Khoa Quản trị kinh doanh
 
Tăng tính thực tiễn trong đào tạo ngành tài chính - ngân hàng

Đó là một trong những đề xuất của các chuyên gia tại hội thảo “Đổi mới đào tạo ngành tài chính - ngân hàng đáp ứng nhu cầu xã hội” do Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) tổ chức ngày 15/5/2013.


Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới của xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế và tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã chủ trì hội thảo.
Đến dự hội thảo về phía Trường ĐHKT còn có PGS.TS Trần Anh Tài - Phó hiệu trưởng, TS. Vũ Anh Dũng - Phó hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo các phòng/ban, lãnh đạo và giảng viên Khoa TCNH.
Về phía khách mời có đại diện các trung tâm đào tạo của các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước, Techcombank, Vietinbank, BIDV, MB); đại diện các trường đại học có đào tạo ngành TCNH (Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng...); đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Công ty Quản lý quỹ đầu tư AI capital.
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu từ sau năm 2008 đã khiến cho nhu cầu của xã hội đối với nhân lực ngành tài chính - ngân hàng có sự thay đổi lớn. Một mặt, nhân lực ngành tài chính - ngân hàng sẽ có sự dư cung lớn trong nền kinh tế; mặt khác, thực tế cho thấy thì nhân sự trình độ và có chất lượng cao vẫn thiếu hụt trong ngành tài chính - ngân hàng. Đối mặt với những thách thức này, các cơ sở đào tạo ngành tài chính - ngân hàng rất cần có sự thay đổi mục tiêu, chương trình, và phương pháp giảng dạy để có thể đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế. Ông Sơn mong rằng: hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ, tư vấn, trao đổi, cùng nhà trường tìm ra những hướng đi mới cho việc đào tạo ngành TCNH nói chung cũng như tại Trường ĐHKT nói riêng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu khai mạc


Tiếp đó, hội thảo đã lắng nghe các tham luận của đại diện Khoa TCNH và các cơ quan về một số vấn đề liên quan đến đào tạo ngành tài chính - ngân hàng (TCNH). Tham luận “Thực trạng đào tạo ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay - Khó khăn và thuận lợi” của TS. Đặng Ngọc Đức (Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nêu lên những bất cập trong nội dung và phương pháp đào tạo ngành tài chính - ngân hàng ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và các trung tâm đào tạo thuộc ngân hàng. Theo đó, tại các trường đại học, chương trình đào tạo ngành TCNH còn quá nặng về lý thuyết, nhiều môn học không cần thiết; phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả chưa mang tính tích cực... Tại các trung tâm đào tạo thuộc ngân hàng thì thiếu giảng viên cơ hữu mà phương thức truyền đạt chưa chuyên nghiệp.

Tham luận “Thách thức trong ngành tài chính - ngân hàng trước sự thay đổi của môi trường xã hội” của TS. Quan Đức Hoàng (Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ đầu tư AI Capital) tiếp cận các thách thức trên 3 phương diện: chuyên môn, công tác giảng dạy, công tác liên kết thực tập giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Trong đó, ông Hoàng cho rằng, TCNH là một khái niệm rất rộng nhưng đa số các cơ sở đào tạo và sinh viên hiện nay chỉ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng mà chưa quan tâm đến tài chính. Về việc giảng dạy TCNH, ông Hoàng cho rằng đội ngũ giảng viên hiện nay của ngành này chưa có nhiều kiến thức thực tiễn và bản thân nhiều sinh viên chưa có ý thức tự học, tác phong học tập chưa chuyên nghiệp.

