New Nghien Cuu
 Search

Năng lực hội nhập quốc tế của trí thức Việt Nam

Trong thế giới ngày càng kết nối ngày nay, giá trị của năng lực hội nhập quốc tế đối với sự phát triển trình độ của mỗi cá nhân, đặc biệt là nhóm trí thức, mang tính tất yếu không thể phủ nhận. Do đó, cần xây dựng một đội ngũ tri thức mới toàn diện, những con người mới để phục vụ hiệu quả công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. 


Tính tất yếu nâng cao năng lực hội nhập của trí thức 

Trong thế giới ngày càng kết nối ngày nay, giá trị của năng lực hội nhập quốc tế đối với sự phát triển trình độ của mỗi cá nhân, đặc biệt là nhóm trí thức, mang tính tất yếu không thể phủ nhận. Tính tất yếu đó thể hiện ở các mặt sau:

- Năng lực hội nhập quốc tế thúc đẩy đa dạng hóa nguồn tri thức.

- Năng lực hội nhập quốc tế giúp đội ngũ trí thức phát triển kỹ năng tư duy phản biện.

- Năng lực hội nhập quốc tế thúc đẩy sáng tạo và đổi mới.

Giá trị của năng lực hội nhập quốc tế đối với các tổ chức mà đội ngũ trí thức đang công tác như các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… cũng rất quan trọng và tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của cơ sở đó, từ các hoạt động nghiệp vụ, nghiên cứu đến mở rộng thị trường:

- Tăng cường chất lượng nghiệp vụ công việc. 

- Tăng cường khả năng hợp tác nghiên cứu. 

- Nâng cao uy tín của cơ quan công tác. 

Giá trị của năng lực hội nhập quốc tế đối với sự trưởng thành và phát triển trí tuệ của mỗi cá nhân cũng như các tổ chức là không thể phủ nhận. Đây là yếu tố cần thiết để đội ngũ trí thức Việt Nam có thể phát triển trong thế giới kết nối ngày nay.

Cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản bảo đảm năng lực hội nhập quốc tế

Nhóm yêu cầu về bản lĩnh, phẩm chất

Môi trường quốc tế là một môi trường phức tạp với nhiều biến động và quan điểm trái chiều, vì vậy, đội ngũ trí thức Việt Nam cần đảm bảo bản lĩnh và phẩm chất của mình trước khi tăng cường hội nhập quốc tế.

- Về đạo đức nghề nghiệp: Đội ngũ trí thức cần phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, luôn tuân thủ các quy định, nguyên tắc, đạo đức và luật pháp liên quan đến lĩnh vực của mình dù ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

- Tôn trọng đa dạng và sự khác biệt: Đội ngũ trí thức cần phải tôn trọng và sẵn sàng đón nhận sự đa dạng và sự khác biệt trong xã hội, đảm bảo tính công bằng và chính trực trong tất cả các hoạt động của mình. 

Nhóm yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Môi trường quốc tế là nơi cạnh tranh khốc liệt và cọ xát về chuyên môn, trí tuệ, công nghệ, nơi tập trung tinh hoa của nhiều quốc gia, tổ chức. Với những yêu cầu như vậy, đội ngũ trí thức cần đảm bảo một số yêu cầu sau:   

- Kiến thức sâu rộng và liên tục cập nhật: Đội ngũ trí thức cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng và luôn cập nhật những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực của mình. Điều này sẽ giúp họ có thể thích nghi với mọi khó khăn xuất hiện trong công việc.

- Tư duy logic và phân tích: Đội ngũ trí thức cần rèn luyện khả năng tư duy logic và phân tích để giải quyết các vấn đề phức tạp. Họ cần có khả năng suy luận, phân tích và xử lý thông tin một cách hợp lý.

- Tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo: Đội ngũ trí thức cần có tinh thần trách nhiệm và luôn nỗ lực sáng tạo trong công việc của mình. Do thế giới biến động nhanh, khó lường và yêu cầu công việc đặt ra thường ở cường độ cao, nhiều bất ngờ, đội ngũ trí thức cần luôn sẵn sàng trong việc tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề, thích nghi với mọi biến động trên thế giới hiện nay.

- Các kỹ năng mềm: Đội ngũ trí thức cần được trang bị những kỹ năng mềm quan trọng trong hội nhập như khả năng làm việc độc lập và cộng tác trong đội nhóm, khả năng giao tiếp, quản trị thời gian... 

- Tham gia hoạt động giảng dạy, tham gia xây dựng các đề án phát triển khoa học, kinh tế, xã hội.

Các giải pháp cốt lõi

Tăng cường vai trò và cải thiện điều kiện công tác của đội ngũ trí thức. Tăng cường bồi dưỡng hệ thống trí thức, có phương án định hướng nghề nghiệp tốt, giúp hệ thống trí thức tận dụng đúng vị trí năng lực của mình. Cần nâng cao đãi ngộ đối với trí thức, cải thiện điều kiện sống để tạo điều kiện cho đối tượng này hoạt động hiệu quả hơn, có động lực nâng cao năng lực hội nhập hơn. Hoàn thiện thể chế quản lý và phát triển trí thức xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức có cơ hội nâng cao mọi mặt năng lực của mình, đặc biệt là năng lực hội nhập quốc tế. 

Đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và đào tạo, đặc biệt trong việc hợp tác quốc tế. Việc gia tăng đầu tư nghiên cứu và đào tạo theo định hướng quốc tế hóa chính là xuất phát từ yêu cầu phát triển nhằm tiến tới làm chủ các công nghệ tiên tiến, đồng thời tạo điều kiện, môi trường hoạt động cho đội ngũ trí thức rèn luyện năng lực hội nhập. Nhà nước cũng cần triển khai một số cơ chế, chính sách mở linh hoạt hơn nhằm tạo sự khác biệt, linh hoạt, hấp dẫn nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D. Khuyến khích doanh nghiệp lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực đội ngũ trí thức để có định hướng bổ sung phù hợp, cụ thể. Xác định các yếu tố chính của nhóm năng lực trí thức cần đánh giá, trong đó có cả năng lực hội nhập quốc tế, bao gồm kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, bản lĩnh chính trị, phầm chất đạo đức..., từ đó xây dựng cơ chế phát hiện đánh giá trí thức dựa năng lực, thành tích; từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn đánh giá trí thức, khắc phục tình trạng quá coi trọng bằng cấp, chú trọng vào năng lực thực tế và tiềm năng phát triển để đánh giá. Đánh giá kết quả cần được cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với mục tiêu và yếu tố đánh giá.

Tìm cách cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất để đội ngũ trí thức có điều kiện tận dụng các năng lực để phát triển và cống hiến. Nhà nước cần có sự hỗ trợ đặc biệt để đội ngũ trí thức có điều kiện tiếp cận với các tư liệu sản xuất phù hợp.

Xây dựng các hội nhóm quy tụ đội ngũ trí thức tại Việt Nam. Đây là một môi trường tốt, giúp các trí thức có thể tập hợp để thảo luận, trao đổi và thúc đẩy các ý tưởng mới, cũng như để các trí thức dễ dàng tìm nguồn tài trợ, nguồn động viên cho các mục tiêu phát triển của mình. Đây cũng là nguồn cung cấp nhân lực cao quan trọng, giúp các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng tiếp cận những nhóm trí thức phù hợp với hoạt động của mình.

>>> NHÀ TƯ VẤN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐHQGHN

PGS.TS. Trần Đức Hiệp

PGS.TS. Tô Thế Nguyên

TS. Vũ Duy

TS. Nguyễn Đức Bảo

ThS. Hoàng Ngọc Quang

>>> TOÀN VĂN 

Ấn phẩm Tư vấn Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code OPBYQB
Content