New Nghien Cuu
 Search

Ảnh hưởng của sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) tới hình thức đầu tư mới trong FDI: Phân tích từ cấp độ ngành

FDI đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế bởi nó mở rộng cho các nền kinh tế về vốn, kỹ năng và sự đổi mới cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra nguồn vốn FDI được chuyển qua các GVC thậm chí còn mang lại nhiều tiềm năng hơn nữa trong việc chuyển đổi các nền kinh tế đang phát triển thành các trung tâm định hướng sản xuất.


FDI đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế bởi nó mở rộng cho các nền kinh tế về vốn, kỹ năng và sự đổi mới cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra nguồn vốn FDI được chuyển qua các GVC thậm chí còn mang lại nhiều tiềm năng hơn nữa trong việc chuyển đổi các nền kinh tế đang phát triển thành các trung tâm định hướng sản xuất. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, sự tham gia vào GVC có ý nghĩa như thế nào tới sự gia tăng của FDI vào quốc gia vẫn là chủ đề rất hạn chế cả về số lượng công trình và kết quả nghiên cứu. Do đó, webinar quốc tế “The Effect of GVC Participation on Greenfield FDI: An Industry-level Analysis” do Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế phối hợp với Phòng Tạp chí Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức vào chiều ngày 26/07/2022 đã đóng góp vào việc xây dựng nền tảng ban đầu cho khía cạnh nghiên cứu này.

Diễn giả chính của webinar là GS.Craig Robert Parsons đến từ Khoa Kinh tế - Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản. Ông là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm cả về học thuật lẫn thực tiễn. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là kinh tế học quốc tế thực nghiệm. Ông nhận bằng Tiến sĩ ở Đại học Hawaii tại Manoa. Ngoài ra, hiện ông là Tổng Biên tập của Asian Economic Journal, tham gia tích cực vào Hiệp hội Kinh tế Đông Á và là thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh - Trường ĐHKT.

 

Hình ảnh webinar “The Effect of GVC Participation on Greenfield FDI: An Industry-level Analysis”

 

Mối quan hệ giữa GVC và FDI đã luôn được công nhận từ lâu. Tại webinar, GS. Parsons đã đưa ra hai câu hỏi trọng điểm cần giải quyết trong công trình nghiên cứu của ông và cộng sự, đó là: (i) Sự tăng cường tham gia vào GVC có làm gia tăng dòng vốn FDI hay không?; (ii) Nếu nhận định trên là đúng, thì nó sẽ phù hợp với ngành nào?

GVC được hiểu là một “chuỗi các hoạt động mà doanh nghiệp và người lao động thực hiện để đưa một sản phẩm từ khi hình thành ý tưởng đến mục đích sử dụng cuối cùng và hơn thế nữa. Các hoạt động bao gồm nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng cuối cùng, trong bối cảnh toàn cầu hóa thì các hoạt động của chuỗi giá trị chủ yếu sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn cầu” (Ponte và cộng sự, 2019). Sự tham gia vào GVC, đặc biệt ở cấp độ quốc gia/ngành, được định nghĩa là sự tham gia vào mối liên kết trước và mối liên kết sau trong chuỗi giá trị. Trong đó, sự tham gia vào mối liên kết trước đại diện cho hoạt động xuất khẩu giá trị gia tăng ra nước ngoài và được tiếp tục xuất khẩu sang nước thứ ba. Ví dụ như việc Botswana xuất khẩu kim cương thô ra nước ngoài phục vụ cho sản xuất ngành công nghiệp kim cương thế giới. Trong khi đó, sự tham gia vào mối liên kết sau đại diện cho hoạt động nhập khẩu giá trị gia tăng từ nước ngoài phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu trong nước. Ví dụ minh họa đó là việc Trung Quốc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất iPhone tại quốc gia này. 

Dựa trên dữ liệu thu thập trong giai đoạn 2005-2015 của 15 ngành công nghiệp tại 64 quốc gia nước sở tại và 88 nước chủ nhà, GS. Parsons và cộng sự đã chỉ ra rằng nhìn chung sự tham gia vào GVC, ở cả mối liên kết trước và sau, đều có thể có mối quan hệ thuận chiều với dòng vốn FDI. Nghĩa là quốc gia/ngành càng tham gia nhiều hơn vào GVC ở cả liên kết trước và sau thì dòng vốn FDI đầu tư vào quốc gia/ngành đó sẽ càng gia tăng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng giữa các ngành và các khu vực khác nhau. Đối với ngành công nghiệp kim loại, sự tham gia GVC có tác động mở rộng FDI mạnh mẽ nhưng với ngành công nghiệp điện tử thì lại chưa có bằng chứng cho thấy tác động này. Sự tham gia GVC cũng giúp mở rộng FDI trong một số ngành như ngành cao su và nhựa, ngành kim loại chế tạo, ngành hóa học, các sản phẩm làm từ giấy, ẩm thực… Trong khi đó, một số ngành như dệt may, gỗ, công nghiệp ô tô… lại thể hiện tác động ngược chiều giữa sự tham gia GVC và FDI ở hình thức đầu tư mới. 

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, GS. Parsons đã đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm giúp các quốc gia thúc đẩy tham gia vào GVC, từ đó mở rộng thu hút FDI.

Thứ nhất, nếu quốc gia tham gia chủ yếu vào các phân khúc phía sau của dây chuyền sản xuất quốc tế, đặc biệt trong ngành công nghiệp kim loại và ngành cao su và nhựa, thì quốc gia này nên chú trọng vào việc cải thiện và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và môi trường luật pháp nhằm thu hút nhiều FDI hơn và tạo thuận lợi cho việc tích hợp sâu hơn vào GVC. 

Thứ hai, việc mở rộng sự tham gia GVC để thúc đẩy FDI sẽ phù hợp hơn tại khu vực châu Âu, Trung Á, Đông Á và Bắc Mỹ; trước mắt sẽ ít ứng dụng hơn ở Nam Á và châu Phi. Tuy nhiên, các khu vực như Nam Á và châu Phi có thể sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới, tham gia sâu và rộng hơn vào GVC, từ đó có thể thu hút nhiều FDI hơn.

Thứ ba, thu hút FDI trong ngành máy móc và thiết bị dường như không phụ thuộc vào việc tham gia GVC mà ngược lại, FDI trong ngành này thúc đẩy các quốc gia tham gia GVC. Do đó, với các quốc gia này, để thu hút FDI, các quốc gia cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng lao động và thể chế. 

Thứ tư, đối với Việt Nam, quốc gia này đóng vai trò khá tích cực trong mạng lưới sản xuất quốc tế của rất nhiều lĩnh vực trên thế giới, cho thấy Việt Nam đang ngày càng nỗ lực thúc đẩy cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, khi Việt Nam đã khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế, trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng điện tử toàn cầu. Có thể nói, ngành công nghiệp điện tử là một ngành trọng điểm trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Một trong những yếu tố có thể làm nên thành công của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đó là sự đóng góp mạnh mẽ từ khu vực FDI. Rất nhiều tập đoàn điện tử hàng đầu như Samsung, Pageon, Foxconn, LG, Intel… đã định vị Việt Nam là nơi sản xuất trọng yếu trong hoạt động kinh doanh quốc tế của họ. Bởi lẽ đó, sự tác động của FDI tới sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị điện tử toàn cầu khá rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có thể thấy, khi Việt Nam tham gia càng tích cực vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp điện tử thì lại càng có nhiều doanh nghiệp FDI tiếp cận và đặt trụ sở tại đây. Do đó, mối quan hệ ngược lại, đó là sự tham gia vào chuỗi giá trị điện tử toàn cầu có thể cũng tác động không nhỏ tới thu hút FDI vào Việt Nam. Điều này có thể chưa phù hợp với kết quả mô hình của GS. Parsons và cộng sự, tuy nhiên, cần có những nghiên cứu sâu hơn cho Việt Nam để thấy rõ hơn mối quan hệ này. Với Việt Nam, để mở rộng sự tham gia vào GVC nói chung, điều quan trọng là cần nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, giảm các hàng rào thương mại, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa và phát triển các hoạt động R&D.



FullName Email
Address Security code RIZKPT
Content