện lớn nhất về lợi ích do AEC mang lại là câu chuyện đằng sau đường biên giới. Trên cơ sở hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam có thể cải cách được nền kinh tế, thay đổi được khuôn khổ luật pháp và điều tiết theo chuẩn với khu vực, thay đổi được các chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh…

Tất cả những điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Tức, AEC không chỉ là việc mở ra các cơ hội thu được nguồn lợi từ các quốc gia khác từ trong ASEAN mà còn cải thiện được môi trường kinh doanh trong nước.

Với điều này, các quốc gia không chỉ hợp tác được với các nước ASEAN mà còn hợp tác được với các nước bên ngoài, vì ASEAN còn ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các nước bên ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản.

Mình cần phải nhìn với góc độ rộng hơn mới thấy được các nguồn lợi do AEC mang lại. Nếu mình chỉ nhìn “tôi được gì, mất gì” trong câu chuyện có liên quan tới việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, thì việc này vẫn đúng chứ không phải không, nhưng góc nhìn đó hơi nhỏ. Chúng ta cần nhìn được rộng hơn, dài hơn.

Cảm ơn ông!
___________________

Tin liên quan:

Nguồn: Seatimes