Ảnh hưởng của các yếu tố bối cảnh và hộ gia đình đến nghèo đa chiều ở nông thôn Việt Nam: Phân tích hồi quy đa cấp

Đến nay đã có một số lượng lớn các nghiên cứu đã xem xét các động lực và yếu tố quyết định của nghèo về thu nhập hoặc chi tiêu ở Việt Nam, trong khi có rất ít nghiên cứu tương tự về nghèo đa chiều. Quan trọng hơn, hầu hết các nghiên cứu trước đây thường bỏ qua vai trò của các yếu tố khu vực không thể quan sát và khu vực quan sát được trong xóa đói giảm nghèo. Bài báo “The influence of contextual and household factors on multidimensional poverty in rural Vietnam: A multilevel regression analysis” của nhóm tác giả Trần Quang Tuyến, Nguyễn Thị Thu Hoài, Hoàng Ngọc Quang và Nguyễn Văn Định công bố trên tạp chí “International Review of Economics and Finance” số 78 (năm 2022) được xem là nghiên cứu tiên phong xem xét ảnh hưởng của yếu tố bối cảnh và hộ gia đình đến nghèo đa chiều ở nông thôn Việt Nam.



Sử dụng kỹ thuật lập mô hình hồi quy đa cấp, nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của các yếu tố bối cảnh và hộ gia đình đối với nghèo đa chiều ở nông thôn Việt Nam. Nhóm tác giả cho rằng các đặc điểm khó quan sát ở cấp tỉnh, huyện và xã chiếm khoảng 28% sự biến động của rủi ro nghèo đa chiều và 25% đối với nghèo về thu nhập. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy một số yếu tố vi mô, chẳng hạn như dân tộc, giáo dục, vốn xã hội, các hoạt động phi nông nghiệp và quản trị công đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cảnh nghèo đói và nghèo đa chiều. Nguy cơ nghèo đói cao hơn đối với những hộ gia đình ở các xã vùng sâu vùng xa; thấp hơn đối với những hộ gia đình ở các xã có điều kiện giao thông và có công việc phi nông nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, nghiên cứu cho thấy sống ở các tỉnh có trình độ phát triển kinh tế, mật độ dân số lớn hơn và hội nhập quốc tế nhiều hơn làm tăng cơ hội thoát nghèo đa chiều và nghèo về thu nhập đối với các hộ gia đình.

Đây được xem là nghiên cứu tiên phong xem xét ảnh hưởng của yếu tố bối cảnh và hộ gia đình đến nghèo đa chiều ở nông thôn Việt Nam, kết hợp dữ liệu vi mô và vĩ mô ở cấp hộ gia đình, cấp xã và cấp tỉnh từ năm 2016 đến năm 2018. Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu thứ cấp từ Bộ dữ liệu Điều tra mức sống dân cư năm 2016 và 2018. Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện trên toàn quốc với quy mô mẫu là 46.995 hộ gia đình tại 3133 xã/phường. Nghiên cứu tiến hành khảo sát gồm 63 tỉnh, thành ở cấp quốc gia, khu vực, thành thị và nông thôn, kết hợp cả dữ liệu hộ gia đình và dữ liệu xã/phường. Sau khi loại trừ các trường hợp thiếu giá trị cho bất kỳ biến nào có liên quan, mẫu hiệu quả của nghiên cứu bao gồm 50.432 hộ gia đình, với 26.764 hộ vào năm 2016 và 23.668 hộ vào năm 2018.

Các tác giả đã sử dụng kỹ thuật mô hình hóa đa cấp để phù hợp với tính chất đa cấp của dữ liệu. Một trong những ưu điểm chính của phương pháp này là các tác giả có thể xem xét sự đóng góp của các yếu tố bối cảnh không thể quan sát được đối với tình trạng nghèo của hộ gia đình. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng mới cho thấy các đặc điểm không quan sát được ở cấp tỉnh, huyện và xã có ảnh hưởng lần lượt khoảng 28% đối với nghèo đa chiều và 25% đối với nghèo về thu nhập. Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện tình trạng nghèo đói không đồng nhất giữa các khu vực và do đó yếu tố khu vực cần được đồng thời tính đến khi điều tra ảnh hưởng của các yếu tố vi mô đối với tình trạng nghèo của các hộ gia đình nông thôn. Những phát hiện chính của nghiên cứu đưa ra một số hàm ý chính sách đối với vấn đề giảm nghèo ở nông thôn có thể kể đến như sau.

Một số phát hiện của nhóm tác giả liên quan đến các yếu tố cấp hộ gia đình cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây. Ví dụ, trình độ học vấn, vốn xã hội, nghề nghiệp và các hoạt động phi nông nghiệp, dân tộc và cấu trúc hộ gia đình có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng nghèo. Trình độ học vấn, bao gồm giáo dục phổ thông, giáo dục sau trung học và đào tạo nghề, cùng với các yếu tố khác, có thể giúp các gia đình nông thôn thoát khỏi đói nghèo hoặc ít nhất là giảm mức độ thiếu thốn của họ. Các hộ gia đình nghèo ngày nay có thể là kết quả của khả năng tiếp cận giáo dục hạn chế trong quá khứ hoặc cha mẹ giáo dục kém, dẫn đến giáo dục kém cho thế hệ con cái trong tương lai, từ đó việc đói nghèo bị tiếp diễn qua các thế hệ. Xem xét tầm quan trọng của giáo dục đã được khẳng định trong nghiên cứu của nhóm tác giả, theo đó Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục của các hộ nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và các khu vực khắc nghiệt, chẳng hạn như khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ đói nghèo cao hơn và mức độ giáo dục còn thấp.

