Trong lĩnh vực nghiên cứu quản trị chuỗi cung ứng, các chủ đề nghiên cứu trong và ngoài nước có xu hướng thiên về mối quan hệ hợp tác của doanh nghiệp với các nhà cung cấp và mạng sản xuất vì có liên quan đến chi phí mua hàng, nguyên liệu đầu vào, hoạt động thuê ngoài chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, sự hợp tác với khách hàng cũng rất quan trọng trong quản trị chuỗi cung ứng. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc hợp tác với khách hàng, bao gồm tạo dựng niềm tin, chia sẻ thông tin hai chiều với khách hàng, học hỏi khách hàng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động chuỗi cung ứng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nghiên cứu “Relationship between Customer Collaboration in Supply Chain Management and Operational Performance of Manufacturing Companies” công bố trên tạp chí International Journal Productivity and Quality Management, 29(3) của tác giả Phan Chí Anh, Nguyễn Thu Hà và cộng sự (2020) tập trung vào phân tích thực trạng hoạt động hợp tác với khách hàng và ảnh hưởng của các hoạt động hợp tác với khách hàng chuỗi cung ứng tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp sản xuất trên thế giới.
Trong nghiên cứu này, hoạt động hợp tác với khách hàng chuỗi cung ứng được phân tích theo các khía cạnh: Sự ủng hộ từ cấp quản lý, Xây dựng uy tín với khách hàng, Tin tưởng vào khách hàng, Điều chỉnh theo khách hàng, Chia sẻ thông tin với khách hàng, Thu thập thông tin từ khách hàng, Tiếp nhận tri thức từ khách hàng, Liên kết JIT với khách hàng, Kết nối công nghệ thông tin với khách hàng. Các kỹ thuật phân tích thông kê như ANOVA và hồi quy tuyến tính được sử dụng để phân tích dữ liệu thu thập từ 304 nhà máy sản xuất lĩnh vực điện/điện tử/chế tạo máy thuộc 13 quốc gia gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ý, Đức, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Việt Nam, Brasil... Kết quả phân tích cho thấy các hoạt động hợp tác với khách hàng chuỗi cung ứng có tác động đáng kể lên kết quả hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ chi phí sản xuất, đảm bảo giao hàng đúng hạn.
Nghiên cứu này tập trung vào phân tích thực trạng hoạt động hợp tác với khách hàng theo các cấp độ khác nhau, liên quan đến dòng sản phẩm, dòng thông tin và dòng tài chính của chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của các hoạt động hợp tác với khách hàng chuỗi cung ứng tới các khía cạnh khác nhau kết quả hoạt động của doanh nghiệp sản xuất trên thế giới.
Các kết quả chính của nghiên cứu:
- Cung cấp khung phân tích logic mối quan hệ nhân quả có cấu trúc giữa hợp tác với khách hàng và các khía cạnh khác nhau của kết quả hoạt động doanh nghiệp sản xuất trên thế giới, cũng như thang đo 16 biến nghiên cứu được kiểm định đảm bảo độ tin cậy thông qua phân tích dữ liệu bảng hỏi khảo sát.
- Kết quả phân tích nhấn mạnh đến ảnh hưởng của việc tham gia của khách hàng vào thiết kế sản phẩm và cải tiến chất lượng sản phẩm, cũng như việc chia sẻ thông tin của khách hàng với doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong quản trị chuỗi cung ứng.
- Kết quả phân tích nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp cần tạo dựng lòng tin với khách hàng như là yếu tố tiên quyết của việc chia sẻ thông từ khách hàng hay học hỏi kiến thức từ khách hàng.
- Lợi ích chủ yếu của việc hợp tác khách hàng với các doanh nghiệp sản xuất chế tạo chủ yếu ở khía cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi đó kết quả đột phá trong hạ giá thành sản phẩm chưa có được trong nhiều quan sát.
Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách:
Thứ nhất, kết quả phân tích cho thấy trong khi việc hợp tác với khách hàng trong chuỗi cung ứng còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam thì nó đã được thực hành rộng rãi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế tạo.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu gợi ý doanh nghiệp Việt Nam nên mở rộng sự tích hợp chuỗi cung ứng theo cả chiều xuôi và ngược nhằm cải tiến không chỉ dòng sản phẩm mà cả dòng thông tin thông qua sự hợp tác chặt chẽ ở các cấp độ khác nhau với khách hàng. Sự hợp tác với khách hàng chuỗi cung ứng doanh nghiệp sản xuất chế tạo không chỉ là đòn bẩy quản trị, mà còn là xu hướng tất yếu trong quản trị chuỗi cung ứng.
>>> THÔNG TIN BÀI BÁO
Phan, A. C., Nguyen, H. T., Nguyen, K. B., Le, A. T. T., & Matsui, Y. (2020). Relationship between Customer Collaboration in Supply Chain Management and Operational Performance of Manufacturing Companies. International Journal Productivity and Quality Management, 29(3), 372-396.
>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ
| PGS.TS. Phan Chí Anh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, giảng viên Bộ môn Quản trị Công nghệ thuộc Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Lĩnh vực nghiên cứu chính của tác giả gồm: Quản trị tác nghiệp, quản trị chất lượng, quản trị chuỗi cung ứng, cải tiến năng suất. Ông đã công bố hơn 30 công trình nghiên cứu quốc tế trên các tạp chí International Journal of Production Economics, Operations Management Research, Management Research Review, International Journal of Productivity and Quality Management... |
| PGS.TS. Nguyễn Thu Hà là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Phó Viện Trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với chuyên ngành nghiên cứu về marketing, hành vi tiêu dùng, quản trị dịch vụ. Tác giả đã công bố hơn 20 công trình trên các tạp chí quốc tế uy tín như Journal of Asia Business Studies, International Journal of Quality Research, International Journal of Productivity and Quality Management… |