“Mức độ tổn thương và khả năng phục hồi của khu vực hộ kinh doanh trong điều kiện bình thường mới?

Tại Việt Nam, hộ kinh doanh (HKD) là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng, đóng góp cao cho GDP cả nước. Theo báo cáo thống kê sơ bộ được Tổng cục Thống kê công bố, trước khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, cả nước ghi nhận có khoảng 5,37 triệu HKD, cao hơn khoảng 9 lần so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. 



Đây được coi là một khu vực kinh tế quan trọng, đặc biệt trong việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm, với tổng số lao động tham gia trong khu vực này ghi nhận khoảng 9 triệu người trong năm 2019. Tuy nhiên, khu vực kinh tế HKD còn tồn tại nhiều điểm hạn chế; việc quản lý hoạt động của các HKD cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý thuế và các nghĩa vụ khác với xã hội và người lao động. Từ năm 2020 đến nay, HKD cũng như các doanh nghiệp khác chịu vô vàn khó khăn bởi vì các làn sóng dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế, cũng như chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các cơ quan nhà nước.

Trước làn sóng thứ 4 của COVID-19, các chủ hộ kinh doanh còn tương đối lạc quan. Cụ thể, trước tháng 2/2021, có 1% hộ kinh doanh không có kế hoạch thay đổi quy mô; 42% giữ nguyên quy mô hiện tại; 48% có kế hoạch mở rộng quy mô; chỉ 1% có dự định thu hẹp kinh doanh và 8% chưa có kế hoạch rõ ràng cho tương lai. Tuy nhiên, sự trở lại của COVID-19 từ sau 27.4.2021 có lẽ là bước ngoặt lớn với các hộ kinh doanh. Chỉ thị 16 được áp dụng tại nhiều tỉnh thành phố hiện nay đã khiến nhiều hộ chuyển từ kinh doanh cầm chừng sang tạm dừng kinh doanh.

Điều này đã đặt ra vấn đề cấp thiết cần nhận định rõ và chỉ ra các thách thức, khó khăn, rào cản thể chế, chính sách và tiếp cận vốn tín dụng mà HKD đang gặp phải. Đặc biệt là các khó khăn thách thức đối với sản xuất kinh doanh của HKD trong đại dịch Covid-19; đồng thời, đưa ra những hàm ý chính sách để tháo gỡ các vấn đề và khó khăn còn tồn tại liên quan đến hộ kinh doanh. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát về tình hình sản xuất kinh doanh và những thách thức, khó khăn của hộ kinh doanh với sự phối hợp của VEPR, FNF và BTRI, quy mô là 1.016 hộ kinh doanh được thu thập bởi 161 Chi nhánh BIDV trên 63 tỉnh thành.

Qua kết quả khảo sát thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy rằng các hộ kinh doanh hiện đang phải đương đầu với những khó khăn như: Cạn kiệt về vốn, khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn mới, lao động không đi làm/bỏ việc, đào tạo nhân lực tay nghề và chuyển giao công nghệ. Trong đó, các vấn đề liên quan đến tiếp cận vốn là yếu tố được cho gây nên nhiều khó khăn nhất. Yếu tố gây bất ngờ trong khảo sát đó là nhiều doanh nghiệp cho rằng chuyển giao công nghệ là một rào cản để họ vượt qua giai đoạn COVID-19, mức độ nghiêm trọng chỉ sau tiếp cận vốn. Liên quan đến các hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn COVID-19, hộ kinh doanh mong muốn được hỗ trợ các thủ tục để được giảm thuế, tiếp cận với nguồn vốn để duy trì kinh doanh.

Nhìn lại hệ thống các gói hỗ trợ năm 2020, hộ kinh doanh tương đối “lép vế” so với doanh nghiệp. Chiếc phao cứu sinh của hộ và cá nhân đặt tại gói 62.000 tỉ đồng liên quan đến an sinh xã hội, song thực tế, gói hỗ trợ này không được đánh giá cao khi chỉ giải ngân được 22% và cho các đối tượng “dễ thống kê” như hộ nghèo, người được hưởng chính sách xã hội...

Chính vì vậy, để hỗ trợ hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, sẵn sàng cho các kịch bản trong tương lai, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp như sau:

Trong ngắn hạn, hộ kinh doanh cần Nhà nước hỗ trợ giải quyết vấn đề vốn. Việc tận dụng các gói an sinh xã hội như gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm 2020 và 26.000 tỉ đồng năm 2021 có lẽ là hợp lý nên nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Đó chính là nguồn lực để lao động duy trì sự sống còn, cũng như trở lại kinh doanh khi dịch bệnh qua đi.

Trong dài hạn, sự tự do trong kinh doanh như dễ thay đổi ngành nghề kinh doanh, lao động cũng như địa điểm kinh doanh là yếu tố khiến hộ kinh doanh dễ thích nghi với những biến động kinh tế. Tuy nhiên, nhìn lại những khó khăn trong đại dịch, hiển nhiên việc hộ kinh doanh chính thức hóa mô hình kinh doanh của họ cũng là bước đi quan trọng để Nhà nước dễ dàng bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội cũng như công bằng giữa các thành phần kinh tế... Nhưng việc chính thức hóa không nên đi cùng với việc gia tăng thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tương tự như các nước châu Âu, trong thời điểm đại dịch, điều cần được đặt lên trên hết là sự cân bằng trong việc bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế và sức khỏe của nhân dân. Vậy nên, càng sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo nên các vùng xanh an toàn, đưa sự tự do đi lại, kinh doanh về với người dân, ít nhất là trong một vài khu vực có lẽ là cách ít tốn kém nhất để giải cứu hộ kinh doanh./.

Xem hoặc download bài tại đây.

(VEPR Opinions, No.12, Nov 12, 2021)


GS.TS Andreas Stoffers (FNF Việt Nam)