Trang tin tức sự kiện
 
Khoa Kinh tế phát triển: Nơi ươm mầm say mê và vun đắp thành công nghiên cứu khoa học cho sinh viên

Ngày 19/5/2018, tại hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Kinh tế, nhóm nghiên cứu“Tác động của toàn cầu hóa đến chất lượng cuộc sống của các nước đang phát triển” do các sinh viên Lê Thị Lý, Trương Thị Mỹ Linh, Hà Tiên QH2015-E-KTPT LK thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Bùi Đại Dũng đã giành giải Nhất nghiên cứu khoa học Sinh viên cấp Trường.


Đây là năm học thứ 3 liên tiếp sinh viên Khoa Kinh tế phát triển vinh dự dành được giải thưởng này.
Hoạt động nghiên cứu khoa học mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên và đây được coi một trong những hoạt động quan trọng nhất của sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN nói chung, Khoa Kinh tế phát triển nói riêng. Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên củng cố, tổng hợp, phát triển các kiến thức của ngành học mà còn giúp các em rèn luyện, phát huy được năng lực tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, khả năng làm việc theo nhóm, các kỹ năng làm việc, kỹ năng thuyết trình,….Thực tế, ngay từ những ngày đầu thành lập, Khoa Kinh tế phát triển đã rất chú trọng đến phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Nơi nuôi dưỡng sự say mê

Là khoa định hướng nghiên cứu, do đó, bên cạnh học tập, Khoa KTPT cũng trang bị cho sinh viên những nền tảng nghiên cứu căn bản với những học phần về kinh tế học, phương pháp nghiên cứu,…Đến năm học thứ 3, sinh viên sẽ được khuyến khích ứng dụng những kiến thức này vào thực tiễn nghiên cứu một chủ đề cụ thể. Năm thứ 4, các bạn thực sự áp dụng kỹ năng nghiên cứu cho việc làm khóa luận tốt nghiệp. Nói một cách khác, kỹ năng nghiên cứu sẽ xuyên suốt toàn bộ chương trình cử nhân Kinh tế phát triển.

Hàng năm, thực hiện theo kế hoạch chung của Nhà Trường, Khoa Kinh tế phát triển đều tổ chức 1 buổi định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên với sự có mặt của Ban chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm các bộ môn nhằm cung cấp thông tin, hướng nghiên cứu của giảng viên. Tại buổi định hướng, các giảng viên sẽ tận tình giải đáp các băn khoăn, thắc mắc cho sinh viên đồng thời sẽ có những gợi mở chi tiết cho từng đề tài và sẵn sàng cung cấp tài liệu, số liệu phục vụ nghiên cứu cho sinh viên. Những buổi gặp gỡ như vậy nhằm tiếp thêm nguồn động lực, đưa sinh viên đến gần hơn với NCKH. Sinh viên sẽ không chỉ được tư vấn, định hướng nghiên cứu bởi các giảng viên trong Khoa mà còn được giao lưu, học hỏi với các sinh viên khác có chung đam mê làm NCKH.

Theo TS. Bùi Đại Dũng: “Khi nghiên cứu khoa học, nhiều nhóm sinh viên vẫn còn thiếu tính chủ động, thiếu mục tiêu và kế hoạch cụ thể, điều này khiến cho các em gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, dẫn tới đề tài nghiên cứu có chất lượng không cao. Khi bắt tay vào nghiên cứu, sinh viên cần thiết phải có sự đam mê, sự đầu tư và tinh thần làm việc nghiêm túc. Vai trò quan trọng nhất của chúng tôi có lẽ là khơi dậy được niềm say mê đó của các em”.

Tăng cường trải nghiệm trong môi trường nghiên cứu thực tế thông qua các đề tài, dự án, hội nghị, hội thảo; các đợt thực tập, thực tế; các hoạt động đoàn/hội gắn với nghiên cứu

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ/ định hướng, Khoa Kinh tế phát triển cũng tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi với sự tham dự/ hỗ trợ/ cộng tác của sinh viên. Hoạt động này ngoài việc tạo cơ hội cho sinh viên được tham gia vào nghiên cứu, cũng đồng thời cung cấp, trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn; sinh viên được giao lưu với những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực, những người thành công trong học tập và nghiên cứu; từ đó thắp sáng ước mơ, hoài bão trong sinh viên.

