Trang tin tức sự kiện
 
Giáo dục tài chính thông qua truyện tranh, trò chơi

Các diễn giả đến từ nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới
Tiếp tục nhận lời mời của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Trưởng nhóm nghiên cứu Tài chính cá nhân đã tham dự Hội thảo Trao quyền cho khách hàng tài chính trong kỷ nguyên số (Empowering financial consumers in the digital age) tại Kuala Lumpur, Malaysia vào 2 ngày 11-12/12/2019. Tại đây, TS. Vân tiếp tục đề xuất giáo dục tài chính thông qua truyện tranh và trò chơi.


OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Đức... Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường và rất quan tâm tới lĩnh vực phổ cập tài chính, hiểu biết tài chính, fintech và bảo vệ người tiêu dùng.

 
Giám đốc Bộ phận Doanh nghiệp và Tài chính OECD, Mr.Greg Medgrcraf phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với mục tiêu cung cấp một diễn đàn để thảo luận về các thông lệ tốt trên thế giới nhằm tăng quyền cho khách hàng bằng giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng trong kỷ nguyên số. Hội thảo có các nội dung chính: thảo luận về xu thế phát triển của công nghệ tài chính ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và những phản ứng chính sách của các quốc gia, công bố báo cáo nghiên cứu mới nhất của OECD về tài sản mã hoá và các đánh giá về thái độ, hành vì và kinh nghiệm của khách hàng trong giao dịch số hoá, đồng thời đưa ra bình luận và kinh nghiệm của các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia châu Á. Tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu tới từ 15 quốc gia.

 

 Diễn giả Đinh Thị Thanh Vân tại Hội thảo

TS. Đinh Thị Thanh Vân được mời tham gia trình bày tại sáng ngày thứ 2 của hội thảo về Một số kinh nghiệm giáo dục tài chính tại Việt Nam. Bài trình bày của TS. Vân tập trung chia sẻ thực trạng tài chính toàn diện và fintech tại Việt Nam, đưa ra một số giải pháp trong giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên và người đi làm như thông qua truyện tranh, trò chơi boardgame, chương trình học online mô phỏng, hay phối hợp với các công ty fintech đưa ra các giải pháp công nghệ cho người tiêu dùng tài chính do nhóm nghiên cứu về Tài chính cá nhân của Trường ĐH Kinh tế thực hiện trong thời gian qua. Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam là một nhóm nghiên cứu và đào tạo về tài chính cá nhân do các giảng viên, các nhà hoạt động thực tiễn ở Việt Nam thành lập năm 2015.

 

TS. Đinh Thị Thanh Vân trình bày tại Hội thảo
 TS. là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, thường xuyên tham dự các Hội thảo quốc tế trên thế giới

Bài trình bày của TS. Vân đã nhận được rất nhiều câu hỏi, đánh giá cao từ các khách mời tham dự hội thảo. Các đại biểu tới từ các quốc gia như Cambodia, Lào, Vanuatu, Hong Kong... có rất nhiều câu hỏi về các chương trình giảng dạy và các công cụ sử dụng trong giáo dục tài chính của nhóm để học tập áp dụng tại các nước của họ.

   
 Một số sáng kiến giảng dạy tài chính cá nhân của nhóm nghiên cứu: boardgame, tạp chí, sách giáo khoa cho học sinh

Đây là lần thứ 2 Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) mời TS. Vân chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục tài chính ở chuỗi hội thảo của mình sau Hội thảo OECD kết hợp với Ngân hàng trung ương Cambodia vào tháng 11/2019 vừa qua. Điều này cho thấy, các nghiên cứu và phương pháp giảng dạy tài chính của nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế được các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá tốt và muốn lan toả. Tham dự các hội thảo của OECD là cơ hội để giảng viên của Trường ĐH Kinh tế được tiếp xúc và làm việc với các chuyên gia hàng đầu về giáo dục tài chính trên thế giới và đẩy mạnh hoạt động của nhóm nghiên cứu về Tài chính cá nhân của Trường ĐH Kinh tế lan toả trong cộng đồng quốc tế trong thời gian tới.

 

Duy Khánh