Tác động phúc lợi của biến đổi khí hậu đối với khai thác hải sản ở Việt Nam

Nghề đánh bắt cá được dự báo sẽ suy giảm ở vùng nhiệt đới do biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, hải sản là ngành kinh tế quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo, đồng thời cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, phúc lợi của người sản xuất và người tiêu dùng hải sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn chưa được hiểu rõ. Trong khi hầu hết các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu tập trung vào sự tăng giảm của tổng sản phẩm và doanh thu, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Vĩnh Hà (2022) lại chú ý hơn đến sự thay đổi thặng dư của các chủ thể tham gia thị trường trong dài hạn. Toàn văn nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí PLOS ONE 17(4). 



Cá biển và các loài thủy sinh khác là động vật biến nhiệt, có nhiệt độ cơ thể thay đổi đáng kể. Khi nước biển ấm lên, chúng dễ bị ảnh hưởng và có xu hướng di cư đến những vùng nước mát hơn. Biến đổi khí hậu làm nồng độ oxy trong nước biển giảm và độ pH cao hơn, gây ảnh hưởng bất lợi cho các loài thủy sinh. Axit hóa cũng là nguyên nhân khiến san hô bị tẩy trắng trên diện rộng, gây tổn hại đến môi trường sống của hải sản. Để ứng phó, hải sản vùng nhiệt đới có xu hướng giảm kích thước để giảm trao đổi chất. Lượng mưa cũng làm thay đổi độ mặn, ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài hải sản. Bão cản trở hoạt động đánh bắt của ngư dân, làm hư hỏng tàu thuyền và làm tăng ô nhiễm biển. Bão lớn và lốc xoáy phá hủy các rạn san hô. Biến đổi khí hậu và môi trường biển ảnh hưởng gián tiếp đến các loài, làm tăng tính nhạy cảm của sinh vật phù du, động vật không xương sống, động vật giáp xác, lưới thức ăn và dịch bệnh. Chi phí đánh bắt hải sản có thể tăng lên do nhu cầu tăng cường đầu tư vào tàu và thiết bị để thích ứng với những thay đổi về phân bố, trữ lượng cá và thành phần loài. Nguồn cá di cư ra xa hơn có thể kéo dài thời gian di chuyển của tàu đánh bắt, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và đá ướp lạnh. Nguồn cá giảm và chi phí đánh bắt tăng sẽ làm giảm sản lượng và nguồn cung hải sản trên thị trường. Về phía cầu, tổng mức tiêu thụ hải sản tự nhiên phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như quy mô dân số, thu nhập, sở thích và sự sẵn có của các sản phẩm thay thế, đặc biệt là các sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng. Giá hải sản tương đối có thể sẽ tăng khi sản lượng đánh bắt tiềm năng giảm trong thời gian dài. Lợi nhuận sẽ thay đổi sau những thay đổi về sản lượng đánh bắt, chi phí và giá cả. Phúc lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất và xã hội sẽ được phân bổ lại. 

Toàn băn bài báo được công bố trên PLOS ONE, 17(4), e0264997.

Sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1976 đến năm 2018 và dữ liệu hộ gia đình từ Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2018, nghiên cứu đã ước tính hàm sản xuất, hàm cầu và hàm cung, sau đó sử dụng chúng trong phân tích cân bằng từng phần để đo lường tác động đến sản xuất và phúc lợi trong thị trường hải sản đánh bắt. 

Kết quả nghiên cứu xác nhận tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến năng suất đánh bắt. So với hiện tại, sản lượng đánh bắt có thể giảm 35-45% vào giữa thế kỷ và 45-80% vào cuối thế kỷ. Nhiệt độ tăng là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng giảm. Tác động của nhiệt độ tăng theo thời gian và mức độ nghiêm trọng của các kịch bản biến đổi khí hậu. Kịch bản xấu nhất dự đoán sẽ không còn hải sản để khai thác vào cuối thế kỷ này. 

