Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Australia trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do

Đây là một phần kết quả của đề tài “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam – Australia trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do”. Đề tài được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia (AAGF), do Aus4Skills quản lý. Mục tiêu của đề tài là phân tích chuyên sâu về thương mại nông sản giữa Việt Nam và Australia trong bối cảnh hai quốc gia thực hiện các FTA chung và nâng tầm lên quan hệ Đối tác Chiến lược, từ đó đóng góp vào việc đề xuất các chính sách liên quan đến thương mại hiệu quả nhằm thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam – Australia; nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân Việt Nam thay đổi tư duy, phương thức sản xuất để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường Australia. 



Thương mại nông sản Việt Nam - Australia còn nhiều dư địa phát triển

Năm 2022, Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia ngày càng được chú trọng và phát triển thông qua việc cùng tham gia 3 FTA gồm: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đặc biệt, ngày 4/6/2023, hai bên đã trao văn kiện “Bản ghi nhớ hợp tác thành lập cơ chế Đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia”, mở ra nhiều cơ hội để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng và khai thác tối đa các ưu đãi từ 3 FTA chung. 

Các sản phẩm nhập khẩu từ Australia ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận tích cực. Australia ngày càng trở thành nguồn cung cấp vững chắc cho nền sản xuất của Việt Nam khi là thị trường lớn cung cấp cho Việt Nam các mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho phát triển các chuỗi giá trị, nổi bật trong đó là các mặt hàng về nông sản đa dạng và chất lượng. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Australia hiện đang có cơ hội được thưởng thức nhiều loại nông sản và thực phẩm từ Việt Nam. Tuy nhiên, thương mại nông sản Việt Nam - Australia thấp hơn so với tiềm năng. Trong giai đoạn 20 năm từ 2002-2021, mặc dù thương mại nông sản song phương tăng 14,3 lần từ 189 triệu USD lên 2,7 tỷ USD, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp và chỉ tăng từ 12% lên khoảng 22% tổng kim ngạch thương mại song phương. Các loại nông sản trao đổi giữa Australia và Việt Nam cũng kém đa dạng, tập trung vào một số loại trái cây và động vật sống. 

Nhận diện một số rào cản trong thương mại nông sản Việt Nam – Australia

- Chính sách tận dụng các FTA chung để thúc đẩy thương mại nông sản song phương chưa đủ mạnh mặc dù cả Việt Nam và Australia đều là thành viên của ba FTA gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP.

- Nhận thức của các doanh nghiệp của cả hai nước về các FTA chung, thị trường đối tác, những ưu đãi và thủ tục trong thương mại song phương, hệ thống phân phối và các đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường của nhau còn hạn chế.

- Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam có kiến thức hạn chế về các yêu cầu đối với hàng nông sản xuất khẩu sang Australia và năng lực đáp ứng các yêu cầu này thấp. 

Cơ hội thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Australia

Chính phủ cần tiếp tục thiết lập môi trường chính sách thuận lợi để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên. Đưa ra các chương trình hành động và giải pháp cụ thể để cụ thể hóa các nội dung hợp tác trong các FTA và chiến lược, tạo ra môi trường chính sách thuận lợi để Việt Nam có thể được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn, công nghệ, cũng như kinh nghiệm quản lý, sản xuất nông nghiệp của nông dân và doanh nghiệp lớn tại Australia. Hoàn thiện các chính sách tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam và Australia cùng hợp tác, chia sẻ thông tin và liên kết sản xuất trong nông nghiệp. 

Chính phủ cần có các chiến lược thúc đẩy và khuyến khích sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao, đặc biệt tập trung vào các nhóm hàng thế mạnh như thủy sản, trái cây, gạo... Khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi chiến lược từ sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản theo số lượng và tốc độ cao sang phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tận dụng lợi thế so sánh của quốc gia mình. Các cơ quan nhà nước cũng cần quản lý chặt chẽ các công đoạn nuôi trồng, chế biến, bảo quản hàng nông sản sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn tại thị trường Australia. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, giấy phép, chứng từ hải quan, chứng nhận xuất xứ; áp dụng thương mại điện tử trong việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường Australia cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các tài liệu về thị trường Australia cần bao gồm cả tài liệu thông tin chung và các tài liệu chuyên sâu theo ngành hàng chuyên sâu, theo lĩnh vực cụ thể, tạo sự thuận tiện cho doanh nghiệp khi tìm hiểu, tra cứu. Việc thay đổi phương thức cung ứng thông tin là rất quan trọng và cần thiết. Ngoài cung ứng thông tin qua mạng Internet, các buổi hội thảo và thảo luận chuyên đề cũng cần được tiến hành để đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về cách thức tuân thủ các quy định của Australia. 

Tăng cường nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp và nông dân về các FTA giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt là cho doanh nghiệp, từ đó tạo động lực để nâng cao năng lực hội nhập. Cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp về các cam kết cụ thể của AANZFTA, RCEP và CPTPP; dự báo tác động của các FTA đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Australia theo từng mặt hàng trọng điểm. Việc phổ biến, tuyên truyền thông tin về các FTA cần gắn với nhiệm vụ rõ ràng cho các Bộ, ngành để huy động sự tham gia tích cực. Các Bộ, ban ngành liên quan cần phối hợp với nhau để hoàn thiện khung pháp lý đẩy mạnh thực hiện các FTA, nhất là với các cam kết trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. 

Phối hợp với Australia trong khuôn khổ các FTA chung để thúc đẩy hài hòa hóa các biện pháp phi thuế quan, đồng thời hợp tác để nâng cao năng lực trong việc đáp ứng các biện pháp này, đặc biệt là đáp ứng biện pháp SPSs và TBTs. Đẩy mạnh đàm phán, trao đổi để tháo gỡ một cách hợp lý các rào cản thương mại, các biện pháp SPSs, TBTs áp dụng đối với nông sản Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nước ASEAN có chung lợi ích, lựa chọn một số ngành hàng mà Australia đặt ra nhiều rào cản để đàm phán với Australia giảm bớt các rào cản. 

Cần đẩy mạnh vai trò của Thương vụ Việt Nam tại Australia trong việc kết nối doanh nghiệp Australia với doanh nghiệp Việt Nam cũng như xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cho nông sản Việt Nam sang thị trường Australia. Cần có cách thức bài bản để lựa chọn đối tượng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sang thị trường Australia. Ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, có chứng chỉ, tham gia các chương trình quản lý chất lượng, thương hiệu quốc gia, có tiềm năng trở thành doanh nghiệp dẫn dắt, đầu đàn trong ngành. 

Chính phủ cần chú ý đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra các cấp quản lý có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp.Cần có các biện pháp cải thiện chương trình giảng dạy theo hướng tập trung chuyên sâu và ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn vào nông nghiệp.

Tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản; tăng cường đầu tư vào sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững, kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường Australia để giảm thiểu chi phí và tăng hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: (i) Tổ chức trưng bày, giới thiệu và xuất khẩu hàng hóa qua gian hàng chung cho doanh nghiệp thành viên trên sàn giao dịch thương mai điện tử quốc tế; (ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp mở tài khoản, duy trì tư cách thành viên; (iii) Tư vấn, hỗ trợ pháp lý đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường xuất khẩu theo yêu cầu của sàn giao dịch và thị trường, xây dựng lại bao bì, nhãn mác theo quy chuẩn của sàn và thị trường; (iv) Đưa ra các ứng dụng cho phép người sử dụng điện thoại thông minh/các đại diện của doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các hội chợ, triển lãm trực tuyến với thị trường Australia. 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN