New Nghien Cuu
 Search

Chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hậu COVID -19

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động của Chính phủ. Tư vấn này được trích từ nghiên cứu “Đánh giá chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế 2021-2023”, công bố tại Hội thảo quốc gia "Đánh giá chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19" tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày 12/09/2023.


Các chính sách ưu đãi thuế kịp thời giúp doanh nghiệp “hồi sức”

Trong bối cảnh hậu COVID-19, những ảnh hưởng mà nó mang lại cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn rất lớn, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm kịp thời tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh. Với quan điểm, chủ trương là đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2020-2021, Chính phủ đã ban hành các chính sách được coi là “liều thuốc” quý giá giúp doanh nghiệp “hồi sức” trong bối cảnh bị đuối sức do ảnh hưởng của đại dịch.

Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021

Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định là 115.000 tỷ đồng.

Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021

Giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó: Giảm tiền 30% số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021

Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19: Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019; Giảm thuế GTGT kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ nhất định; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021.

Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021

Hướng dẫn thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. 

Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020

Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. 

Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021

Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thông tư số 68/2021/TT-BTC ngày 06/8/2021

Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đề xuất kiến nghị

•          Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thuế và quản lý thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả và bền vững.

•          Nghiên cứu, các giải pháp giảm thuế GTGT và thuế TTĐB của xăng dầu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giá xăng dầu sẽ còn nhạy cảm với tình hình chính trị, chiến tranh trên thế giới. Vì thế, ổn định, bình ổn giá xăng dầu là giải phải cần được chú trọng.

•          Mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo phù hợp với thực tiễn đất nước, các cam kết hội nhập và các thông lệ quốc tế tốt. Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý; bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu; hoàn thiện khung khổ pháp lý để khai thác tốt các khoản thu từ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

•          Rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển để loại bỏ các chính sách ưu đãi thuế “dư thừa”; nâng cao khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp với các chính sách ưu đãi thuế.

>>> NHÀ TƯ VẤN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐHQGHN

TS. Trần Thế Nữ

>>> TOÀN VĂN 

Ấn phẩm Tư vấn Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code NTKYDP
Content