Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng

Đây là đề tài nằm trong chuỗi Báo cáo tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về “Thúc đẩy xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới” do PGS.TS. Hà Văn Hội làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu của đề tài là phân tích thực trạng xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong giai đoạn này.



Dự báo tình hình ngành dệt may đến hết năm 2023, sang năm 2024 

Trong thời gian qua, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn, tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, tăng trưởng thế giới giảm từ mức 3% năm 2022 xuống chỉ còn 1,9% năm 2023, đánh dấu một trong những mức tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong những thập kỷ gần đây. Suy thoái kinh tế có thể tác động mạnh mẽ đến thị trường ngành dệt may thế giới, làm giảm nhu cầu tiêu thụ, biến động tỷ giá hối đoái, tác động đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới dự báo giảm 8-10%, tình hình khó khăn của ngành dệt may Việt Nam có thể kéo dài đến hết năm 2023 và sang năm sau với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Bắt đầu từ quý 4/2022, xuất khẩu dệt may đã cho thấy sự suy yếu, đặc biệt trong 7 tháng đầu năm 2023, khi kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 22,8 tỷ USD, giảm 14,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Thế khó từ áp lực trong nước và yêu cầu của thị trường xuất khẩu

- Sự thiếu hụt trầm trọng về đơn hàng: Tâm lý tiết kiệm và e ngại chi tiêu đã khiến nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may giảm mạnh mẽ, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.

- Yêu cầu xanh hóa sản phẩm, thân thiện với môi trường và các tiêu chuẩn tái chế đã tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp nội địa do đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và lâu dài trong việc phát triển các chuỗi cung ứng bền vững và toàn diện.

- Lạm phát gia tăng đã làm tăng chi phí đầu vào, tạo áp lực giảm giá sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận giá gia công giảm tới 50% so với các năm trước. 

Một số áp lực khác như việc phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc đã tạo khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại; các chính sách ưu đãi của Chính phủ chưa hiệu quả do các yêu cầu và thủ tục phức tạp; các doanh nghiệp FDI thường đáp ứng các điều kiện ưu đãi của Chính phủ tốt hơn so với các doanh nghiệp nội địa, tạo áp lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước…

Tích cực chuyển mình để thích ứng với bối cảnh mới

Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu dệt may Việt Nam trong thị trường quốc tế. Các FTA được ví như đường cao tốc cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam, do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nắm rõ các điều kiện và cam kết, đặc biệt là hàng rào phi thuế quan.

Đổi mới phương thức sản xuất, hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thân xanh sạch đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển các chuỗi cung ứng dệt may toàn diện và bền vững. Cần chú trọng đầu tư vào các nguyên vật liệu tự nhiên, truyền thống, tránh sử dụng sản phẩm từ vật liệu tự kết dính, gây ô nhiễm môi trường; đầu tư các khu công nghiệp thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đảm bảo công tác xử lý chất thải công nghiệp, hướng tới phát triển bền vững. 

Đẩy mạnh quá trình tự động hóa sản xuất, bắt kịp với xu hướng phát triển của bối cảnh chuyển đổi số. Cần tập trung vào việc tự động hóa dây chuyền sản xuất, chuẩn bị nguồn lực (nguồn nhân lực, vốn, công nghệ kỹ thuật số) để hiện đại hóa các khâu sản xuất và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường. Nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong việc phát triển và đào tạo đội ngũ giảng viên về công nghệ 4.0.

Cần có sự minh bạch và định hướng rõ ràng trong các chính sách thúc đẩy xuất khẩu, gợi ý và hướng dẫn cụ thể mô hình hoạt động cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hướng tới nền kinh tế xanh và số hóa. Đơn cử, việc thực hiện xanh hóa quá trình sản xuất hàng dệt may cần làm rõ định nghĩa xanh hóa, đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng và có hệ thống để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư và thực hiện. Cần tăng cường sự kết nối giữa các Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp dệt may nhằm nâng cao tính hiệu quả trong các chương trình hỗ trợ, xúc tiến thương mại. 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN