Việc thực hành ESG thúc đẩy doanh số bán hàng như thế nào? Bằng chứng thực nghiệm từ các doanh nghiệp toàn cầu

Nghiên cứu này đánh giá mức độ ảnh hưởng của hành vi thực hiện ESG của doanh nghiệp (E - Bảo vệ môi trường, S- Xã hội và G - Quản trị công ty) tới sự thay đổi về doanh số bán hàng của doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng tài chính. Điểm ESG phản ánh mức độ doanh nghiệp chủ động quản lý các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị công ty theo cách có lợi nhất với doanh nghiệp. 



Nghiên cứu phân chia từng hạng mục môi trường, xã hội và quản trị công ty cũng như sự kết hợp đồng thời của các hạng mục này để đánh giá tác động tới doanh số. 

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp về các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu thu thập từ nguồn Bloomberg, áp dụng mô hình IV 2SLS. Nghiên cứu sử dụng một mẫu gồm 3.458 quan sát về 826 công ty thuộc 31 quốc gia. Đây là các doanh nghiệp lớn trên thế giới nằm trong bảng xếp hạng “Doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất thế giới” của tạp chí Fortune trong khoảng thời gian xoay quanh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây (2005-2011). Thời gian nghiên cứu phản ánh sự biến động của thị trường trước, trong và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Đây được coi là một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của chính sách ESG, phân chia theo từng hạng mục cũng như sự kết hợp của các hạng mục đó tới doanh số bán hàng của doanh nghiệp trong thời gian kinh tế toàn cầu bất ổn. Nghiên cứu đưa yếu tố ngoại cảnh, là khoảng thời gian thị trường toàn cầu biến động mạnh do khủng hoảng, vào phân tích hành vi của doanh nghiệp. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tác động của tổng thể ESG và riêng S đối với doanh số bán hàng là tích cực đáng kể, trong khi không tìm thấy tác động riêng đáng kể nào của E và/hoặc G. ESG có tác động đáng kể đến doanh số bán hàng trong thời điểm thị trường hỗn loạn, nhưng tác động này không mạnh mẽ trong thời gian bình thường. Sự tương tác của E*S/E*G/S*G cũng được đưa vào phân tích. Ngay cả khi tác động của riêng E đến doanh số bán hàng có xu hướng tiêu cực, sự tương tác đồng thời của S và E lại ảnh hưởng tích cực đến doanh số bán hàng. Kết quả cho thấy khi kinh tế bất ổn, thực hành CSR đặc biệt trong các hoạt động xã hội vì con người (S) là cứu cánh giúp doanh nghiệp duy trì doanh số bán hàng do doanh nghiệp vẫn có được thiện chí của người tiêu dùng và khách hàng.

Hàm ý chính sách được rút ra từ nghiên cứu là: Trong thời gian khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, các quốc gia nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện CSR trong cả ba khía cạnh E, S, G và đặc biệt đẩy mạnh hoạt động xã hội (S) để kích cầu.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Tran T. H., & Pham T. S. H. (2022). How Environmental, Social, and Governance Disclosure Promotes Sales? Empirical Evidence from Global Firms. Journal of Strategic Marketing.

>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

PGS.TS. Trần Thị Hiền hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp thuộc Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Bà nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế và Quản lý tại Đại học Southampton, Anh quốc (2016). Định hướng nghiên cứu và giảng dạy của bà gồm: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững, quản trị công ty, văn hóa doanh nghiệp, nguồn nhân lực, các vấn đề đương đại trong quản trị kinh doanh. 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Các tin khác