Khoa Quản trị kinh doanh
 
Báo cáo kết quả nghiên cứu Đánh giá năng lực tài chính của các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Hương Huyền - Phó Giám đốc CEDS, thành viên nhóm nghiên cứu thay mặt nhóm báo cáo kết quả thực hiện được
Chiều ngày 12/8/2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức báo cáo kết quả nghiên cứu “Đánh giá năng lực tài chính của các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam”.


Đến tham dự buổi báo cáo có đại diện của Irish Aid, Hội đồng Anh, Đại sứ quán Canada, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Trung tâm Phát triển xã hội Tia sáng (Spark), Trung tâm Nghiên cứu Sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS). Về phía Trường Đại học Kinh tế có TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Lê Trung Thành - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng cùng các thành viên của nhóm nghiên cứu.  Bên cạnh đó, tham dự buổi báo cáo còn có đại diện các NGOs như ACDC, COHED và doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam như Quà của biển, Viethealth.

Dự án nghiên cứu “Đánh giá năng lực tài chính của các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam” được nhóm nghiên cứu của CEDS thực hiện với sự tài trợ của quỹ Irish Aid. Dự án triển khai từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2014 với phương pháp case studies 19 doanh nghiệp thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam. Từ số liệu tài chính thu thập của 19 doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã phân tích và có những kết luận về các thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp xã hội cũng như thực trạng tài chính của các doanh nghiệp này.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đưa ra một số đánh giá sự bền vững tài chính của các doanh nghiệp xã hội dựa trên các chỉ số tài chính. Nghiên cứu cũng đưa ra được các hàm ý, khuyến nghị đối với các bên liên quan.


TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế phát biểu tại buổi báo cáo

Thảo luận về kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu, các ý kiến đánh giá cao nỗ lực của nhóm đối với một đối tượng khá mới tại Việt Nam. Các kết quả mà nhóm đưa ra đã phản ánh được một phần hiện trạng phát triển và những vấn đề doanh nghiệp xã hội đang đối mặt. Những đóng góp này mang ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra góp ý cho nghiên cứu về phương pháp luận, cách phân loại đối tượng nghiên cứu, hay việc làm nổi bật những nét đặc thù riêng của doanh nghiệp xã hội so với doanh nghiệp thông thường.

Bà Trần Thị Hồng Gấm - đại diện Hội đồng Anh bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu này, khẳng định doanh nghiệp xã hội là một trong những chủ đề ưu tiên hàng đầu của Hội đồng Anh và hy vọng sẽ có thể cùng các tổ chức, nhà tài trợ hỗ trợ cho trung tâm thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về doanh nghiệp xã hội.
Ông Phan Đăng Cường - đại diện Irish Aid khẳng định về chất lượng kết quả nghiên cứu và nhấn mạnh đến nỗ lực của nhóm nghiên cứu cũng như sự dũng cảm của các doanh nghiệp xã hội khi cung cấp các thông tin tài chính nhạy cảm để hỗ trợ nhóm nghiên cứu hoàn thành dự án.
Kết thúc buổi báo cáo, các đại biểu đều bày tỏ sự kỳ vọng về kết quả nghiên cứu và những khuyến nghị sẽ được đưa vào thực tiễn; đồng thời mong muốn các nghiên cứu mang tính thực tiễn cao về doanh nghiệp xã hội sẽ tiếp tục được thực hiện.



Nhóm nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển cho biết, trong thời gian tới, trung tâm sẽ triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu hơn nữa để hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội hàng đầu tại Việt Nam.

Ngọc Ánh (CEDS)