Đặc biệt hơn, sinh viên có thể tham gia nghiên cứu cá nhân; tham gia viết bài trong Chuyên san Phát triển bền vững (chuyên san nghiên cứu của sinh viên khoa); tham gia vào các nhóm nghiên cứu, các đề tài/dự án của giảng viên. “Việc tham gia các hoạt động chuyên môn cùng giảng viên của Khoa là cơ hội để chúng em rèn luyện kỹ năng chuyên môn, áp dụng các kiến thức được học trong trường vào thực tiễn, đây cũng là kinh nghiệm quý báu để nâng cao cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên môn sau khi tốt nghiệp” (Nguyễn Thị Thiện, lớp QH2014-E-KTPT, giải Nhất NCKH cấp Trường 2016-2017)

Ngoài ra, Khoa phối hợp với Liên chi đoàn Khoa Kinh tế phát triển, Đoàn thanh niên Trường ĐHKT cũng tổ chức thường xuyên các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn cho sinh viên gắn với nghiên cứu khoa học. Gần đây nhất là chương trình “Đỉnh cao tranh biện”. Chương trình nhận được sự tham gia đông đảo của sinh viên không chỉ ở Trường Đại học Kinh tế mà còn của Sinh viên các trường khác trên địa bàn Hà Nội.

Tạo nền tảng giao thoa và có tính chất liên ngành, quy tụ được các nhóm nghiên cứu liên khoa hoặc sinh viên ở các chương trình liên kết

Với định hướng đào tạo liên ngành, các hoạt động nghiên cứu của Khoa thu hút, quy tụ được các nhóm nghiên cứu liên khoa hoặc các sinh viên ở các chương trình liên kết. Những kết quả đạt được trong những năm gần đây đã cho thấy rằng, việc quan tâm và thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu trong sinh viên của Khoa Kinh tế phát triển đã có sức lan tỏa và tạo ra những thành công đáng kể. Những năm tiếp theo, Khoa vẫn sẽ tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa đến hoạt động nghiên cứu khoa học của các em sinh viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em nghiên cứu khoa học gắn với học tập và kể cả là khởi nghiệp sau này. Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng có thể phát triển thành khóa luận tốt nghiệp có chất lượng tốt, các đề tài khoa học cấp ĐHQGHN, cấp Nhà nước và có nhiều ứng dụng trong thực tế.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển nhận định: “Hoạt động nghiên cứu khoa học nếu được triển khai tốt, không chỉ giúp sinh viên hăng hái, hứng thú hơn trong học tập mà còn giúp các em thêm tự tin, vững vàng và có bước chuẩn bị tốt cho công việc sau khi ra trường. Bởi với bất kỳ loại hình công việc nào, các bạn cũng cần có được kỹ năng tìm kiếm thông tin và xử lý thông tin nhanh gọn và chính xác, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề,... Những kỹ năng này sẽ được tạo dựng bài bản thông qua quá trình thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc”.

Thầy Chủ nhiệm khoa cũng cho biết thêm, Khoa KTPT dự định sẽ đẩy mạnh hơn phong trào nghiên cứu khoa học trong cộng đồng sinh viên thông qua việc củng cố, mở rộng các kênh thông tin thường xuyên và mạnh mẽ hơn nhằm tiếp thêm động lực và niềm yêu thích nghiên cứu khoa học cho sinh viên, mang nghiên cứu khoa học đến gần hơn với các em.

Tóm tắt thành tích nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Sinh viên Khoa KTPT (2012-2018):

- Năm học 2017-2018, đề tài “Tác động của toàn cầu hóa đến chất lượng cuộc sống của các nước đang phát triển”, Giải Nhất cấp Trường Đại học Kinh tế, chuẩn bị tham dự hội nghị cấp ĐHQGHN

- Năm học 2016-2017, đề tài “Lượng giá giá trị rừng ngập mặn Vườn Quốc Gia Xuân Thủy trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Giải Nhất cấp Trường Đại học Kinh tế, Giải Nhất cấp ĐHQGHN

- Năm học 2015-2016, đề tài “Xây dựng mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn tích hợp để đánh giá và phân nhóm nhà cung cấp xanh”, Giải Nhất cấp Trường Đại học Kinh tế, Giải Nhất cấp ĐHQGHN, Giải Nhì NCKHSV Toàn quốc.

- Năm học 2012-2013, đề tài “Tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng cho sinh kế chính của người dân vùng ven biển thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định”, Giải Nhất cấp Trường Đại học Kinh tế, Giải Nhì cấp ĐHQGHN.

Hoa Hạnh - Khoa KTPT