Đề tài: Nghiên cứu xây dựng mô hình quản trị tinh gọn tại các trường đại học Việt Nam

Đề tài KHCN cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mã số: QG.17.31



Thông tin chung:

  • Mã đề tài: QG.17.31
  • Thời gian thực hiện: 2/2017-2/2019
  • Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh
  • Đơn vị chủ trì: Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đơn vị chủ quản: Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Thành viên chính tham gia: PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh, TS. Phạm Minh Tuấn, TS. Nguyễn Đăng Toản, NCS. Cao Thị Hoàng Trâm

Quản trị tinh gọn đang ngày càng trở thành một phương pháp quản trị tối ưu cho các hoạt động cải tiến và đổi mới, cắt giảm tối đa các lãng phí trong các hoạt động quản trị của đại học. Dựa trên nền tảng lý thuyết về Quản trị tinh gọn và Quản trị tinh gọn Made in Vietnam do chính PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Trưởng nhóm nghiên cứu tiềm năng “Quản trị tinh gọn Made in Vietnam” của ĐHQGHN xây dựng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được mô hình Quản trị tinh gọn áp dụng trong hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục đại học nói riêng. Đây được coi là một hướng tiếp cận mới giúp giải quyết các vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn quản trị đại học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường đại học Việt Nam hiện nay.

Cốt lõi của mô hình mà nhóm nghiên cứu đề xuất là xác định vai trò của Tâm thế - nền tảng vận hành mô hình Quản trị tinh gọn tại các trường đại học. Tâm thế được vận hành dựa trên ba yếu tố cơ bản: (i) Con người - bao gồm toàn bộ những người tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào hệ thống giáo dục (các nhà quản trị, quản lý; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên trong trường đại học; sinh viên; những người trực tiếp sử dụng lao động sau tốt nghiệp…); (ii) “Phần cứng” - được hiểu là cơ sở vật chất, tài chính…; và (iii) “Phần mềm” - được hiểu là tư duy, triết lý, phương pháp quản trị, phương pháp đào tạo, phương pháp nghiên cứu, quy trình hoạt động… Trong đó, con người là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hai yếu tố còn lại và mang tính chất quyết định đến toàn bộ quá trình vận hành của hệ thống giáo dục đại học, quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Mô hình là nền tảng để đạt được sản phẩm đào tạo là những sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh có đam mê, có khát vọng, đồng thời có năng lực tư duy và năng lực đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thực tiễn doanh nghiệp, tổ chức. Đồng thời, đó cũng là nền tảng để mang lại những sản phẩm nghiên cứu - dù mang tính hàn lâm hay ứng dụng - đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, được các doanh nghiệp, các tổ chức và xã hội kiểm chứng về tính hiệu quả khi áp dụng trong thực tiễn.

Ngoài ra, mô hình cũng xác định vai trò cụ thể của các bên liên quan trong trường đại học, bao gồm ban lãnh đạo nhà trường - đóng vai trò bệ đỡ, kiến tạo hệ thống bằng việc tạo ra các chính sách hỗ trợ phát triển; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên, chuyên viên - phát huy tinh thần tự chủ, luôn chủ động sáng tạo trong việc cắt giảm các bất hợp lý trong mọi hoạt động như đào tạo, nghiên cứu, hỗ trợ và chuyển giao tri thức, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra của công việc.

Để áp dụng hiệu quả mô hình Quản trị tinh gọn trong các trường đại học, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị trọng yếu sau:

Trước hết, đối với cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, sở, ban, ngành có liên quan: Nhóm nghiên cứu kiến nghị đề xuất vai trò của cơ qua nhà nước là kiến tạo hỗ trợ các trường đại học thông qua các chính sách hỗ trợ và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đầu ra (sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm đào tạo). Cụ thể, về trao quyền tự chủ cho trường đại học: Tự chủ học thuật, chương trình đào tạo chuyên môn chuyên sâu; Tự chủ trong quản trị điều hành nhà trường; Tự chủ tài chính; Tự chủ trong tuyển dụng và quản trị đội ngũ cán bộ và xác định điều kiện làm việc của họ; Tự chủ trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh. Về kiến tạo chính sách để trường đại học tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đầu ra: Thông qua việc xây dựng, thống nhất triết lý giáo dục, cần ban hành bộ khung về chiến lược phát triển giáo dục quốc gia theo triết lý tinh gọn một cách có “Tâm thế”, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tránh lợi ích nhóm; Xây dựng các chính sách hỗ trợ theo hướng mở, phân quyền và trao quyền trong việc quyết định các chiến lược phát triển riêng, phù hợp với điều kiện đặc thù cho từng trường đại học... Việc quản trị theo hướng kiến tạo sẽ tạo điều kiện cho các trường đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng và tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có tính áp dụng cao dẫn dắt sự phát triển thực tiễn đất nước.

Thứ hai, đối với lãnh đạo trường đại học: Lãnh đạo các cấp trong hệ thống giáo dục cần xác định rõ triết lý giáo dục “Tinh gọn” xuyên suốt, đồng thời có sự kiên định và quyết tâm thực hiện đến cùng triết lý, không thay đổi triết lý giáo dục thường xuyên. Trên nền tảng triết lý giáo dục, lãnh đạo các cấp cần cam kết lâu dài trong việc đổi mới, thực hiện đến cùng theo mô hình Quản trị đại học tinh gọn Made in Vietnam cũng như cam kết hỗ trợ các giảng viên được tự do, tự chủ học thuật, tạo chính sách hỗ trợ tối đa cho các giảng viên cán bộ của nhà trường thực hiện công việc của mình.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần kết hợp chặt chẽ với trường đại học để cùng xây dựng khung chương trình đào tạo, cùng đào tạo với trường đại học để có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; liên kết với trường đại học để cùng thực hiện các sản phẩm nghiên cứu khoa học dưới dạng PPP để có thể phát huy tối đa năng lực của trường đại học và năng lực nhu cầu của doanh nghiệp.


Các bài báo khoa học của nhóm nghiên cứu liên quan đến đề tài nghiên cứu:

  1. “The New Model for Teaching Collaboration between Universities and Enterprises: In the Case of Vietnam”, International Journal of Education and Practice, Vol 8, No 2 (2020), 233-247.
  2. “Xây dựng mô hình đào tạo và tự đào tạo kỹ năng cho sinh viên đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 34, số 1 (2018), 1-9.
  3. Xây dựng mô hình Quản trị đại học tinh gọn tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 34, số 3 (2018), 62-72.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN