Hoạt động thương mại điện tử đã và đang tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu. Thương mại điện tử cũng là kênh tiêu thụ hàng hóa hiện đại, phục vụ đời sống người tiêu dùng một cách hiệu quả. Với nền kinh tế đang phát triển và dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử phát triển.
Nó ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những thách thức đặt ra đối với các hoạt động mua bán truyền thống càng làm rõ hơn vai trò của thương mại điện tử. Với tầm quan trọng đó, Webinar quốc tế với chủ đề “Thương mại điện tử của ASEAN trong đại dịch COVID-19 và tương lai: Góc nhìn và bài học từ các doanh nghiệp” (ASEAN’s E-Commerce During the COVID-19 Pandemic and Beyond: Perspectives and Lessons from Enterprises) được Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức vào ngày 22/9/2021 đã cung cấp cơ hội cho các nhà nghiên cứu kinh tế, nhà quản lý doanh nghiệp, các giảng viên, chuyên gia và người học cùng trao đổi quan điểm và kinh nghiệm khắc phục khó khăn đối với hoạt động thương mại quốc tế của ASEAN trong đại dịch COVID-19, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp thương mại điện tử và các nước ASEAN nắm bắt cơ hội trong giai đoạn hậu COVID-19.
Khai mạc Webninar, TS. Vũ Thanh Hương nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ hành vi của người tiêu dùng. Do các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho việc mua trực tiếp tại các trung tâm mua sắm, siêu thị và cửa hàng trở nên khó khăn. Chính vì thế, người tiêu dùng có xu hướng chuyển mạnh sang mua sắm trực tuyến, từ đó đẩy tỷ trọng thương mại điện tử trong bán lẻ toàn cầu tăng từ 14% năm 2019 lên khoảng 17% năm 2020 và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bối cảnh này càng tạo thêm áp lực cho các công ty và quốc gia ASEAN trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, số hóa nền kinh tế và phát triển thương mại điện tử.
Tiếp cận dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, diễn giả - TS. Atty Rami Amer Hourani, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Phillipines, Chủ tịch của Liên hiệp PhilExport - Cebu phân tích chủ đề “Ngành bán lẻ trong đại dịch COVID-19” với case-study của hai doanh nghiệp bán lẻ có quy mô khác nhau ứng dụng thương mại điện tử để vượt qua đại dịch COVID-19. Ông đã chỉ ra những khó khăn mà các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vửa (MSMEs) trong ngành bán lẻ đang phải đối mặt như: Các quy định kinh doanh thay đổi thường xuyên, môi trường xã hội căng thẳng vì có nhiều bất đồng về cách ứng phó với đại dịch, tình hình kinh doanh khó khăn do sức mua giảm, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu... Trong bối cảnh đó, việc áp dụng thương mại điện tử để ứng phó với những khó khăn mà đại dịch COVID-19 mang lại càng trở nên quan trọng với các công ty bán lẻ ở các cấp độ quy mô khác nhau. Trường hợp đầu tiên là công ty Art N’ Nature Mfg - một doanh nghiệp có trên 40 năm kinh nghiệm trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Âu Mỹ. Để ứng phó với tình hình giãn cách xã hội, công ty đã chủ động đàm phán với Chính phủ Phillipines, tìm hiểu các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, sử dụng mô hình kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử nhằm giúp giảm thiểu chi phí vận hành thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến, hệ thống kế toán QuickBooks… Điều này giúp tiết kiệm chi phí trong việc quản lý nhân sự cũng như trao đổi thông tin hiệu quả hơn giữa nhân viên ở các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Đối với trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ như công ty khởi nghiệp Balik Balik với những hạn chế về mặt nhân sự và công nghệ, công ty đã sử dụng mạng xã hội để phân phối sản phẩm như Twitter, Instagram và Facebook cũng như xây dựng hệ thống đánh giá và phản hồi khách hàng trong khu vực tiềm năng, quản lý hệ thống đơn hàng qua ứng dụng văn bản trực tuyến… Đây được coi là những giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ duy trì hoạt động sản xuất, vận hành và tiếp cận thị trường trong đại dịch COVID-19.