Tham luận “Phát triển nguồn nhân lực trong ngành ngân hàng trước sự thay đổi của môi trường kinh doanh” của TS. Nguyễn Đức Tú (Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank) đã bàn luận về những hạn chế của nguồn nhân lực hiện nay nói chung và tại các ngân hàng thương mại nói riêng. Ông Tú nhận định, không ít tân cử nhân ngành TCNH hiện nay còn thiếu các kỹ năng quan trọng để làm việc như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp..., thiếu khả năng tư duy sáng tạo, chưa có kiến thức tổng hợp trong lĩnh vực công việc.
Nhìn chung, theo các tham luận trên, những điểm cần đổi mới trong công tác đào tạo ngành TCNH hiện nay chính là việc tăng cường tính thực tiễn cho cả giảng viên và sinh viên; các ngân hàng, tổ chức tài chính và cơ sở đào tạo, các trường đại học cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực.
Hai bản tham luận của các giảng viên Khoa TCNH (Trường ĐHKT) mang đến một số nội dung mới. Tham luận do TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH trình bày giới thiệu đến hội thảo “Đề án đào tạo hướng nghiệp theo vị trí công việc ngành TCNH” được xây dựng bởi nhóm các cán bộ, giảng viên của Trường ĐHKT. Theo đó, qua khảo sát, điều tra, đề án đã xác định được 5 vị trí trong ngành ngân hàng và 5 vị trí trong ngành tài chính có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Trên cơ sở đó, đề án xây dựng những khung chương trình đào tạo cụ thể cho mỗi vị trí công việc. Tuy nhiên, để triển khai được đề án, đặc biệt cho những khóa đầu tiên, các tác giả mong rằng sẽ nhận được sự quan tâm và tài trợ của các ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Với chủ đề “Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản trị các tổ chức tài chính”, tham luận của TS. Lê Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH khẳng định, những bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài khiến các tổ chức tài chính hiện đối mặt với rủi ro rất cao và không ngừng tăng lên, cộng với sự dễ tổn thương của hệ thống tài chính Việt Nam nên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản trị tổ chức tài chính là nhu cầu bức thiết của nền kinh tế. Trên thế giới, đã có khá nhiều chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên sâu về Quản trị các tổ chức tài chính từ năm 2008, sau khi xuất hiện khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện chưa có cơ sở đào tạo nào cung cấp chương trình này. Tác giả đề xuất, Trường ĐHKT - ĐHQGHN sẽ là đơn vị tiên phong triển khai chương trình đào tạo sau đại học về Quản trị các tổ chức tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.


Nhiều ý kiến trao đổi được đưa ra tại hội thảo, trong đó, có ý kiến cho rằng cơ sở đào tạo cần xác định rõ mục tiêu, chiến lược cũng như đặc thù của mình về đào tạo ngành TCNH trước khi thực hiện đổi mới
Thảo luận về những hạn chế của việc đào tạo ngành TCNH hiện nay, nguyên nhân của hạn chế, những giải pháp đổi mới về hình thức và phương pháp cụ thể tại các cơ sở đào tạo, các đại biểu có mặt tại hội thảo cũng trao đổi thêm về câu hỏi: nên hay không đào tạo sinh viên đáp ứng được ngay những yêu cầu công việc của ngân hàng, doanh nghiệp? Theo đó, một số ý kiến cho rằng, bản thân lĩnh vực tài chính - ngân hàng nhiều biến động nên đòi hỏi sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được ngay công việc là khó, tuy nhiên những kiến thức cơ bản và một số kỹ năng thiết yếu cần được đảm bảo.

Bên cạnh đó, có ý kiến gợi ý, cơ sở đào tạo cần xác định rõ mục tiêu, chiến lược cũng như đặc thù của mình về đào tạo ngành TCNH từ đó mới có thể thực hiện đổi mới hiệu quả. Nhiều ý kiến nhận định, ý thức và sự chủ động của người học đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của cơ sở đào tạo...
Hội thảo đã kết thúc sau gần 3 tiếng làm việc nghiêm túc, sôi nổi.
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã cảm ơn sự tham gia và đóng góp ý kiến của các đại biểu. Ông mong rằng Trường ĐHKT và Khoa TCNH sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực, chặt chẽ hơn nữa của các chuyên gia, các ngân hàng/doanh nghiệp và các cơ quan nhằm đổi mới hiệu quả công tác đào tạo ngành TCNH nói riêng và các ngành đào tạo khác tại nhà trường.

Đỗ Đỗ