New Nghien Cuu
 Search

Đánh giá tác động một năm thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các gợi ý chính sách

Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020 trong bối cảnh đặc biệt, khi mà cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19. Với những cam kết mạnh mẽ trong việc mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; giúp đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông, thủy sản. giá một năm thực hiện EVFTA. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sau 1 năm thực thi bên cạnh những thành quả thấy rõ cũng đã gợi cho các cơ quản quản lý và doanh nghiệp nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là những thách thức để tận dụng tối đa những cơ hội mà EVFTA mang lại, đồng thời tạo thêm động lực cho cải cách.


Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 39,8 tỷ USD tính đến ngày 31/07/2021, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn có những cải thiện nhất định sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi trị giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU như điện thoại - linh kiện, hàng dệt may đều giảm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,75 tỷ USD. Mức tăng trưởng này nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế EU trong quý II/2021. Đồng thời, tác động của việc giảm thuế quan đối với các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường EU giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng được hưởng lợi từ EVFTA. Một số ngành được miễn gần như toàn bộ thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU có mức tăng trưởng mạnh như các mặt hàng sắt - thép và các sản phẩm từ nhựa hoặc cao su. Riêng đối với mặt hàng sắt thép, ngoài việc hưởng lợi từ giảm thuế suất với việc giá sắt nguyên liệu tăng đã khiến cho giá thép thành phẩm tăng gần gấp đôi trong năm vừa qua cũng khiến cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất từ Ailen (chủ yếu là máy vi tính và sản phẩm điện tử).

Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý vấn đề thực thi pháp luật, nhất là trong lĩnh vực: sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động và vấn đề bảo vệ môi trường. Việt Nam hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN cũng như thách thức cạnh tranh trong tương lai khi mà EU đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Phòng vệ thương mại dù muốn hay không cũng sẽ gia tăng những năm tới đây của EVFTA. Những gì được gọi là “quả ngọt” trong năm đầu tiên của EVFTA phần lớn mới chỉ là quả dưới gốc trong khi quả trên cây còn chưa hái được. Xuất khẩu của Việt Nam tuy có tăng song chủ yếu tập trung ở thương mại hàng hoá. “Việt Nam cần lấp lỗ hổng về sở hữu trí tuệ để phát triển thương mại dịch vụ cũng như phát triển những hình thức thương mại mới

Nhìn chung, Hiệp định EVFTA là một trong những FTA thế hệ mới mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại-đầu tư đầy tiềm năng với một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Triển vọng phục hồi kinh tế, phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - EU rất sáng sủa nhưng cũng cùng với đó là rất nhiều thách thức khó khăn. Giải pháp trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng được các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình mới. Cùng với đó, các cấp, ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp trong nước nhằm hiểu rõ các quy định trong Hiệp định EVFTA và tận dụng triệt để các lợi ích thương mại từ Hiệp định.

Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động, cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị đã và đang diễn ra rất tích cực, chiếm một phần không nhỏ trong trị giá xuất nhập khẩu toàn cầu.

Cải cách để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, trong khi đó, lợi thế tương đối của Hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn. Cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong Hiệp định. Đồng thời, giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, tăng năng lực điều hành cũng như giám sát đối với các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS) Việt Nam nhằm hạn chế vi phạm các qui định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại các nước nhập khẩu...


PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, TS. Vũ Thanh Hương (VEPR Opinions, No.13)

FullName Email
Address Security code JZSNFX
Content