Trang tin tức sự kiện
 
Lãi suất cao có chống được lạm phát cao?

Lãi suất huy động VND hiện chốt trần là 14%/năm; lãi suất cho vay có từ 18% đến hơn 20%/năm
Liên tiếp tăng, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng công cụ lãi suất để góp phần chống lạm phát. Nhưng vẫn có ý kiến trái chiều về hiệu quả của nó với thực tế của nền kinh tế Việt Nam.


Tính đến lần điều chỉnh ngày 31/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần liên tiếp tăng các lãi suất điều hành kể từ đầu năm, với mức độ điều chỉnh mỗi loại khác nhau. Thông điệp chính sách tiền tệ thắt chặt góp phần kiềm chế lạm phát được phát đi rõ ràng, công cụ cụ thể là lãi suất.
Với hoạt động của doanh nghiệp, chi phí vay vốn đang bị đẩy lên cao, trong khi kỳ vọng hạ lãi suất vẫn chưa có tín hiệu và lạm phát vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hồi đầu năm, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước từng nói rằng, khi lạm phát cao xuất hiện, cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thắt chặt là một giải pháp nhằm đánh vào tổng cầu. Lựa chọn thời gian qua và hiện nay là tăng lãi suất, thay vì dự trữ bắt buộc vì tính ảnh hưởng rộng lớn của nó.
Cũng theo thông tin từ đại diện nhà điều hành, khi thực hiện giải pháp trên, có một khó khăn mang tính luận điểm xuất hiện trên thị trường, được cho là một ý thức hệ mới cần được phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng. Đó là “làn gió ngược” khi cho rằng tăng lãi suất lên cao chưa hẳn đã kiềm chế được lạm phát, gắn với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, thậm chí có thể còn truyền dẫn thêm áp lực vào lạm phát…
Trước phản biện này, được biết Ngân hàng Nhà nước đã tham vấn ý kiến của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB). Kết quả là không thấy có đúc kết nào như vậy ở các quốc gia trên thế giới.
Xoay quanh quan điểm phản biện đó, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS. Quách Mạnh Hào, công tác tại Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) và Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Hào cũng là người có những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này công bố trong thời gian gần đây. Và một điểm thú vị là trong nghiên cứu của mình, chính ông Hào đã trích dẫn một nghiên cứu cùng quan điểm với ông được đăng ngay trên Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng Thế giới.
Thưa ông, ở vấn đề trên, việc liên tiếp tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa qua nhằm mục đích kiềm chế lạm phát là có hợp lý không? Và tại sao?

Quả thực rất khó để đánh giá một chính sách kinh tế là hợp lý hay không ngay khi nó được thực hiện bởi trong thực tế điều hành chính sách chúng ta chỉ có thể chọn một trong số nhiều lựa chọn mà kết quả của nó thì chúng ta chỉ có thể biết sau một thời gian và không có cơ hội so sánh với những lựa chọn khác.
Quan điểm của tôi về lựa chọn chính sách lãi suất trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao đã được trình bày trong những nghiên cứu về chủ đề này vào khoảng tháng 11/2010. Trong các bài nghiên cứu, tôi đã đặt ra câu hỏi và trả lời cho 3 vấn đề quan trọng trong mối quan hệ nêu trên.
Trong bài nghiên cứu thứ nhất, tôi đưa ra câu hỏi liệu có đúng chính sách lãi suất cao chống được lạm phát cao - chính là câu hỏi bạn đang hỏi tôi? Câu trả lời của tôi là đúng theo sách nhưng chưa phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Điều đó là vì khi mặt bằng lãi suất cao, tăng thêm lãi suất sẽ làm tăng mức độ rủi ro trong nền kinh tế, tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và dẫn tới đình đốn sản xuất, thất nghiệp. Nếu bạn để ý thì công thức cổ điển “lãi suất cao chống lạm phát cao” được hình thành từ thực nghiệm tại các nước phương Tây, nhưng mặt bằng lãi suất và lạm phát tại các quốc gia đó thường ở mức rất thấp và do vậy mặt bằng lãi suất tăng thêm một chút không dẫn tới việc các doanh nghiệp phải rời bỏ sản xuất.
Nhưng tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất đã ở mức quá cao, nếu áp dụng công thức sách giáo khoa nêu trên thì nguy cơ lạm phát do cầu kéo trở thành lạm phát chi phí đẩy là hiện hữu. Tôi đã gọi điều này là “vòng luẩn quẩn” trong nghiên cứu của mình.
Bên cạnh đó, việc cho vay cá nhân thường chiếm tỷ trọng cao so với cho vay doanh nghiệp tại các quốc gia phương Tây trong khi tại Việt Nam thì ngược lại cũng là một yếu tố chi phối sự hiệu quả của của công thức nêu trên.
Trên thực tế, trong giới nghiên cứu thế giới cũng đã có những bài nghiên cứu về chủ đề tương tự và kết luận thường thấy là trong điều kiện mặt bằng lãi suất cao thì công thức cổ điển là không hiệu quả.
Nhìn lại thực tế Việt Nam thời gian qua có thể thấy rằng Chính phủ đã theo đuổi chính sách ổn định vĩ mô để chống lạm phát và mặt bằng lãi suất thực tế đã tăng lên, lạm phát cũng chưa có dấu hiệu giảm. Theo tôi, còn quá sớm để kết luận về tính hiệu quả của lựa chọn chính sách, nhưng dù thế nào thì tôi cũng nhấn mạnh rằng sẽ không có lựa chọn hoàn hảo.

