Trang cựu sinh viên
 
Gặp gỡ cô sinh viên Đại học Kinh tế đạt nhiều học bổng

Sinh viên Nguyễn Thị Thắng, Khóa QH-2008-E Khoa Tài chính Ngân hàng, ĐHKT
Qua con số thống kê của Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, chúng tôi được biết sinh viên ĐHKT có rất nhiều cơ hội được nhận học bổng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với một trong những sinh viên đạt nhiều học bổng của Trường: em Nguyễn Thị Thắng, sinh viên khóa QH-2008-E Khoa Tài chính Ngân hàng. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:


PV: Được biết em là một trong những sinh viên ĐHKT đã được nhận nhiều học bổng. Riêng năm học 2010 - 2011 em đã được nhận 4 học bổng. Em có thể chia sẻ về điều này?

SV Nguyễn Thị Thắng: Năm học 2010 - 2011, em đã nhận được 4 học bổng từ các tổ chức, cá nhân là đối tác của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đó là học bổng Shinnyoen, học bổng Golden Bridge, học bổng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn và học bổng dành cho "Cán bộ hoạt động tích cực, học tập tốt" với tổng giá trị gần 17 triệu đồng.

Trong đó, giá trị của học bổng dành cho "Cán bộ hoạt động tích cực, học tập tốt" không nhiều như các học bổng khác nhưng em lại rất ấn tượng và thích vì quan niệm của em, một sinh viên thời hiện đại không chỉ học tập tốt mà còn phải hoạt động tốt, năng động, nhiệt tình và biết cách hòa nhập với cộng đồng, cống hiến sức trẻ cho xã hội.

Để được nhận học bổng, thực ra em cũng không có bí quyết gì đặc biệt để có thể chia sẻ với mọi người. Vì có lẽ em cũng bình thường như tất cả các bạn sinh viên khác, có chăng em chỉ là may mắn hơn các bạn chút chút thôi, và tất nhiên, mọi thành quả đều là hiện thân của sự cố gắng và nỗ lực hết mình.

PV: Đi ngược dòng cách đây gần 4 năm một chút nhé. Em có thể cho biết lý do vì sao em chọn Trường ĐHKT - ĐHQGHN không?

SV Nguyễn Thị Thắng: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là ngôi trường em phải thi đến năm thứ 2 mới vào được. Đối với em đỗ vào Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là một niềm vui ngoài sức tưởng tượng. Vào thời điểm em thi lần đầu (năm 2007) ngành Tài chính - Ngân hàng đang là một nghành rất "hot". Các trường đại học cũng bắt nhịp rất nhanh với nhu cầu cần được đào tạo về ngành này, nên hầu như các trường kinh tế đều có đào tạo ngành này. Khi tìm hiểu về cách thức đào tạo cũng như các điều kiện khác, em đã lựa chọn Trường Đại học Kinh tế - ĐHGHN mặc dù điểm vào ngành TCNH của trường này các năm trước khá cao, có những năm lên đến 24 điểm và thấp nhất trong quá khứ là 21. Em vẫn quyết tâm. Và may mắn đã không mỉm cười với em lần thi đầu tiên này. Khối D năm đó điểm chuẩn đúng như em dự đoán là 24.

Em ở nhà một năm và năm sau em lại chọn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, ngành Tài chính - Ngân hàng để thi. Trong quá trình làm hồ sơ dự thi, có lúc em tự hỏi "Cũng xác định là phải được 24 điểm trở lên thì mới đỗ thế thì tại sao lại không đăng ký vào Ngoại thương? Một ngôi trường danh tiếng mà ai cũng phải mơ ước?"… Em băn khoăn rất nhiều. Nhưng cuối cùng sự lựa chọn của em vẫn là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Khi biết kết quả dự thi, điểm số của em chưa tính điểm cộng đã đủ điểm vào ĐH Ngoại thương, ngành TCNH. Một chút nuối tiếc chợt đến với em! Nhưng đối với em, mọi thứ có lẽ là có "duyên". Em tin, Trường ĐHKT có duyên với em. Và Trường ĐHKT sẽ không làm em hối hận vì những gì em đã nỗ lực.

PV: Sau 3 năm học, cảm nhận của em về ngôi Trường ĐHKT - ĐHQGHN ra sao?

SV Nguyễn Thị Thắng: Sau 3 năm học, em càng thấy được sự lựa chọn của mình không chỉ là có duyên mà còn rất đúng đắn. Càng ngày em càng yêu ngôi trường này hơn, mặc dù ban đầu cũng có một vài hẫng hụt. Ví như: không được học trong khuôn viên trường quốc gia rộng lớn để được đi bộ dạo bước sau mỗi giờ tan học, Trường ĐHKT - ĐHQGHN còn khá mới nên còn hay bị nhầm lẫn với ĐHKTQD… Nhưng thay vào đó, chúng em được sự chỉ dạy của một đội ngũ giảng viên không những có trình độ chuyên môn cao mà còn giàu kinh nghiệm thực tế. Các thầy cô rất gần gũi và nhiệt tình khiến chúng em cảm thấy thật thoải mái để tiếp nhận kiến thức. Em còn đặc biệt ấn tượng với phong cách làm việc của các anh chị Phòng Đào tạo của trường: thân thiện và chu đáo, giúp đỡ chúng em tận tình và luôn truyền đạt những thông tin, chính sách cần thiết một cách nhanh nhất. Qua 3 năm học ở đây, những cảm giác tiếc nuối ban đầu của em đã dần tan biến, nhường chỗ cho những niêm vui mới - niềm vui được học tập, trau dồi kiến thức trong một môi trường mở, nhiều thuận lợi; niềm vui có cơ hội được phấn đấu…

 PV: Được biết, hiện nay em đang tham gia chương trình đào tạo bằng kép giữa Trường ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN. Theo học cả hai ngành có quá sức với em?