Tác động phúc lợi của biến đổi khí hậu đối với người sản xuất và người tiêu dùng phụ thuộc đáng kể vào sự thay đổi nhu cầu hải sản đánh bắt. Nếu đường cầu không thay đổi, nguồn cung giảm sẽ khiến giá hải sản tăng, gây thiệt hại to lớn cho người tiêu dùng, từ 7 đến 9 tỷ USD vào năm 2035 và 10 đến 18 tỷ USD vào năm 2065. Nếu nhu cầu giảm, chủ yếu do tác động thay thế của việc mở rộng nuôi trồng thuỷ sản, người tiêu dùng cũng bị thiệt. Nếu nhu cầu tăng lên, chủ yếu do dân số ngày càng tăng và thu nhập được cải thiện, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi nếu nhu cầu vượt quá một mức nhất định. Tuy nhiên, trường hợp nhu cầu tăng ít có thể xảy ra hơn vì nuôi trồng thuỷ sản đang phát triển nhanh chóng và nhu cầu tiêu dùng có nhiều khả năng chuyển từ hải sản đánh bắt sang thuỷ sản nuôi trồng. 

Ngược lại với nhiều lo ngại rằng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người sản xuất vì nó làm giảm doanh thu đánh bắt, kết quả nghiên cứu cho thấy ngư dân có thể được nhiều hơn là mất nhờ giá tăng cao nếu nhu cầu về hải sản đánh bắt không thay đổi. Nếu không tăng giá, tức là nhu cầu hải sản đánh bắt giảm do thuỷ sản nuôi trồng ngày càng nhiều, lợi nhuận của ngư dân vào năm 2035 giảm 20-24% so với lợi nhuận năm 2018 và giảm 35-46% vào năm 2065. Lợi nhuận mất đi ước tính từ 1,0 đến 1,3 tỷ USD. Vì sở thích của người tiêu dùng đối với hải sản đánh bắt và nuôi trồng là khác nhau đối với từng cá nhân nên thuỷ sản nuôi trồng khó có thể thay thế hoàn toàn hải sản đánh bắt. Vì vậy, ngư dân có nhiều cơ hội được hưởng lợi hơn là bị thiệt. Những phát hiện này cho thấy rằng mặc dù biến đổi khí hậu cản trở hoạt động đánh bắt cá nhưng phúc lợi của ngư dân có nhiều khả năng tăng lên và phúc lợi của người tiêu dùng sẽ giảm đi.

Ở Việt Nam, các chính sách đối với ngành thuỷ sản thường hướng tới tối đa hóa phúc lợi xã hội, giúp người dân thoát nghèo. Vì vậy, hoạt động đánh bắt hải sản tương đối tự do, dẫn đến sự phát triển quá mức số ngư dân đánh bắt quy mô nhỏ vùng biển ven bờ, làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ. Hiện nay chưa có hành động cụ thể nào hạn chế đánh bắt hải sản quy mô nhỏ ở Việt Nam. Việc áp dụng hạn ngạch đối với tàu đánh bắt gần bờ và xa bờ mới được ban hành năm 2019 đang gây nhiều tranh cãi và gặp nhiều trở ngại, đặc biệt từ phía ngư dân. Các kết quả nghiên cứu ngụ ý rằng việc hạn chế nỗ lực đánh bắt không gây tổn hại đến phúc lợi của ngư dân về lâu dài. 

Chiến lược Phát triển Thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là các loài sinh vật biển, như một hành động thích ứng để ứng phó với tình trạng giảm sản lượng đánh bắt. Tuy nhiên, nuôi trồng thuỷ sản nước mặn thường đạt được bằng cách đánh bắt quá mức cá giống tự nhiên và cá nhỏ, cá con để làm thức ăn cho các loài nuôi. Do đó, tác động của việc mở rộng nuôi trồng thuỷ sản đến đánh bắt vẫn còn chưa rõ ràng. Hơn nữa, sự thay đổi về nhu cầu hải sản đánh bắt vẫn chưa chắc chắn. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu việc mở rộng nuôi trồng thuỷ sản có thể tác động như thế nào đến thu nhập, việc làm và lợi nhuận của ngư dân.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Nguyen Thi Vinh Ha (2022). Welfare Impact of Climate Change on Capture Fisheries in Vietnam. PLOS ONE17(4), e0264997.

https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0264997

>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

T

 

 

 

TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế học thuộc Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Bà nhận bằng Thạc sĩ thuộc Chương trình liên kết đào tạo Việt Nam - Hà Lan về Kinh tế phát triển và bằng Tiến sĩ tại Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Bà đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc các lĩnh vực nghiên cứu như biến đổi khí hậu, định giá môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng như kinh tế học hành vi.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN