Trang cựu sinh viên
 
Tiếp sức cho sinh viên dân tộc thiểu số

Sinh viên ký kết hợp đồng vay vốn không lãi trực tiếp với đại diện UOB.
Đầu tháng 6/2010, hàng trăm sinh viên dân tộc thiểu số, con em Nông dân nghèo đã được ký hợp đồng vay vốn không lãi để nộp học phí từ Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo Việt Nam.


Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo Việt Nam, do Ngân hàng United Overseas Bank (UOB, Singapore) phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập.

Ông Wee Ee Cheong - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng UOB cho biết: "Từ khi đến Việt Nam, chúng tôi đã có dịp qua các vùng nông thôn, vùng núi có người dân tộc thiểu số sinh sống và thấy cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mong muốn của Ngân hàng UOB là dành những chính sách ưu đãi thiết thực, hiệu quả nhất cho người nghèo ở những vùng đó, đặc biệt là con cái của họ".

Mức vay và hình thức vay của sinh viên sẽ như thế nào, thưa ông?

"Chúng tôi tin tưởng việc đưa ra những khoản vay vốn không lãi suất thay vì học bổng sẽ được duy trì lâu dài và ổn định hơn nhằm mang lại lợi ích cho nhiều sinh viên, nhất là những sinh viên nông thôn, sinh viên người dân tộc thiểu số."

Ông Thng Tien Tat- Giám đốc Ngân hàng UOB phụ trách khu vực Việt Nam và Myanmar

- Mức vay sẽ tùy thuộc vào mức học phí của từng trường, từng khoa mà sinh viên theo học. Giai đoạn đầu này, Quỹ dự kiến sẽ triển khai cho sinh viên vay trong thời gian 3 năm, với tổng số tiền hơn 5,5 tỷ đồng (tương đương với 300.000 USD). Như vậy ước tính sẽ có khoảng 700 sinh viên được vay vốn.

Về hình thức vay, sau khi sinh viên điền đầy đủ thông tin vào mẫu đăng ký vay (có chữ ký của phụ huynh, xác nhận của nhà trường và địa phương) kèm theo giấy chứng thực mức học phí các em phải đóng trong năm học đó rồi gửi về Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngân hàng UOB sẽ xét duyệt, nếu đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ số tiền mà sinh viên được vay vào tài khoản của nhà trường để các em không phải mất thời gian đi lại nhiều...

Xin ông cho biết điều kiện và tiêu chuẩn để được vay vốn?

- Ở giai đoạn đầu này, chỉ sinh viên nghèo hoặc sinh viên là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mới được vay vốn. Vốn vay được phân bổ cho từng năm học.

Tiêu chuẩn là những sinh viên người dân tộc thiểu số (có giấy xác nhận) hoặc có bố mẹ làm ruộng gặp khó khăn về tài chính (hộ gia đình có thu nhập dưới 300 USD/năm); những sinh viên này phải có hạnh kiểm tốt và kết quả học tập đạt từ trung bình trở lên trong tất cả các môn học vào thời điểm làm đơn vay vốn... Những giai đoạn tiếp theo, nếu thấy phương thức cho vay này hiệu quả, có tác động tích cực, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng.

Được vay không lãi là một ưu đãi, nhưng thực tế hiện nay, sinh viên Việt Nam ngay sau khi ra trường, nhất là các bạn người dân tộc thiểu số, rất khó có thể trả nợ ngay được. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chúng tôi cũng đã nghĩ đến điều này và đó là lý do Ngân hàng UOB và Quỹ đưa ra thời gian cho sinh viên hoàn vốn sau 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian hoàn vốn cũng sẽ được kéo dài trong 2 năm rưỡi. Khoảng thời gian này đủ để cho sinh viên tìm kiếm việc làm và có thu nhập ổn định. Hình thức trả sẽ là trả góp từng tháng (trong 30 tháng) hoặc trả hết ngay nếu sinh viên có điều kiện.

Xin cảm ơn ông!

UOB là ngân hàng hàng đầu ở Singapore, cung cấp hàng loạt các dịch vụ tài chính thông qua mạng lưới toàn cầu trên 500 văn phòng ở 18 quốc gia và lãnh thổ ở châu Á Thái Bình Dương, Tây Âu và Bắc Mỹ. Văn bản thỏa thuận hợp tác song phương về việc thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo Việt Nam vay vốn học tập không lãi suất được UOB ký kết với Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tháng 1-2010.


Trương Huyền (NTNN)