Trang tin tức sự kiện
 
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKT khảo sát thực tế tại Lai Châu

Một buổi làm việc của nhóm nghiên cứu với lãnh đạo địa phương
Từ ngày 5 đến 12/10/2014, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu rà soát và đánh giá sự phù hợp, hiệu lực thực thi của các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tại vùng Tây Bắc giai đoạn 2001 - 2015”, thành viên nhóm nghiên cứu đã có chuyến khảo sát thực tế tại Lai Châu.


Mục đích của chuyến khảo sát nhằm thực hiện cuộc phỏng vấn vơi 2 nhóm đối tượng là các cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã - những người thực thi các chương trình mục tiêu quốc gia cùng người dân - đối tượng thụ hưởng trưc tiếp từ các chương trình này nhằm phát hiện những khoảng cách trong việc thiết kế chương trình, quá trình thực hiện và hiệu quả thực thi của các chương trình mục tiêu quốc gia tại Tây Bắc.

Đoàn khảo sát do TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm đề tài dẫn đầu cùng với sự tham gia của ông Lê Viết Thái - Trưởng Ban Nghiên cứu Thể chế Chính sách (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), ông Lê Khả Đấu - Nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc và các thành viên khác của nhóm nghiên cứu.

Sáng ngày 6/10/2014, đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tỉnh Lai Châu. Tại đây, bà Lò Thị Vương - Phó Ban Dân tộc cùng các thành viên khác đã có những trao đổi ý nghĩa về việc thực hiện và các kết quả đạt được của các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai tại Lai Châu. Tỉnh đã có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện và đưa ra các chương trình phù hợp hơn với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh thành công ban đầu thì Ban Chủ nhiệm đề tài cũng nhận được nhiều góp ý quý báu về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại một tỉnh có nhiều điều kiện đặc thù như Lai Châu.

Buổi chiều cùng ngày, các thành viên đoàn khảo sát đã có những buổi trao đổi ngắn với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Sở Kế hoạch & Đầu tư và Chi cục Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về tính phù hợp và hiệu lực thực thi của các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trong những ngày tiếp theo, Ban Chủ nhiệm đề tài lựa chọn hai huyện Tam Đường và Phong Thổ để tiến hành khảo sát. Nếu Tam Đường là địa phương điển hình về thực hiện chương trình nông thôn mới thì Phong Thổ lại là huyện vẫn tồn tại nhiều xã khó khăn. Hai huyện với những điều kiện về kinh tế, văn hóa xã hội khác nhau đã giúp đoàn khảo sát có cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, dễ dàng so sánh, đối chiếu để thấy được nguyên nhân của sự khác biệt này.

Sau những buổi làm việc với ủy ban nhân dân hai huyện Tam Đường và Phong Thổ, đoàn khảo sát đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc trực tiếp với người dân các xã, lắng nghe những mong muốn và nhu cầu thực tế của người dân. Qua ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân tại các xã Bình Lư (xã điểm về thực hiện nông thôn mới), xã Nà Tăm (huyện Tam Đường), xã Mường So, xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ), các thành viên trong đoàn đã từng bước tiếp cận gần hơn với thực tế việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Lai Châu nói riêng và toàn Tây Bắc nói chung. Việc đánh giá tính phù hợp, hiệu lực thực thi các chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ dựa trên lý thuyết mà đã mang tính thực tiễn hơn.

Ngày 12/10, sau một tuần làm việc tích cực, chuyến khảo sát của đoàn đã kết thúc thành công, thu được nhiều kết quả tích cực. Những thu hoạch ban đầu này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên thực tế tại địa phương, giúp Ban Chủ nhiệm đề tài đưa ra được những kiến nghị chính sách phù hợp, góp một phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại Tây Bắc.


Tin: Phan Lan - Thu Hà Ảnh: Hữu Lợi