SV Nguyễn Thị Thắng: Dạ, cũng quá sức một chút, nhưng chắc là em sẽ vượt qua được. Nhất là những khi có nhiều bài tập quá, em thấy hơi nản! Do học đồng thời 2 chuyên ngành nên em phải bỏ qua một số cơ hội với một vài công việc em thích như MC truyền hình, vì thời gian eo hẹp. Nhưng em hiểu rằng đây là một cơ hội vô cùng tốt và hiếm có với mình. Thật không thể tin được ra trường mình sẽ có thêm một bằng chính quy của Trường ĐH Ngoại ngữ. Đó sẽ là hành trang tốt cho em đi xin việc và làm tốt các công việc của mình trong tương lai. Người ta thường nói: "Không có con đường nào trải đầy hoa hồng", em cũng cảm nhận thấy như vậy. Vì thế mà em cố gắng vượt qua mọi khó khăn đến bây giờ.

PV: Học cả hai văn bằng ở hai trường, là cán bộ lớp - cán bộ đoàn và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Em có động lực nào vậy?

SV Nguyễn Thị Thắng: Em xin đính chính , em chỉ là cán bộ lớp thôi. Tuy nhiên em hay tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở trường, ở khoa vì đó là năng khiếu và sở thích của em. Nói về động lực, đầu tiên phải nói đó là bố mẹ em. Em là con một nên dường như tất cả niềm tin yêu và hy vọng bố mẹ đều đặt cả vào em. Vậy nên em càng phải cố gắng không làm sao bố mẹ không buồn và thất vọng. Chỉ có mỗi mình em, lại là con gái nên đôi khi bố em cũng buồn. Em lại càng phải cố gắng để bố thấy rằng: con gái cũng làm được cho bố mẹ tự hào chứ không riêng gì con trai mới làm được.

Và động lực thứ 2 của em đó là "một lời hứa". Khi mới vào trường tình cờ em được quen biết với anh Nguyễn Đình Minh Anh - Chủ tịch CLB Kinh tế trẻ (YEC), Phó Chủ tịch Hội Sinh viên của Trường Đại học Kinh tế. Sau đó 2 anh em trở nên thân thiết, anh luôn nhắc nhở chỉ bảo em học hành. Anh ấy học rất giỏi, và mỗi khi em bị điểm kém, tư tưởng lơ là, chán nản, lười nhác hay đạt kết quả không tốt thì em luôn cảm thấy ái ngại khi gặp anh ấy. Anh như một tấm gương để mỗi ngày trôi qua em nhìn lại chính mình. Và em lại càng thêm cố gắng. Anh không những là "vị tiền bối" đáng kính mà còn là chỗ dựa tinh thần để em chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Giờ anh Minh Anh đang đi du học tại Đại học Chicago (Mỹ), em không còn được nghe những lời động viên, chia sẻ trực tiếp từ anh như trước nhưng em đã hứa rằng sẽ cố gắng học tập tốt để xứng đáng với lời hứa của mình.

PV: Dự định cho tương lai của em?

SV Nguyễn Thị Thắng: Bây giờ em đã hết năm thứ 3 rồi. Việc học càng trở nên gấp rút và nặng nề, nhưng bên cạnh đó em muốn trang bị cho mình những kiến thức thực tế để cho công việc của em sau này, nên thay vì đi học các khóa chứng chỉ ngắn hạn như mọi người, em đang cố gắng xin vào một ngân hàng để thực tập trước, cũng như tìm hiểu nhiều hơn về nó. Mặc dù đây là một việc khá khó khăn cho một cô sinh viên ngoại tỉnh không có nhiều quen biết như em, nhưng em sẽ cố gắng. Khả năng tiếng Anh của em cũng chưa được tốt lắm nên em đang dồn hết sức để học, bởi em hy vọng sẽ có được một vị trí tốt ở công ty nước ngoài. Còn 1 năm nữa em sẽ ra trường. Đây là thời gian cuối cùng của đời sinh viên nên em cũng sẽ cố gắng tham gia nhiều hoạt động của Trường, của lớp hơn vì em sợ mai sau sẽ hối tiếc quãng thời gian đẹp đẽ này khi ngoảnh đầu nhìn lại. Có thể em hơi tham lam quá chăng… Nhưng em nghĩ là một sinh viên ĐHKT, em nên như thế.

PV: Cảm ơn em!

Lưu Mai (thực hiện)