Trang tin tức sự kiện
 
Chia sẻ kinh nghiệm để cùng tiến

Buổi chia sẻ có ý nghĩa rất quan trọng đối với những ai đang ấp ủ dự định viết bài báo khoa học
Đối với giảng viên đại học, công việc giảng dạy luôn đi cùng với nghiên cứu, sản phẩm của nghiên cứu chủ yếu là các bài báo quốc tế. Vì vậy, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm để cùng tiến, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo quốc tế ngày 27/10 và 30/10 do 2 giảng viên có rất nhiều bài báo trên tạp chí ISI và Scopus là TS. Trần Quang Tuyến và TS. Vũ Văn Hưởng làm diễn giả.


Buổi chia sẻ kinh nghiệm thu hút hơn 50 giảng viên trong trường, đa phần là các giảng viên đang học nghiên cứu sinh, rất khát khao có bài báo quốc tế trên tạp chí khoa học để khẳng định mình.

Mở đầu lbuổi chia sẻ, TS. Hoàng Khắc Lịch - Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự cho biết, ĐHKT là trường đại học có số lượng bài báo quốc tế công bố hàng năm lớn nhất cả nước tính trên đầu người. Nhằm tiếp tục khẳng định và phát huy thương hiệu trong nghiên cứu, ĐHKT tổ chức các buổi chia sẻ về kinh nghiệm viết bài báo quốc tê để các giảng viên giúp nhau viết được nhiều bài báo khoa học hơn nữa vừa là giúp giảng viên tạo dựng được uy tín cá nhân vừa nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu của Nhà trường. Hai chuyên gia được mời hôm nay là TS. Trần Quang Tuyến và TS. Vũ Văn Hưởng, hai giảng viên có rất nhiều bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín và có phương pháp nghiên cứu rất độc đáo, khác lạ. Hy vọng rằng, các giảng viên ngồi đây sẽ nắm bắt được kinh nghiệm mà TS. Trần Quang Tuyến và TS. Vũ Văn Hưởng chia sẻ và biết đâu các buổi chia sẻ sau này lại do chính các bạn làm diễn giả.

 TS. Hoàng Khắc Lịch phát biểu chào mừng các giảng viên, nghiên cứu sinh tham gia buổi chia sẻ

Sau đó, TS. Trần Quang Tuyến đã chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo quốc tế của mình trong suốt gần 20 năm làm khoa học. Theo TS. Trần Quang Tuyến để có một bài nghiên cứu khoa học tốt trước tiên phải biết chọn tài liệu tốt, xử lý và sắp xếp tài liệu hợp lý. Đặc biêt là số liệu cần phải lấy từ các nguồn chính thống và mới nhất, tác giả cũng cần thành thạo các ứng dụng, công cụ phân tích dữ liệu. Ông cũng cho biết, để viết một bài báo quốc tế dĩ nhiên phải thành thạo ngoại ngữ để tìm đọc tài liệu, đọc các bài báo quốc tế do các học giả trên thế giới để nắm được chủ đề, xu hướng, bố cục một bài báo. Ngoài ra, tác giả nên mở rộng mối quan hệ với các giáo sư quốc tế, họ sẽ là người trực tiếp hướng dẫn và góp ý cho bạn xây dựng một bài báo tốt.

 TS. Trần Quang Tuyến chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo quốc tế

Sau phần chia sẻ của TS. Trần Quang Tuyến, TS. Vũ Văn Hưởng - giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển cũng đã chia sẻ ý nghĩa “Để đảm bảo cho sự thành công và chất lượng của nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần có được bộ dữ liệu được kết cấu và các thông tin cần thiết. Với các bộ dữ liệu thứ cấp có quy mô lớn (mức sống dân cư, điều tra doanh nghiệp…) được thu thập bởi các tổ chức uy tín, nhà nghiên cứu có thể truy xuất và biên tập dữ liệu phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Do vậy, việc học tập kiến thức và kỹ năng cần thiết để khai thác và sử dụng có hiệu quả các bộ dữ liệu thứ cấp trở thành nhu cầu cấp thiết cho các nhà nghiên cứu.”

 TS. Vũ Văn Hưởng được biết đến là chuyên gia trong lĩnh vực phân tích, thống kê dữ liệu

Buổi chia sẻ được tổ chức 2 lần, hai diễn giả đã cung cấp gần như toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn của mình suốt gần 20 năm làm khoa học. Với những chia sẻ hết sức cần thiết đó, cộng với sự nhiệt tình các giảng viên, nghiên cứu sinh đã được tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin để viết bài báo quốc tế, chinh phục con đường khoa học đầy thử thách nhưng cũng không ít sự tự hào phía trước.

 
 
 

Văn Công