Trước tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn nghiêm trọng ở Philippines nói riêng và các nước ASEAN nói chung, việc các doanh nghiệp đã ứng dụng thương mại điện tử với nhiều mô hình đa dạng sẽ giúp đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế sau đại dịch cho các quốc gia. Với việc tạo dựng chuỗi cung ứng theo hướng xuyên biên giới như vậy cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử; từ đó khuyến khích việc số hóa nền kinh tế tại các quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng nhiều công ty thương mại điện tử ở ASEAN, chẳng hạn như Shopee, Lazada… có công ty mẹ đặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty Trung Quốc đang gặp phải một số khủng hoảng và khó khăn trong tài chính. Vấn đề này đang trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc, nhưng lại cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử tại ASEAN khi mà các đơn hàng đang dần dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Các doanh nghiệp ASEAN và cụ thể là Việt Nam nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để nắm bắt tốt cơ hội này.
Với chủ đề “Góc nhìn về bối cảnh thương mại điện tử tại Việt Nam và doanh nghiệp thương mại điện tử Ba Lan tại Việt Nam”, ông Piotr Harasimowicz - Trưởng đại diện Văn phòng Ngoại thương, Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại Việt Nam đã mang đến cái nhìn toàn diện và sâu sắc về hoạt động thương mại điện tử. Ông đã đưa ra đánh giá tổng quan về tình hình các thị trường thương mại điện tử trong khối ASEAN cũng như tại Việt Nam. Những doanh nghiệp hoạt động tích cực nhất cũng như được quan tâm nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử tại ASEAN và Việt Nam có thể kể đến như Shopee, Lazada, Tokopedia, Tiki… Thông qua phân tích các hoạt động thương mại điện tử nổi bật cũng như các điều kiện và ảnh hưởng của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, những tiềm năng và cơ hội của doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp Ba Lan khi đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử đã được nhận diện. Một trong những dự án kinh doanh nổi bật của Ba Lan trong lĩnh vực thương mại điện tử đã được triển khai tại ASEAN là https://polishfood.hk/ - trang thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao của Ba Lan tại Hồng Kông và ASEAN. Bên cạnh đó, Bộ Phát triển Kinh tế, Lao động và Công nghệ Ba Lan cùng với Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan đang trong quá trình thảo luận với Lazada để xây dựng Gian hàng Ba Lan trên Lazada Việt Nam, Tiki.vn và Sendo, đồng thời cung cấp chương trình trao đổi cho người bán Việt Nam trên cổng thông tin Ba Lan Allegro.pl. Buy2Sell Việt Nam đã giới thiệu nhiều lời đề nghị hợp tác với các công ty mỹ phẩm tại Ba Lan có mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam. Trước những cơ hội lớn đang có, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt khả năng kết nối và hợp tác kinh doanh cùng các doanh nghiệp Ba Lan trong lĩnh vực thương mại điện tử. Với nền tảng là mối quan hê thương mại bền chặt giữa Việt Nam và Ba Lan, hiện Ba Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của hàng hóa Việt Nam trong EU. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan lớn và ẩm thực Việt Nam ngày càng phổ biến ở Ba Lan nói riêng cũng như toàn bộ EU. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm xúc tiến hoạt động kinh doanh tại thị trường Ba Lan thông qua các hoạt động thương mại điện tử.
Đối với Việt Nam, đây là một trong những nền kinh tế phát triển Internet nhanh nhất trong khu vực. Thị trường thương mại điện tử hiện đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thị trường thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vừa giao dịch được với khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch. Trong năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thậm chí đạt được một số kết quả nổi bật trong một số lĩnh vực như bán lẻ trực tuyến, đặt xe, giao đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến và đào tạo trực tuyến... Nhưng Việt Nam còn một chặng đường dài phía trước để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, góp phần phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Trong khuôn khổ buổi Webinar, một số khuyến nghị đã được rút ra cho nhà nước và doanh nghiệp nói chung và tại Việt Nam nói riêng để vượt qua khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 và tận dụng các cơ hội phát triển.
Đối với các quốc gia ASEAN mà trọng tâm là Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý và thực thi hiệu quả các chính sách thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, số hóa việc thu thuế cũng là giải pháp cần thiết, cần được thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả. Thương mại điện tử là một lĩnh vực rất đặc thù, là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý gắn với thực tiễn, cần sửa đổi và cải thiện các luật liên quan đến thương mại điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong thanh toán (Fintech). Chính phủ Việt Nam cũng cần xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp trong việc hoàn thiện nền tảng đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử; bởi đây là điều cần thiết để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hiện nay, Việt Nam cần có các ưu đãi phù hợp để thu hút FDI vào các lĩnh vực thương mại điện tử hoặc các ngành liên quan đến số hóa. Cần đẩy mạnh việc phổ biến thông tin về luật pháp và các quy định của Việt Nam, môi trường kinh doanh và văn hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng cần tận dụng lợi thế từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… để thúc đẩy thương mại điện tử và đầu tư xuyên biên giới.
Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp cần hành động nhanh trong việc ứng dụng công nghệ số và luôn có phương án dự phòng trong việc duy trì sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng để chủ động trong mọi tình huống. Để khắc phục các khó khăn và tận dụng các cơ hội trong bối cảnh nhiều biến động, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần linh hoạt và chủ động trong các chiến lược kinh doanh và chiến thuật hoạt động. Việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu khách hàng là rất cần thiết để có thể kết nối tốt hơn và hiệu quả hơn với khách hàng, khiến khách hàng cũ quay lại và dễ dàng tiếp cận khách hàng mới. Việc áp dụng thương mại điện tử cần hợp lý để có thể giúp giảm chi phí trong bối cảnh chi phí logistic tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng thương mại điện tử vào kinh doanh là giải pháp hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải xem xét mức độ phù hợp của nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Shopee, Lazada… cũng như các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… để chọn loại nền tảng thương mại điện tử thích hợp nhất với doanh nghiệp của mình thông qua việc xét các yếu tố như chi phí và lợi ích, an ninh, bảo mật… Cuối cùng, các doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử nên tạo dựng chiến lược quốc tế hoá, có tư duy toàn cầu hóa để có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Luôn tồn tại cơ hội trong mọi tình huống, ngay cả những tình huống xấu nhất. “Tình huống xấu” là đại dịch COVID-19 có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, nhưng các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt được những cơ hội tốt để mở rộng sản xuất và xuất khẩu thông qua việc ứng dụng nền tảng thương mại điện tử trong các hoạt động kinh doanh. Dưới sức ép đẩy mạnh số hóa, các quốc gia cũng sẽ tích cực và năng động hơn để đổi mới nền kinh tế của mình. Thời gian khủng hoảng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cả quốc gia nhận thức rõ và loại bỏ quan niệm cũ không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thương mại điện tử chính là chìa khóa để Việt Nam và các doanh nghiệp cải tiến cách thức vận hành, thúc đẩy các doanh nghiệp vươn mình phát triển trong tương lai và tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 như Việt Nam đã đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
-----------
Các thông tin khác:
| Tiến sĩ Atty. Rami Amer G. Hourani là người sáng lập Văn phòng luật sư Hourani, Phó Chủ tịch của công ty Art N ’Nature Mfg, Chủ tịch của Liên hiệp PhilExport Cebu và là Giáo sư tại Trường Đại học Luật - Đại học Cebu. Ngoài ra, ông còn giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mạng lưới Giám sát và Vận động Lập pháp của Hội đồng Phát triển Xuất khẩu Philippines, là nhà tư vấn cho Liên đoàn Người sử dụng lao động Philippines, Phòng Thương mại Philippines và Trung tâm Đào tạo của Tổ chức Lao động Quốc tế. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Luật tại Đại học Luật Ateneo de Manila vào năm 2017. Ngoài ra, ông còn có bằng Cử nhân Khoa học về Quản lý Kinh doanh với chuyên ngành phụ là Văn học Anh và Phát triển Doanh nghiệp vào năm 2013. |
| Ông Piotr (Peter) Harasimowicz là Trưởng đại diện Văn phòng Ngoại Thương, Phòng Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại Việt Nam. Ông là một nhà quản lý với hơn 20 năm kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực hóa chất, dược phẩm và thực phẩm tại Đông Nam Á. Trong quá trình hoạt động chuyên môn của mình, ông từng giữ chức vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như giám đốc điều hành tại công ty TNHH Minh Sơn Health, Giám đốc kinh doanh và phát triển kinh doanh tại công ty IMS Health. Ông cũng từng phụ trách quản lý bộ phận phân tích kinh doanh tại công ty Asia-Pacific và đạt giải thưởng Giám đốc kinh doanh xuất sắc tại công ty Abbott Laboratories. Ngoài ra, ông điều hành một số hoạt động tư vấn và đầu tư độc lập, thành viên ban giám sát của các tổ chức như Phòng Thương mại Châu Âu và thành viên Ban chấp hành Phòng Thương mại Trung và Đông Âu tại Việt Nam. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ và nghiên cứu kỹ thuật tại Đại học Hàng hải Gdynia. |