Những điểm bất cập về thể chế và chính sách miễn giảm học phí trong đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 với biến chủng Deltal diễn biến rất phức tạp, các địa phương trên phạm vi cả nước đã và đang phải tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt vừa phòng chóng dịch bệnh COVID-19 vừa thực hiện giải pháp an sinh - xã hội phù hợp để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh cũng như do các biện pháp cách ly. 



Có rất nhiều ý kiến từ phía người dân và những người làm công tác xã hội, tư vấn chính sách cho rằng ngoài việc hỗ trợ hàng thiết yếu và các gói an sinh cơ bản, Giáo dục cũng là "hàng thiết yếu"cần được hỗ trong và sau đợt dịch này, nhất là ở các địa phương đang thực hiện dãn cách xã hội, và hoạt động giáo dục chuyển từ học trực tiếp sang dạy và học online.

Phương án tối ưu về mặt chính sách là thiết kế một gói chính sách thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng cho tất cả các bậc học, loại hình đào tạo về miễn giảm học phí theo từng đối tượng/vùng ảnh hưởng, áp dụng ngay từ học kỳ đầu của năm học mới 2021-2022. Tuy nhiên, với việc phân cấp hiện nay, những chính sách cụ thể về học phí do từng tỉnh, thành phố trực thuộc TW quyết định. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cũng phải đối măt với một số khó khăn nếu ban hành chính sách không khả thi và không có nguồn lực đảm bảo. Thu nhập cán bộ giáo viên, nhất là ở nông thôn, vùng khó khăn còn thấp, việc miễn giảm học phí sẽ tạo gánh nặng bù chi thường xuyên vốn đã rất hạn hẹp của các địa phương, gây khó khăn hơn cho đời sống cán bộ giáo viên. Chính vì những lý do trên, nên dù biết là cần phải làm hơn thế, nhưng khó có thể có chính sách nào phổ quát áp dụng chung khả dĩ hơn ngoài việc Bộ đã có chỉ thị không tăng học phí, được đưa ra trong kế hoạch năm học 2021-2022 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ngày 24 tháng 8 năm 2021.

Ngay sau khi có chỉ thị nêu trên của Bộ GD&ĐT, trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập và đời sống đại bộ phận dân cư, nhiều tỉnh thành phố đã liên tiếp công bố các chính sách miễn giảm học phí của địa phương. Đà Nẵng là địa phương đi đâu hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đồng ý với đề xuất miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022. Tại Quảng Ninh, học sinh các trường công lập và ngoài công lập từ bậc mầm non đến THPT (trừ các trường vốn đầu tư nước ngoài) sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2021 - 2022. Năm học 2021-2022 là năm thứ hai Hải Phòng thực hiện miễn học phí cho học sinh các cấp. Đối tượng được hỗ trợ 100% học phí là trẻ em mầm non đang thực học tại các cơ sở giáo dục mầm non được thành lập, cấp phép hoạt động; học sinh THCS, THPT và bổ túc có hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của công an về việc sinh sống thực tế tại Hải Phòng.

Tuy nhiên, qua các ý kiến trên các trang báo và mạng xã hội vẫn còn khá nhiều tâm tư của các phụ hunh học sinh như: sao không áp dụng định mức miễn giảm học phí đối với trường tư/quốc tế/đại học. Những đối tượng theo học ở các trường này phải chịu học phí cao và ngày càng tăng với lý do được phục vụ với chất lượng vượt trội (tương đương quốc tế), cơ sở vật chất hiện đại, giáo viên chất lượng người nước ngoài trực tiếp đến giảng dạy. Chính vì vậy, khi chuyển sang học online, ở một số trường tư và trường quốc tế có vài ý kiến phản đối từ phía phụ huynh học sinh về việc vẫn duy trì nguyên mức học phí rất cao, cũng lác đác có một số trường tư thông báo giảm 50% mức học phí sau khi Bộ GD&ĐT có ý kiến đề nghị các trường tư/quốc tế đàm phán lại mức học phí online với phụ huynh. Tuy nhiên, cho đến nay rất ít trường kể cả công lẫn tư có sự đàm phán một cách thực chất về mức học phí học online.

Như vậy có thể nhận thấy, những lĩnh vực mà nền tảng thỏa thuận xã hội khó xảy ra, nhà nước cần áp đặt thể chế và các chính sách cụ thể chứ không thể để xã hội tự hình thành các cơ chế thỏa thuận. Chính vì vậy, theo tôi, các địa phương khi quyết định áp dụng học online cần có hướng dẫn cơ chế thỏa thuận giữa phụ huynh với đại diện nhà trường về mức thu học phí online đúng theo tinh thần chỉ đạo của bộ GD&ĐT, để làm rõ các khoản chi phí nào có thể giảm vì chuyển sang học online, chi phí nào tăng, và liệu có giảm được hay không. Từ đó, làm minh bạch hóa cơ chế thị trường dịch vụ giáo dục, giảm thông tin bất cân xứng, chứ không phải là đòi hỏi nhà trường hảo tâm từ thiện, mặc dù có khuyến khích trường tư/quốc tế giảm lợi nhuận kỳ vọng để hỗ trợ thêm.

Với các trường quốc tế và đại học cần có hướng dẫn của Bộ Giáo dục về việc quy định dành một phần tỷ lệ bắt buộc trong quỹ học bổng (trích tỷ lệ bắt buộc từ học phí và tài trợ và quỹ học bổng này không hề nhỏ ở các trường đại học theo cơ chế tự chủ) để dành cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ngoài những trường hợp theo chế độ của nhà nước (ngoài diện con em gia đình có công, gia đình thuộc hộ nghèo, dân tộc). Ngoài ra các trường có thể tự chủ động chuyển giải thưởng thường dành cho học sinh/ sinh viên xuất sắc theo học kỳ hoặc giải thưởng đầu năm mục đích thu hút sinh viên giỏi nhập học là chính sang hỗ trợ các trường hợp khó khăn đột xuất. Với cách kết hợp các nguồn lực kể trên, các trường có thể công bố gói miễn/giảm dành riêng dành cho học sinh và sinh viên khó khăn trong đại dịch COVID-19, là điều mà các gia đình đang gặp khó đang rất mong mỏi.

>> Xem hoặc download bài viết tại đây. 

(VEPR Opinions, No.8, Sep.13, 2021)


TS. Nguyễn Quốc Việt