Khoa Quản trị kinh doanh
 
Nghiên cứu và giảng dạy chính sách công trong bối cảnh hiện nay

Ngày 4/4/2013, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức seminar “Nghiên cứu và giảng dạy chính sách công trong bối cảnh hiện nay” nhằm trao đổi và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy chính sách công.


Seminar có sự tham dự của các giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT) - Trường ĐHKT; đại diện các viện, trung tâm nghiên cứu; đại diện các trường đại học và học viện đã và đang triển khai đào tạo chuyên ngành Chính sách công. TS. Bùi Đại Dũng - Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công (Khoa KTPT, Trường ĐHKT) chủ trì seminar.
Mở đầu buổi Hội thảo, TS. Bùi Đại Dũng đã có bài trình bày về: “Một số nhu cầu xã hội và thực tế đào tạo chuyên ngành chính sách công hiện nay của Khoa Kinh tế Phát triển”. Bài trình bày đưa ra những hiểu biết cơ bản, chung nhất về chính sách công cũng như đưa ra một số ví dụ về những chính sách đang gây tranh cãi hiện nay và đánh giá nguyên nhân.
Có thể thấy rằng thực trạng hoạch định, thực thi chính sách công ở Việt Nam trong thời gian qua bộc lộ nhiều vấn đề gây tranh cãi và bức xúc xã hội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này có liên quan tới chất lượng nghiên cứu và đào tạo về chính sách công ở Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số chương trình đào tạo chính sách công (cả bậc cử nhân và thạc sĩ), tuy nhiên so với nhu cầu xã hội thì mức độ đáp ứng vẫn còn khá khiêm tốn.
Khoa KTPT (Trường ĐHKT) đang thực hiện chương trình đào tạo cử nhân kinh tế phát triển hệ chính quy 4 năm, trong đó có chuyên sâu chính sách công và có định hướng xây dựng chương trình thạc sĩ chính sách công. Chính vì vậy, TS. Bùi Đại Dũng mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia để có thể hoàn thiện kết cấu, nội dung chương trình đào tạo chuyên sâu về chính sách công, cũng như kinh nghiệm xây dựng chương trình thạc sĩ, tính liên kết và tiêu chí phân định cấp độ kiến thức giữa trình độ cử nhân thạc thạc sĩ chính sách công.
Chia sẻ tại seminar, ThS. Lê Văn Hòa - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Chính sách công (Học viện Hành chính) đã trình bày những nội dung rất cụ thể về chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Chính sách công tại Học viện Hành chính từ căn cứ xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, các môn học được áp dụng. Ông cũng chia sẻ thêm về quy trình xây dựng chương trình đào tạo Chính sách công và định hướng chuyên ngành Chính sách công tại Học viện Hành chính.
TS. Nguyễn Quốc Việt trình bày tham luận tại seminar

Tiếp nối chương trình, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Chủ nhiệm Khoa KTPT đã có bài tham luận về:“Định hướng phát triển chương trình đào tạo sau đại học của Bộ môn Chính sách công - Khoa Kinh tế Phát triển”. Sau khi đã phân tích, so sánh mục tiêu, nội dung, khung chương trình đào tạo sau đại học về chính sách công ở một số nước cũng như tại Việt Nam, TS. Việt đã phân tích các cơ sở pháp lý và nhu cầu thực tiễn cũng như điều kiện khả năng của Khoa KTPT trong việc xây dựng chương trình thạc sĩ Chính sách công.

Trên cơ sở đó, TS. Việt cũng đề xuất các cấu phần cơ bản của chương trình thạc sĩ Chính sách công (MPP) dự kiến như: các môn học dự kiến, đối tượng tuyển sinh và hình thức tuyển sinh… Xét về các điều kiện mở chương trình thì Khoa KTPT có thể hoàn toàn đáp ứng được những nguyên tắc chung, còn các yêu cầu cụ thể hơn liên quan đến các quy định, đội ngũ giảng viên… thì cơ bản cũng sẽ đáp ứng được nếu vận dụng các hướng dẫn của Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Trao đổi tại seminar, các đại biểu đều cho rằng các báo cáo đều có chất lượng và rất đáng ghi nhận. Các đại biểu cũng nhất trí cần phát triển chương trình đào tạo sau đại học của Khoa KTPT. Chương trình sẽ có tính liên ngành cao và đáp ứng được các nhu cầu của xã hội.
PGS.TS Phí Mạnh Hồng nói: “Việc xây dựng mã ngành Chính sách công là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, trước khi xây dựng cần xác định rõ: định hướng chương trình là nghiên cứu hay thực hành, đối tượng học là ai, về dài hạn, thiết kế chương trình cần như thế nào để nếu có những thay đổi về quy định thì chương trình vẫn có thể điều chỉnh dễ dàng”.
Về bản dự thảo của chương trình, ông cũng góp ý: “Khoa cần có nhiều thời gian hơn để có được mô tả môn học rõ ràng, nên có số lượng môn thuộc nhóm ngành nhiều hơn; chia ra làm hai loại bắt buộc và tự chọn để quá trình giảng dạy trở nên linh hoạt; cần có môn học cung cấp các kỹ năng như phân tích chính sách, điều tra xã hội học, lập bảng hỏi… để người học có thể vận dụng được trong quá trình làm việc sau này”.
Một số ý kiến cũng trao đổi thêm về kinh nghiệm thực tiễn về chương trình cử nhân và thạc sĩ Chính sách công tại một số trường và học viện. Các ý kiến cho rằng, khi xây dựng chương trình, cần tận dụng những lợi thế sẵn có để phát huy hết thế mạnh; có tham khảo các chương trình của nước ngoài tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ bối cảnh xây dựng những chương trình đó để có những vận dụng hợp lý tại Việt Nam. Mặt khác, khi xây dựng bất cứ chương trình nào cũng cần xác định rõ đối tượng học để chương trình học đáp ứng được nhu cầu và khả năng người học. Phần đa các đại biểu nhất trí với ý kiến: nên xây dựng một chương trình thạc sĩ Chính sách công theo hướng nghiên cứu gắn với thực tiễn.
Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc và tích cực, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích về nghiên cứu và giảng dạy chính sách công ở cả hai hệ cử nhân và cao học.
Phát biểu tổng kết hội thảo, thay mặt Khoa KTPT - Trường ĐHKT, TS. Vũ Quốc Huy - Chủ nhiệm khoa đã cảm ơn những tham luận cùng các ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các đại biểu về vấn đề rất thiết thực đối với khoa và bộ môn Chính sách công. Những chia sẻ của các chuyên gia cũng đã phần nào củng cố, thắt chặt mạng lưới nghiên cứu và nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu về chính sách công, cũng như gợi mở những hướng phát triển tiếp theo cho bộ môn Chính sách công nói riêng và cho Khoa KTPT nói chung.

Tin: Hoa Hạnh (Khoa KTPT) - Ảnh: Duy Ni