Phát hiện kinh tế lượng của nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm các dân tộc thiểu số có nhiều khả năng rơi vào cảnh đói nghèo hơn. Dữ liệu chỉ ra rằng họ sống với mức độ thiếu thốn cao ở một số khía cạnh, đặc biệt là trình độ học vấn của người lớn, quy mô và chất lượng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch, các dịch vụ thông tin liên lạc và các phương tiện để tiếp cận thông tin. Nhóm tác giả cho rằng cần cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho nhóm thiệt thòi này và cần thiết kế các chính sách hiệu quả hơn. Trong nghiên cứu, các hộ gia đình có nhiều vốn xã hội hơn, được đo lường bằng số thành viên tham gia trong các hội nhóm, ít có khả năng bị nghèo đa chiều. Điều này phản ánh thực tế rằng việc tham gia vào các nhóm như vậy có thể cung cấp cho các hộ gia đình khả năng tiếp cận thông tin và tài nguyên dễ dàng hơn, từ đó giúp họ cải thiện mức sống của mình. 

Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra một số hàm ý chính sách hữu ích bằng cách cung cấp cái nhìn sâu sắc về vai trò tích cực của di cư trong việc giảm nghèo đa chiều ở nông thôn Việt Nam. Điều này ngụ ý rằng để hỗ trợ người di cư và loại bỏ các rào cản mà họ gặp phải, chính quyền trung ương và địa phương cần thiết kế và thực thi các chính sách cụ thể, chẳng hạn như các chính sách hòa nhập và bảo trợ xã hội cho người di cư.

Nghiên cứu xác nhận rằng một số yếu tố bối cảnh quan sát được có thể coi là những động lực chính dẫn đến nghèo đa chiều ở các vùng nông thôn. Khả năng thoát nghèo cao hơn đối với các hộ gia đình ở các xã có điều kiện đi lại và làm nghề phi nông nghiệp, nhưng thấp hơn đối với những người ở vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấy rằng ở cấp xã, các chính sách nên nhằm thúc đẩy các hoạt động phi nông nghiệp và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân địa phương với các phương tiện giao thông. Ở cấp độ vĩ mô, dựa trên các kết quả từ những tác động tích cực của các yếu tố vùng, nghiên cứu đề xuất rằng tăng mức GDP bình quân đầu người của tỉnh và số lượng lao động trong khu vực FDI có thể giúp giảm khả năng hộ gia đình rơi vào cảnh nghèo đa chiều và nghèo về thu nhập. Cuối cùng, dựa trên những phát hiện liên quan đến sự bất bình đẳng và quản trị công cấp tỉnh được thiết lập bởi nghiên cứu, một hàm ý chính sách hữu ích cho chính quyền cấp tỉnh là duy trì sự bình đẳng kinh tế có thể giúp giảm nguy cơ hộ gia đình rơi vào cảnh nghèo về thu nhập. Đồng thời, củng cố chất lượng của quản trị công được kỳ vọng sẽ làm giảm sự nghèo đói trong khu vực.

>> Xem chi tiết: Tuyen Quang Tran, Hoai Thu Thi Nguyen, Quang Ngoc Hoang, Dinh Van Nguyen, “The influence of contextual and household factors on multidimensional poverty in rural Vietnam: A multilevel regression analysis,” International Review of Economics and Finance, Volume 78, March 2022, Pages 390-403. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1059056021002604

==========

Nhóm tác giả:

  • TS. Trần Quang Tuyến - Trường Quốc tế, ĐHQGHN
  • PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT-ĐHQGHN
  • ThS. NCS. Hoàng Ngọc Quang - Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT-ĐHQGHN
  • PGS.TS. Nguyễn Văn Định - Trường Quốc tế, ĐHQGHN

- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT-ĐHQGHN. PGS. Thu Hoài có kinh nghiệm giảng dạy 22 năm liên tục tại ĐHQGHN. Tính đến nay, PGS. Thu Hoài đã tham gia thực hiện 2 đề tài trọng điểm cấp Nhà nước; 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và các cấp; chủ biên, đồng chủ biên và tham gia viết 8 giáo trình, sách chuyên khảo dành cho đào tạo đại học và sau đại học; công bố nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và tạp chí quốc tế uy tín. Hiện PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài là thành viên Ban Biên tập tạp chí The Journal of Research in Social Sciences and Language (JSSAL) - CHLB Đức. Nghiên cứu của PGS. Thu Hoài tập trung vào các hướng chính: Khủng hoảng tài chính toàn cầu; Toàn cầu hóa và mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế; An ninh kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

ThS. NCS. Hoàng Ngọc Quang: Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT-ĐHQGHN; tốt nghiệp cử nhân Kinh tế Đối ngoại tại Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội năm 2011, thạc sĩ liên kết MBA tại Trung tâm Pháp Việt đào tạo về Quản lý (CFVG) năm 2014, hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế. Đến nay, NCS. Hoàng Ngọc Quang đã xuất bản 3 bài báo quốc tế có chỉ số ISSN, 4 bài báo trong nước, với các hướng nghiên cứu chính gồm: Kinh tế chính trị, Kinh tế chính trị quốc tế, Toàn cầu hóa, và Kinh tế chia sẻ.