Đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp xanh sử dụng mô hình triển khai chức năng chất lượng

Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội đã được nghiệm thu. Thời gian thực hiện: 24 tháng, từ 6/2018 đến 6/2020



Thông tin chung đề tài:

  • Tên đề tài: Đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp xanh sử dụng mô hình triển khai chức năng chất lượng
  • Mã đề tài: CA.18.2A
  • Thời gian thực hiện: 24 tháng, từ 6/2018 đến 6/2020
  • Chủ nhiệm đề tài: TS. Đỗ Anh Đức
  • Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Kinh tế
  • Đơn vị chủ quản: Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Thành viên chính tham gia: GS.TS. Phan Huy Đường; ThS. Hà Diệu Linh, ThS. Trịnh Đình Uyên, TS. Lưu Hữu Văn

Đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp. Lựa chọn được nhà cung cấp phù hợp sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu vào cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu thụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp phù hợp, đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng nhiều tiêu chuẩn về kinh tế, xã hội và môi trường. Các tiêu chuẩn này thường có tính chất (định tính, định lượng, lợi ích, chi phí), giá trị hay đơn vị khác nhau. Việc xây dựng và phát triển các mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp tích hợp được các tiêu chuẩn trong cùng một mô hình và đánh giá được giá trị tổng hợp của các lựa chọn dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá. Do đó, nghiên cứu này đã phát triển các mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn sử dụng tập mờ mở rộng và tập “neutrosophic” khoảng để đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp xanh.

Cụ thể, nghiên cứu đã tập trung vào:

(i) Mô hình triển khai chức năng chất lượng mới sử dụng tập neutrosophic khoảng. Việc sử dụng mô hình này giúp các doanh nghiệp có thể đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp xanh phù hợp với khả năng, nguồn lực của doanh nghiệp với nguồn thông tin đầu vào không chắc chắn, không rõ ràng.

(ii) Mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn động mới sử dụng tập mờ tổng quát để đánh giá và phân nhóm nhà cung cấp xanh. Việc sử dụng mô hình này giúp doanh nghiệp lựa chọn và phân nhóm nhà cung cấp xanh trong điều kiện thông tin đầu vào không rõ ràng và có sự biến động theo thời gian. Trên cơ sở kết quả thu được, doanh nghiệp sẽ đưa ra các chiến lược khác nhau cho từng nhóm nhà cung cấp để tối ưu hóa lợi ích của doanh nghiệp.

(iii) Mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn tích hợp (QFD và TOPSIS) trong lựa chọn nhà cung cấp xanh. Mô hình này là sự mở rộng của các mô hình trước đây thông qua sử dụng tích hợp phương pháp TOPSIS để đánh giá và xếp hạng các nhà cung cấp xanh trong điều kiện thông tin đầu vào không rõ ràng và không chắc chắn.

Từ những phân tích trên, nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị sau:

Thứ nhất, phát triển mô hình QFD để đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp xanh.

Thứ hai, phát triển mô hình MCDM để đánh giá và phân nhóm nhà cung cấp xanh trong trong trường hợp doanh nghiệp của Việt Nam.

 

 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN