Mô hình ra quyết định mới cho thiết kế dây chuyền sản xuất tại các nhà máy sản xuất ở Việt Nam

Thiết kế dây chuyền sản xuất (ML) đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống sản xuất hiện nay. Phát triển và hiện thực hóa một ML hiệu quả là nhiệm vụ chính của các nhà thiết kế ML, đặc biệt khi khối lượng sản xuất vượt quá công suất dây chuyền hiện tại. Do đó, nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh (Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) với tiêu đề “A New Decision - Making Model for Manufacturing Line Designs in Vietnamese Manufacturing Plants” đăng trên tạp chí International Journal of Information Technology Project Management (IJITPM) tập 11, số 3 / 2020 đề xuất một mô hình ra quyết định mới cho việc thiết kế dự án ML tại các nhà máy sản xuất Việt Nam. 



Trong những năm qua, đã có nhiều công cụ hỗ trợ được phát triển để giúp các nhà thiết kế đánh giá hiệu quả về thiết kế của mình. “Design for X” (DFX) là một trong những công cụ nổi tiếng nhất. Chữ ‘X’ trong DFX đại diện cho bất kỳ thông số nào của việc điều chỉnh thiết kế xảy ra trong suốt vòng đời sản phẩm, chẳng hạn như chất lượng, chế tạo, sản xuất hoặc môi trường. Phương pháp DFX có thể được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau nhằm tối ưu hóa hiệu suất của một loại phân tích cụ thể về chi phí, khả năng sản xuất hoặc hiệu suất, từ đó hỗ trợ các nhà thiết kế đưa ra quyết định. Trong đó, “Thiết kế cho Sản xuất” (DFM) và “Thiết kế cho Lắp ráp” (DFA) là hai trong số các công cụ DFX phổ biến và thông dụng nhất. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng tập trung vào hướng dẫn thiết kế hay các yếu tố quyết định hiệu suất của thiết kế ML. Các nghiên cứu này chủ yếu xem xét các yếu tố bao gồm: thời gian khắc phục, sự cố, tắc nghẽn, thay thế thiết bị, ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông...

Mô hình mới được tác giả xây dựng dựa trên lý thuyết về mô hình ra quyết định tinh gọn “Made in Vietnam” và được xác thực thông qua nhiều phương pháp thực tế (quan sát, khảo sát, phỏng vấn sâu và nghiên cứu điển hình). Mô hình này theo đuổi phương pháp tư duy tối ưu để đưa ra quyết định hiệu quả nhất trong việc thiết kế dây chuyền sản xuất. Mô hình đề xuất đã được xác nhận bởi ứng dụng thực tế và được công nhận là phương pháp ra quyết định mới. 

Theo đó, mô hình ra quyết định được đề xuất bao gồm ba cấu phần chính như sau:

  1. Mô hình AS-IS: Mô phỏng tình hình hiện tại, hình thành Đầu vào trong quá trình ra quyết định.
  2. Quản trị tinh gọn “Made in Vietnam”: Nền tảng để xây dựng các giải pháp thay thế ra quyết định quản trị.
  3. Mô hình TO-BE: Phương án đánh giá, là Đầu ra của quá trình ra quyết định.

 

Khi một ML được thiết kế, một loạt các quyết định phức tạp cần phải được thực hiện. Do đó, việc xây dựng một mô hình ra quyết định được áp dụng trong suốt quá trình thiết kế là điều cần thiết. Mô hình cho dự án thiết kế ML gồm các bước:

  • Bước 1: Thu thập thông tin đầu vào và xác định tiêu chí đánh giá
  • Bước 2: Xây dựng các giải pháp thay thế dựa trên quản trị tinh gọn “Made in Vietnam”
  • Bước 3: Đánh giá các giải pháp thay thế và lựa chọn giải pháp thay thế tối ưu

Một thiết kế ML được phát triển qua ba giai đoạn trước khi được đưa vào nhà máy gồm Thiết kế chung, Thiết kế chi tiết và Dây chuyền sản xuất chế tạo. Đối với mỗi giai đoạn, ứng dụng của mô hình ra quyết định mới được giải thích như sau:

  • Giai đoạn 1: Áp dụng mô hình ra quyết định trong thiết kế chung
  • Giai đoạn 2: Ứng dụng mô hình ra quyết định trong thiết kế chi tiết
  • Giai đoạn 3: Ứng dụng mô hình ra quyết định trong chế tạo dây chuyền sản xuất

Mô hình ra quyết định mới cho thiết kế ML không chỉ giúp các kỹ sư tìm ra các giải pháp thay thế tốt hơn mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí từ các lỗi phát sinh trong thiết kế lại và chế tạo lại dây chuyền ML. So với các phương pháp thông thường thì mô hình này mang tính hiệu quả rõ rệt, đã được công nhận là lý thuyết hàng đầu và kỹ thuật thực tế cho các nhà máy sản xuất của Việt Nam. Mô hình đề xuất có thể được mở rộng cho các doanh nghiệp sản xuất khác ở các nước đang phát triển và phát triển khác.

>> Về bài báo:  Minh D. Nguyen, “A New Decision-Making Model for Manufacturing Line Designs in Vietnamese Manufacturing Plants”,  International Journal of Information Technology Project Management (IJITPM) 11(3) (2020) 16. https://www.igi-global.com/article/a-new-decision-making-model-for-manufacturing-line-designs-in-vietnamese-manufacturing-plants/258550

Về tác giả:

PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị Công nghệ, Viện Quản trị Kinh doanh. Ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật Bản (2009). Từ năm 2017 đến nay, ông là Trưởng nhóm nghiên cứu tiềm năng tại Đại học Quốc gia Hà Nội: Quản trị tinh gọn Made in Vietnam. Các hướng nghiên cứu nổi bật của ông gồm:

  • Quản trị công nghệ tại doanh nghiệp, tổ chức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Áp dụng Quản trị tinh gọn Made in Vietnam vào thực tiễn quản trị doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Áp dụng Quản trị tinh gọn “Made in Vietnam” vào thực tiễn quản trị quốc gia, quản trị tổ chức công trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Quản trị Đại học tinh gọn “Made in Vietnam” trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Quản trị Bệnh viện Tinh gọn Made in Vietnam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Đánh giá thực trạng các doanh nghiệp, các tập đoàn tại Việt Nam, tìm ra các khâu bất hợp lý trong hệ thống, đưa ra các đề xuất để cắt giảm lãng phí, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh của tất cả các khâu trong toàn bộ hệ thống.
  • Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, các mô hình quản trị mới, tạo động lực phát triển nền kinh tế xã hội.
  • Nghiên cứu về phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ (Supporting Industry), cụm nghành công nghiệp (Industrial Cluster) phục vụ cho ngành sản xuất và dịch vụ tại Việt Nam.
  • Nghiên cứu áp dụng hệ thống mô phỏng tư duy quản trị để tối ưu hóa các quyết định của doanh nghiệp.