Vậy theo ông, đâu là một chính sách lãi suất hợp lý đối với Việt Nam ở thời điểm này? Xa hơn, làm sao để hạ được lãi suất?

Câu hỏi của bạn phù hợp với các câu hỏi khác trong các bài nghiên cứu nêu trên của tôi, bao gồm mức lãi suất bao nhiêu là phù hợp và làm thế nào để giảm lãi suất.

Trong các nghiên cứu của mình, tôi có lập luận rằng lý do dẫn tới nguy cơ lạm phát và vòng luẩn quẩn chủ yếu là do năng lực của nền kinh tế thể hiện qua chỉ số ICOR và tỷ suất đầu tư trên tăng trưởng quá cao. Nói cụ thể hơn thì đã có những khu vực không hiệu quả và hiệu quả nhưng lại được đánh đồng như nhau. Do vậy, một cách lý tưởng thì dòng tín dụng phải được khơi thông tới các khu vực sử dụng vốn hiệu quả và hạn chế các khu vực làm ăn không hiệu quả. Còn nếu chúng ta cân nhắc nền kinh tế như là một tổng thể chung thì chính sách lãi suất không nên quá cao hoặc quá thấp.

Tôi cũng đã đưa ra một tính toán cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nền kinh tế Việt Nam khi ổn định vĩ mô đạt được nên nằm trong khoảng 11 - 14% và hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Về việc làm thế nào để giảm lãi suất thì một trong những khuyến nghị trong nghiên cứu của tôi là việc “xóa bỏ trạng thái tiền rẻ” của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn có được do chênh lệch giữa tỷ suất trái phiếu Chính phủ cao hơn lãi suất tái chiết khấu. Những điều chỉnh trong tháng 3/2011 đã đưa mức lãi suất tái chiết khấu cao hơn tỷ suất trái phiếu chính phủ và tôi nghĩ rằng điều này là tốt mặc dù trước đó thì các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã làm thay đổi nhiều các biến số kinh tế khác so với thời điểm tôi nghiên cứu.
Ông có thể nói rõ hơn ở điểm chính sách tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát tại Việt Nam?
Sự lựa chọn chính sách nào cũng có những mặt trái và thực tế thì chúng ta không nên tranh luận về việc chính sách tiền tệ như thế nào là hợp lý nữa. Chính phủ thực tế đã theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt thì tôi nghĩ cần phải thực hiện điều này một cách quyết liệt nhưng có định hướng, tránh tạo cảm giác không chắc chắn cho người tiêu dùng.
Nhìn vào mối quan hệ “dùng công cụ là chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát”, nếu coi lạm phát là “gà” thì chúng ta cần phải khoanh vùng xem “gà” sẽ chạy đến đâu chứ không thể để gà chạy tự do và dùng công cụ tiền tệ để đuổi theo nó.
Lấy một ví dụ khá đơn giản là giá xăng dầu. Khi chúng ta tăng giá xăng dầu thì chúng ta giải thích là vì giá thấp hơn so với các nước láng giềng. Nhưng khi tăng xong rồi chúng ta cũng vẫn nói tăng như thế là vẫn còn thấp hơn thì người dân sẽ nghĩ rằng còn tăng tiếp. Tại sao chúng ta không tăng một lần cho bằng hoặc đơn giản là nói rằng giá vẫn thấp hơn nhưng cam kết không có lần tăng giá nào nữa cho đến cuối năm.
Nếu chúng ta không định hướng người tiêu dùng về việc con gà lạm phát sẽ chạy đến đâu, thì rõ ràng điều này không khác gì để nó chạy tự do và chính sách tiền tệ sẽ liên tục phải đuổi theo nó.

VnEconomy (Thời báo Kinh tế Việt Nam)